Phát hiện sớm vi phạm, lấy phòng ngừa là chính trong quản lý đê cấp III trở lên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương tăng cường quản lý đê điều. Đồng thời ưu tiên tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện sớm vi phạm, lấy phòng ngừa là chính.

Sáng 5/6, tại xã Cửa Lò (Nghệ An), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị với chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành toàn quốc có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các cục, vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị cả nước có đê cấp III trở lên.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: BTC
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: BTC

Tại hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo sơ bộ về tình hình công tác phòng chống thiên tai, quản lý đê điều năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023; nhiệm vụ trọng tâm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong 6 tháng cuối năm. Theo đó, việc quản lý đê cấp III trở lên đảm bảo ổn định, không có tình huống bất ngờ và nghiêm trọng.

Tuy nhiên, do hệ thống đê, nhất là đê cấp huyện được đầu tư khá lâu và nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nên việc đầu tư nâng cấp còn nhiều bất cập, nguy cơ sạt lở và bị xâm hại vẫn còn cao.

Tham luận tại hội nghị, nhiều địa phương đã nêu kết quả đầu tư, tôn tạo đê điều thời gian qua của địa phương mình; đồng thời nhận diện những tồn tại, bất cập của công tác phòng chống thiên tai, quản lý đê điều, trao đổi kinh nghiệm và đề ra các giải pháp khắc phục.

Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: BTC

Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: BTC

Các ý kiến nhấn mạnh, mỗi địa phương có những cách làm khác nhau, song nhìn chung còn khó khăn; thông qua cam kết huy động nhà nước và nhân dân cùng làm, các địa phương đề nghị tỉnh và Trung ương quan tâm đầu tư hỗ trợ thêm.

Tại hội nghị, đại diện Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai Nghệ An cũng đã có phát biểu tham luận nêu kết quả và kinh nghiệm duy tu bảo dưỡng đê điều thời gian qua.

Theo đó, cùng với tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết riêng về duy tu bảo dưỡng các tuyến đê trên địa bàn hàng năm, tỉnh cũng vận dụng, lồng ghép các nguồn lực để cứng hóa đê, kè ven biển, đê sông. Bình quân mỗi năm ngân sách tỉnh Nghệ An dành trên 22 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa đê.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC

Mặc dù vậy, do diện tích tự nhiên lớn và địa hình dốc và phức tạp, Nghệ An có trên 80 km bờ biển nên công tác quản lý, đầu tư nâng cấp các tuyến đê biển, đê sông vùng cửa lạch trong bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng ngày càng khó khăn hơn. Vai trò quản lý đê của Chủ tịch UBND cấp huyện khá lớn, nhưng nguồn lực còn hạn chế, xử lý vi phạm khó khăn...

Cũng tại hội nghị này, các đại biểu còn được nghe dự báo về xu thế, diễn biến thời tiết thiên tai, bão lũ những tháng cuối năm 2023; tham luận về kinh nghiệm xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều tại Thái Bình; bài học về xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp huyện tại Hưng Nguyên (Nghệ An); nâng cao chất lượng công tác quản lý, đánh giá hiện trạng đê điều, xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều và công tác ứng phó với lũ lớn trên địa bàn của Hải Dương...

Kết luận tại hội nghị, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến phát biểu của các địa phương và Chi cục quản lý đê điều cấp huyện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương thực hiện các nội dung nhằm nâng cao nhận thức cho chủ tịch UBND cấp huyện. Luật Quản lý đê điều đã quy định rõ trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra vỡ hồ đập, đê điều, vì vậy các địa phương phải quán triệt tinh thần này để có giải pháp tương xứng; phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức và có cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp.

Đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tại tập hợp lại các kiến nghị để xuất của các địa phương để rà soát, xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phù hợp; sử dụng hợp lý quỹ Phòng chống thiên tai cho đầu tư, nâng cấp đê điều. Cả nước còn 6.000 km đê trên cấp III tại 21 tỉnh chưa được đầu tư nâng cấp tương xứng nên các địa phương cần quan tâm.

Ngoài đầu tư mới cần bố trí kinh phí duy tu sửa chữa thường xuyên; tiếp tục tập trung tốt cho phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, trong đó chú ý nhất là chỉ huy tại chỗ là mấu chốt của các phương án, phương châm khác; tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện sớm vi phạm, lấy phòng ngừa là chính và hơn chống.

(Trích phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp)

Tin mới