Phát hiện ổ sán lá ruột lớn trong tá tràng bệnh nhân 56 tuổi

(Baonghean.vn) - Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh đã tiến hành nội soi, gắp ra từ tá tràng của bệnh nhân nữ 56 tuổi nhiều con sán lá kích thước lớn từ 2-3 cm.

Phát hiện bệnh khi đau bụng bất thường

Bệnh nhân L.T.M ở huyện Diễn Châu bị đau bụng trên rốn từ 10 ngày trước. Ban đầu chị cho rằng đây là dấu hiệu bình thường do tiêu hóa kém nhưng cơn đau kéo dài suốt những ngày qua, không có dấu hiệu thuyên giảm nên chị đến bệnh viện thăm khám.  

Các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh nội soi tá tràng, phát hiện bệnh nhân mắc sán lá ruột. Ảnh: Lam Giang
Các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh nội soi tá tràng, phát hiện bệnh nhân mắc sán lá ruột. Ảnh: Lam Giang

Bác sĩ CKII. Phùng Thị Hằng - Trưởng Khoa Nội, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân M. cho biết: “Tiến hành nội soi tá tràng của bệnh nhân, khi soi vào đoạn DII và DIII tá tràng, tôi phát hiện thấy nhiều con sán lá kích thước dài 2 - 3 cm đang di chuyển và đã dùng rọ lấy dị vật để gắp chúng ra ngoài”.

Sau khi nội soi tiến hành gắp sán, người bệnh được chỉ định nhập viện và tẩy sán theo phác đồ. 

Hình ảnh sán trên màn hình nội soi. Ảnh: Lam Giang
Hình ảnh sán trên màn hình nội soi. Ảnh: Lam Giang

Sán lá ruột hay còn gọi sán bã trầu là ký sinh trùng lớn nhất ký sinh ở người. Con người có thể nhiễm sán do ăn thực vật thủy sinh (rau ngô, ngó sen, rau cần,…) có nhiễm ấu trùng sán. Các trường hợp này gặp nhiều ở những vùng nuôi lợn, có nhiều ao, hồ và sử dụng thực vật nước ngọt.

Triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh

Khi bị nhiễm sán lá ruột, người bệnh có thể có các dấu hiệu sau: Cảm thấy mệt mỏi, uể oải; sụt cân, thiếu máu, đau bụng tiêu chảy bất thường, rối loạn tiêu hóa, bụng bị chướng. 

Nếu để các triệu chứng này kéo dài, người bệnh sẽ có thể bị phù toàn thân, phù mặt, phù thành bụng, phù chân, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, cổ trướng, thậm chí có thể tử vong do suy kiệt. Bên cạnh đó, nhiễm một số lượng lớn sán có thể dẫn đến tắc ruột hoặc thủng ruột.

là hình ảnh sán vừa được gắp ra
Hình ảnh sán vừa được gắp ra khỏi tá tràng của bệnh nhân. Ảnh: Lam Giang

Theo bác sĩ CKII. Phùng Thị Hằng, có một số thuốc được chỉ định điều trị sán lá ruột, tuy nhiên, lựa chọn tốt nhất là Praziquantel liều 25 mg/kg x 3 lần/ngày x 1 ngày.

Để phòng tránh sán lá ruột nói riêng và các loại sán khác, chúng ta cần tránh ăn sống các thực vật, quản lý nguồn chất thải của lợn, trâu, bò, ăn chín uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh... giữ vệ sinh môi trường sống. 

Bác sĩ khuyến cáo, nếu có hiện tượng mệt mỏi, đau bụng, thiếu máu mạn tính, người bệnh hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám, tìm ra nguyên nhân gây bệnh, để điều trị hiệu quả./.

Tin mới