Phát huy hiệu quả vốn vay chính sách ở huyện Quỳ Hợp

(Baonghean.vn) - Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế. Những đồng vốn chính sách đã trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều gia đình thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khó ở xóm Bản Xàn - vùng khó khăn của xã Châu Thái, anh Vi Văn Chung đã chọn mảnh đất quê hương để khởi nghiệp. Những ngày đầu, khi mới bắt tay vào việc chăn nuôi bò sinh sản, do vốn liếng cũng như kinh nghiệm chăn nuôi còn ít nên gặp không ít khó khăn, tưởng chừng mơ ước trở thành một ông chủ trang trại chăn nuôi của anh phải bỏ dở. Thế rồi năm 2015, được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện, anh vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo để chăn nuôi; đến năm 2017, sau khi trả nợ cũ và được Đoàn xã Châu Thái tạo điều kiện tham gia vào Câu lạc bộ chăn nuôi bò sinh sản, được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi để phát triển kinh tế, đoàn viên trẻ Vi Văn Chung đã mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng để cải tạo vườn đồi làm chuồng trại, mua bò sinh sản về nuôi.

Nhờ sự cần cù, chịu khó, cần mẫn chăm sóc, ban đầu chỉ có 2 con bò giống, đến nay, gia đình luôn duy trì nuôi với tổng số 12 con bò sinh sản. Ngoài ra, anh Chung còn đầu tư chăn nuôi hơn 40 con dê và trồng 5 ha rừng. Anh Chung cho biết thêm, hàng năm từ trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập trên 120 triệu đồng.

đàn bò của gia dình anh Vi Văn Chung ở Châu Thái, quỳ Hợp
Đàn bò của gia đình anh Vi Văn Chung ở Châu Thái, Quỳ Hợp được đầu tư chăn nuôi từ vốn vay NHCSXH. 

Theo anh Lô Văn Nguyên - Phó Bí thư Đoàn xã Châu Thái, không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, anh Vi Văn Chung còn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của Đoàn xã, các hoạt động của địa phương, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cũng như tích cực ủng hộ các phong trào quyên góp ở địa phương.

Những năm qua, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, đoàn viên, thanh niên huyện Quỳ Hợp nói chung và đoàn viên, thanh niên xã Châu Thái nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc khai thác, quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi thông qua hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp cho nhiều đoàn viên, thanh niên thoát nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, từ đó xuất hiện nhiều điển hình về phát triển kinh tế cho thu nhập cao, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho thanh niên có thêm nguồn vốn đầu tư vào phát triển kinh tế, các cấp, các ngành cần quan tâm, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để cho các hộ đoàn viên, thanh niên được tiếp tục vay vốn để mở rộng quy mô phát triển.

Hội viên tổ tiết kiệm vay vốn ở xã Châu Thái, Quỳ Hợp xem thông tin vay vốn tại trụ sở UBND xã. Ảnh TH
Hội viên tổ tiết kiệm vay vốn ở xã Châu Thái, Quỳ Hợp xem thông tin vay vốn tại trụ sở UBND xã. Ảnh Việt Phương

Hiện nay, 70 - 80% đối tượng thụ hưởng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội là người nghèo và các đối tượng chính sách là hội viên nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh. Các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách này vừa là cầu nối, vừa thực hiện được giám sát, phản biện xã hội cũng như xã hội hóa. 

Ở huyện Quỳ Hợp, không chỉ đoàn thanh niên mà các hội, đoàn thể khác cũng phát huy tốt nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Những kênh dẫn vốn của các tổ tiết kiệm và vay vốn do các hội, đoàn thể quản lý đã giúp đồng vốn tín dụng không chỉ đến đúng địa chỉ mà còn nhân rộng tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng. Điển hình như hộ Vi Văn Khẩn ở xóm Bản Muộng, xã Châu Thái - Tổ trưởng Vi Thị Thúy thuộc Hội Nông dân quản lý. Anh Khẩn thuộc diện hộ nghèo, năm 2018, gia đình anh được vay số tiền 50 triệu đồng để trồng rừng keo. Hiện tại gia đình có 3 ha keo, có 6 con bò, kinh tế gia đình phát triển, giúp nuôi con cái ăn học đầy đủ.

Nhiều mô hình kinh tế trang trại Quỳ Hợp được gây dựng từ nguồn vốn vay NHCSXH. Ảnh TH
Nhiều mô hình kinh tế trang trại Quỳ Hợp được gây dựng từ nguồn vốn vay NHCSXH. Ảnh Việt Phương

Hay hộ anh Trương Văn Công ở xóm Thắng Lợi, xã Văn Lợi thuộc diện hộ cận nghèo, năm 2020, anh vay 50 triệu đồng từ Hội Cựu chiến binh quản lý để mua bò sinh sản. Nhờ chăm chỉ, học hỏi kinh nghiệm từ thực tế, sách, báo, sự động viên hỗ trợ của hội cựu chiến binh xã mà anh có thêm nghị lực phát triển kinh tế; đàn bò được chăn nuôi tốt, hiện tại gia đình có 9 con bò và chuồng trại.

Quan tâm nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu các đối tượng

Những năm qua, Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp đã tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đặc biệt cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, ưu tiên một số chương trình tín dụng khác cho các xã về đích nông thôn mới. Để đảm bảo đáp ứng nguồn vốn cho vay, đơn vị đã chủ động tăng trưởng nguồn vốn một cách tối đa phục vụ nhân dân trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần vào mục tiêu quốc gia giảm nghèo hàng năm trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 còn 15,41%; tỷ lệ hộ cận nghèo 16%. Số hộ dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách tăng khá, chiếm 36,7% số hộ toàn huyện, bình quân mỗi hộ có dư nợ là 47,9 triệu đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong năm 2021 đã hỗ trợ vốn vay cho 3.759 hộ gia đình. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

Trang trại chăn nuôi của gia đình ông Chu Quốc Trụ ở xóm Mỹ Đình, Châu Đình, Quỳ Hợp. Ảnh TH
Trang trại chăn nuôi của gia đình ông Chu Quốc Trụ ở xóm Mỹ Đình, Châu Đình, Quỳ Hợp. Ảnh Việt Phương

Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng khi có thông báo nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, chăn nuôi của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tập trung xử lý và thu hồi kịp thời nợ đến hạn năm 2022, tiếp tục duy trì ổn định và bền vững chất lượng tín dụng, phối hợp với chính quyền địa phương và hội các cấp xử lý các trường hợp khó khăn trong quá trình trả nợ, đảm bảo tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,01% trở xuống…

Từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn đạt trên 581,384 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 581,332 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 0,28%. Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp cho biết: Năm nay chi nhánh cố gắng hoàn thành chỉ tiêu huy động ngân sách địa phương 500 triệu đồng; tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ từ 8-10% so với năm 2021; đảm bảo ổn định chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ quá hạn bằng 0,01%; hoàn thành 100% kế hoạch huy động vốn trên tất cả các kênh, kế hoạch sử dụng vốn được Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh giao.
Cán bộ NHCS Quỳ Hợp thăm gia đình chị Vi thị Đào ở xóm Thái Quang, xã Châu Thái, Quỳ Hợp - hộ vay vốn hiệu quả trên địa bàn. Ảnh Việt Phương
Cán bộ NHCS Quỳ Hợp thăm gia đình chị Vi thị Đào ở xóm Thái Quang, xã Châu Thái, Quỳ Hợp - hộ vay vốn hiệu quả trên địa bàn. Ảnh Việt Phương

Cùng với đó, phối hợp với tổ chức hội các cấp và chính quyền địa phương trong việc xử lý các hộ bỏ đi khỏi địa phương, hộ không nộp lãi, hộ vay nợ quá hạn mới phát sinh cũng như nợ quá hạn lâu ngày để tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn…

Bên cạnh việc tiếp tục tham mưu chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện, chúng tôi tham mưu cho Trưởng ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện phân giao chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng cho các xã, thị trấn ngay sau khi có thông báo nguồn vốn của Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp Nguyễn Thanh Hải chia sẻ

Tin mới