Phát huy cái “tâm” và trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo

Với gần 50.000 cán bộ giáo viên, đội ngũ nhà giáo Nghệ An trong những năm qua đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới thì người giáo viên cũng không ngừng học tập, nâng cao trình độ. Nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), GS. TS.NGƯT Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với Báo Nghệ An về vấn đề này.

PV: Thưa GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành, Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng học sinh và số lượng cán bộ giáo viên lớn nhất cả nước. Ông có thể cho biết vai trò và những đóng góp nổi bật của đội ngũ giáo viên tỉnh nhà trong những năm qua?

GS.TS NGƯT Thái Văn Thành: Phát huy truyền thống của một vùng đất hiếu học, của “ông đồ xứ Nghệ”, những năm qua đội ngũ nhà giáo trên quê hương tỉnh nhà đã có những đóng góp rất lớn cho sự nghiệp giáo dục của quê hương, đất nước. Điều này được thể hiện rất rõ khi liên tục trong nhiều năm, Nghệ An luôn đạt giải cao tại các Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, khu vực và quốc tế và Nghệ An đạt huy chương quốc tế ở tất cả các môn thi. Qua đó, thể hiện vai trò đầu tàu của giáo dục Nghệ An đối với khu vực Bắc Trung Bộ.

Ngoài ra, để dần dần xích lại khoảng cách giữa giáo dục miền xuôi và giáo dục miền núi, để tạo cơ hội, quyền và bình đằng cho học sinh là người dân tộc miền núi khó khăn, có đóng góp thầm lặng mà lớn lao của những người làm thầy giáo cô giáo bám làng, bám bản và những huyện miền núi cao. Các thầy cô thực sự là người mẹ hiền, là chỗ dựa tin cậy, định hướng, khích lệ sự phát triển cho giáo dục miền núi và vì sự trưởng thành, tương lai của học trò vùng cao.

Một tiết học của thầy và trò điểm trường lẻ bản Chà Lò Trường tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương
Một tiết học của thầy và trò điểm trường lẻ bản Chà Lò Trường tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương

PV: Hiện nay, Nghệ An về cơ bản tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đã trên 90%. Tuy nhiên, việc đổi mới giáo dục cũng đang đặt ra những khó khăn thách thức và trong đó vai trò của người thầy phải đặt lên hàng đầu và quyết định sự thành công của quá trình đổi mới. Nhìn vào đội ngũ của giáo viên tỉnh nhà, ông thấy chúng ta đang còn những khó khăn, tồn tại gì cần phải khắc phục?.

GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành: Với tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trên 90% là một thắng lợi rất lớn và là điều kiện thuận lợi để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, để thực hiện chương trình mới có hiệu quả thì chúng ta phải nhìn thẳng vào tồn tại. Ví như, giáo viên trước đây ở các trường sư phạm được đào tạo theo phương thực tiếp cận nội dung, trong khi chương trình mới yêu cầu giáo viên phải dạy học sinh theo hướng phát triển phẩm chất năng lực. Với sự thay đổi này, chỉ một số giáo viên trẻ mới được đào tạo theo hướng mới đó là phát triển tri thực và năng lực.

Từ bất cập này, để triển khai chương trình mới phải xây dựng kế hoạch bài bản, bồi dưỡng những nội dung, những vấn đề giáo viên còn thiếu, trước đây chưa được đào tạo hoặc bồi dưỡng những vấn đề mà chương trình phổ thông mới yêu cầu. Đây là những nội dung rất quan trọng vì quyết định đến thành công và chất lượng dạy học theo chương trình mới. Cụ thể, có thể hiện tại về kiến thức cơ bản giáo viên Nghệ An rất chắc chắn và tổ chức dạy và học rất chắc tay. Nhưng yêu cầu mới đỏi hỏi thay đổi cách làm giáo dục, thay đổi cách dạy và định hướng thay đổi cách học cho học trò. Đồng thời giáo viên phải có những ý tưởng sáng tạo để thiết kế dự án học tập, thiết kế các hoạt động trải nghiệm và để làm sao tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn học sinh biết cách vận dụng sáng tạo những tri thức đã học vào thực tiễn cuộc sống…

PV: Những năm gần đây, một trong những vấn đề vướng mắc của Nghệ An trong công tác giáo dục đó là thiếu giáo viên ở các bậc học. Vậy ngành giáo dục Nghệ An đã có giải pháp gì thưa ông?.

GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành: Việc thiếu giáo viên tỉnh nhà hiện nay chủ yếu tập trung ở bậc mầm non và cấp tiểu học. Trước thực tế này, tỉnh và ngành đã có nhiều giải pháp. Trong đó, với bậc mầm non tỉnh khuyến khích xã hội hóa bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp mở rộng các trường tư thục. Chính mô hình trường tư thục đã “gánh” rất lớn cho tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường, thiếu lớp ở tỉnh và giảm được đầu tư ngân sách nhà nước cho bậc mầm non. Hiện nay, hệ thống mầm non tư thục được mở rộng bài bản, có kế hoạch và chất lượng được đảm bảo, thậm chí có nhiều trường tư thục số lượng phụ huynh có nguyện vọng gửi con đông hơn cả trường công lập.Thứ hai, triển khai xã hội hóa nhằm hỗ trợ các nhà trường như thuê, hợp đồng (theo tiết, theo buổi) để làm huy động trẻ đến trường.

Đối với bậc tiểu học, trước đây tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn việc xã hội hóa và để các trường chủ động trong việc thuê và giáo viên hợp đồng dạy theo tiết và bước đầu giải quyết bài toán khó khăn về mặt biên chế. Về phía ngành cũng đã khảo sát, phân tích rõ cơ cấu số lượng đội ngũ để cùng với Sở Nội vụ tham mưu UBND và có văn bản gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ để trình Chính phủ xin bổ sung đủ đội ngũ của tỉnh nhà.

PV: Mới đây, tại hội nghị về “Phòng giúp phòng, trường giúp trường”, ông có nói đến vấn đề “tổ bộ môn giúp tổ bộ môn” nhằm mục đích hỗ trợ, giúp đỡ và nâng cao chất lượng giáo viên ở các vùng khó khăn. Ông có thể chia sẻ rõ hơn . Về ý nghĩa của hoạt động này và kế hoạch thực hiện để đạt hiệu quả, thực chất?.

GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành: Phải thừa nhận rằng, trong cơ cấu đội ngũ giáo viên tỉnh nhà hiện có sự bất cập giữa miền xuôi và các huyện miền núi vì các huyện miền núi trước đây chủ yếu giáo viên cử tuyển, những giáo viên giỏi lại có xu hướng về xuôi, về gần nhà và những nơi có điều kiện. Chưa kể, những năm thập kỷ 90 Nghệ An triển khai chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện Chương trình tiểu học năm 2000 nên một giai đoạn chúng ta tuyển dụng, đưa một đội ngũ giáo viên đi học sư phạm nhưng chỉ có trình độ 7+3 hoặc 10 +1, 10+2 để đào tạo bồi dưỡng để đủ và kịp thời cho các lớp học ở các bản làng… Hiện nay, đội ngũ này đều đã có tuổi và để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khó khăn.

Từ những bất cập trên nên trong thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng giải pháp “trường giúp trường, phòng giúp phòng” và năm nay sẽ triển khai thêm nội dung “bộ môn giúp bộ môn” để hỗ trợ cho các phòng giáo dục ở vùng trên về chiến lược phát triển, về kế hoạch giáo dục của từng cấp học, từng nhà trường và kế hoạch môn học, hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ. Đặc biệt, tăng cường sinh hoạt chuyên môn, đưa những giáo viên cốt cán của miền xuôi lên miền núi để dạy mẫu, cùng tham gia về chuyên môn và bồi dưỡng học sinh, giáo viên giỏi. Ngoài ra, nếu có điều kiện có thể hỗ trợ về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và hỗ trợ những giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Với chương trình này, sắp tới sở sẽ xây dựng cơ chế và khi triển khai chương trình các đơn vị tham gia sẽ cùng cam kết hai bên và đưa vào đánh giá hàng năm và xem đây là trách nhiệm với ngành. Sở cũng sẽ điều động giáo viên theo hướng cử đi công tác trong thời gian ngắn để hỗ trợ và triển khai dạy mẫu, nhất là những chương trình mới… Ngành cũng mong muốn đội ngũ giáo viên đã làm nghề thầy giáo thì cần phát huy tinh thần tương thân, tương ái, phải hỗ trợ, không chỉ mình thực hiện tốt trách nhiệm của mình mà phải chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp để tất cả cùng phát triển. Đó cũng là cái tâm của người thầy giáo.

Chỉ riêng Nghệ An trong năm 2019 đã đào tạo được 2344 giáo viên và họ có điều kiện 1 năm để nghiên cứu, sinh hoạt tổ chuyên môn, dạy mẫu để chia sẻ kinh nghiệm dạy học... Sự chuẩn bị đầy đủ này cũng giúp đội ngũ giáo viên của tỉnh nhà tháo gỡ được những vướng mắc về kỹ thuật trong triển khai chương trình sách giáo khoa mới đối với bậc học lớp 1.
Chỉ riêng Nghệ An trong năm 2019 đã đào tạo được 2344 giáo viên và họ có điều kiện 1 năm để nghiên cứu, sinh hoạt tổ chuyên môn, dạy mẫu để chia sẻ kinh nghiệm dạy học... Sự chuẩn bị đầy đủ này cũng giúp đội ngũ giáo viên của tỉnh nhà tháo gỡ được những vướng mắc về kỹ thuật trong triển khai chương trình sách giáo khoa mới đối với bậc học lớp 1.

PV: Từ năm học này, chương trình phổ thông mới đã triển khai đối với học sinh lớp 1 và sẽ bắt đầu thực hiện cuốn chiếu với các bậc học khác từ năm học tới. Vậy, đến thời điểm này, Nghệ An đã có sự chuẩn bị gì về công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và các điều kiện khác để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới?.

GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành: Như đã trao đổi ở trên, đội ngũ giáo viên quyết định đến thành công của quá trình đổi mới, vì thế, việc tăng cường bồi dưỡng để dạy theo chương trình mới là rất quan trọng. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều kế hoạch và những quyết định kịp thời, đầu tư cho việc đào tạo đội ngũ nhà giáo. Chỉ riêng Nghệ An trong năm 2019 đã đào tạo được 2344 giáo viên và họ có điều kiện 1 năm để nghiên cứu, sinh hoạt tổ chuyên môn, dạy mẫu để chia sẻ kinh nghiệm dạy học… Sự chuẩn bị đầy đủ này cũng giúp đội ngũ giáo viên của tỉnh nhà tháo gỡ được những vướng mắc về kỹ thuật trong triển khai chương trình sách giáo khoa mới đối với bậc học lớp 1.

Tương tự, chúng ta đã và đang triển khai chương trình lớp 2 và lớp 6 cho năm học tới. Và tôi tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo như vậy sẽ tạo tâm thế cho giáo viên chủ động, tự tin khi triển khai chương trình mới.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư. TS.NGƯT Thái Văn Thành!

Clip: Mỹ Hà - Đức Anh