Phát huy tính năng động, đi đầu xây dựng nông thôn mới ở vùng cao

(Baonghean) - Đánh giá Tương Dương là địa phương đi đầu trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại khu vực miền núi cao của tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chỉ rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm địa phương này cần thực hiện, trong đó tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả trong xây dựng nông thôn mới nhằm thực hiện thành công mục tiêu thoát nghèo vào năm 2020.
Sôi động xây dựng nông thôn mới
Mở đầu chuyến công tác tại huyện Tương Dương vào ngày 17/11, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đến thăm xã Tam Quang, địa phương đăng ký về đích nông thôn mới năm 2017. Nhiều năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng của huyện vùng núi cao này được đầu tư tương đối đồng bộ, bài bản.
Trên con đường nhựa phẳng lì len qua núi đồi trập trùng vào bản Tùng Hương, xã Tam Quang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lương Thanh Hải là người có nhiều năm đảm nhận cương vị chủ chốt của địa phương này cho biết: Trước đây, đường vào Tùng Hương rất khó khăn, phải đi bộ mấy ngày mới đến nơi. Tuy nhiên, với sự đầu tư nguồn vốn của Nhà nước, đường nhựa và đường điện với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng đến tận bản…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đến thăm, động viên, tặng quà cho nhân dân  bản Bãi Xa, xã Tam Quang (Tương Dương) làm đường giao thông nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đến thăm, động viên, tặng quà cho nhân dân bản Bãi Xa, xã Tam Quang (Tương Dương) làm đường giao thông nông thôn mới.
Bản Tùng Hương đón Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác với một diện mạo tươi mới. Dưới những ngôi nhà sàn kiên cố, vững chãi được xây dựng theo hình ô bàn cờ rất quy củ là những con đường bê tông khang trang, sạch sẽ. Nhà hội quán của bản được xây dựng kiên cố, có sân thể thao, bờ rào bao quanh.
Nói chuyện với nhân dân bản Tùng Hương, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự phấn khởi trước những đổi thay rõ rệt của xã vùng biên Tam Quang nói chung; đồng thời nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng trong toàn dân để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, bản làng ngày càng phát triển. Quá trình đó, phải thực hiện tốt yêu cầu công khai, dân chủ trên tinh thần dân biết, dân làm, dân kiểm tra; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi trước. Có như vậy mới thành công!
Xây dựng nông thôn mới ở Tương Dương không chỉ thể hiện qua cơ sở hạ tầng được cải thiện mà cái cốt lõi là nhiều hộ dân đã biết khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương xây dựng các mô hình kinh tế. Câu chuyện thoát nghèo của gia đình anh Vi Văn Thuyết ở bản Bãi Xa, xã Tam Quang mà được Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm là một dẫn chứng điển hình. Tận dụng lợi thế đất đai rộng lớn, anh Thuyết đã đầu tư phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi và trồng rừng. Người đàn ông dân tộc Thái 48 tuổi giản dị trong bộ quần áo nhà nông này tự tin chia sẻ câu chuyện lập nghiệp của mình với Chủ tịch UBND tỉnh.
Từ hai bàn tay trắng, ông đã vay vốn để đầu tư chăn nuôi và hiện có 26 con trâu và nhiều vật nuôi khác. Bên cạnh đó gia đình đã trồng được 7,8 ha rừng sản xuất. “Thu nhập mỗi năm từ 100 -150 triệu đồng cũng đủ để đảm bảo cuộc sống gia đình ổn định”, ông Thuyết mộc mạc nói. Ấn tượng trước quyết tâm, ý chí vượt khó làm giàu của gia đình ông Thuyết, Chủ tịch UBND tỉnh ân cần động viên gia đình ông tiếp tục phát triển kinh tế bền vững để không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn là mô hình nhân rộng trong cộng đồng.
Cũng tại bản Bãi Xa, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã trực tiếp đến động viên nhân dân đang làm đường giao thông nông thôn mới. Trong ánh nắng nhẹ của ngày đầu Đông, hàng chục hộ dân đang tích cực trộn bê tông làm đường. Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đến thăm hỏi tiến độ, và tặng quà động viên bà con bản Bãi Xa.
Đồng chí Vi Thị Ngọc, là Phó Chủ tịch MTTQ xã tăng cường về làm Bí thư Chi bộ bản Bãi Xa phấn khởi chia sẻ: Bản có 194 hộ với 757 nhân khẩu, 85% là đồng bào dân tộc Thái. Những năm qua, đời sống nhân dân ngày càng phát triển nên tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22%. Năm nay có 6 hộ trong bản mua được ô tô làm phương tiện đi lại. Kế hoạch chi bộ đặt ra đợt này là làm được 500 m đường bê tông và đến nay chúng tôi đã làm được hơn 50%. Mỗi hộ đóng góp 200.000 đồng và cả bản chia làm 3 tổ, mỗi tổ hai ngày luân phiên nhau thi công đường. Tinh thần nhân dân rất phấn khởi!.
Sau Thạch Giám và Tam Thái, Tam Quang là địa phương thứ 3 của huyện Tương Dương đang tập trung xây dựng để về đích nông thôn mới vào năm 2017. Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang Lô Văn Lý cho biết: Hiện nay xã đã đạt được 15/19 tiêu chí và địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp hoàn thiện 4 tiêu chí còn lại là tỷ lệ hộ dân có việc làm thường xuyên, vệ sinh môi trường, nhà ở kiên cố và hộ nghèo. “Xác định đây là những tiêu chí khó, do đó chúng tôi đang tập trung các nguồn lực để thực hiện, trong đó khuyến khích nhân dân xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo”, đồng chí Lô Văn Lý nhấn mạnh.
Chú trọng 3 khâu đột phá
Là huyện vùng cao 30a, song kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Tương Dương đã phản ánh toàn diện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Báo cáo với đoàn công tác của Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Phạm Trọng Hoàng cho biết: Sau Đại hội Đảng bộ huyện, Huyện ủy Tương Dương đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu đến năm 2020 có 7 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (41%), các xã còn lại mỗi năm phấn đấu đạt 1 - 2 tiêu chí hoặc 1 - 2 bản đạt bản nông thôn mới. Thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện và các ngành của huyện đã vào cuộc đồng bộ để hỗ trợ, giúp đỡ các xã. 
Trưởng Tiểu học Tam Quang 2, bản Tùng Hương được xây dựng khang trang
Trưởng Tiểu học Tam Quang 2, bản Tùng Hương được xây dựng khang trang
Phấn khởi trước những kết quả này, tại cuộc làm việc giữa đoàn công tác của Chủ tịch UBND tỉnh với lãnh đạo huyện Tương Dương, đại diện các sở, ngành tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến, gợi mở nhiều giải pháp để địa phương tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Nguyễn Sỹ Hưng đề nghị huyện tập trung chỉ đạo thâm canh cây ngô vốn là tiềm năng của địa phương cũng như sản xuất rau an toàn, khoai sọ; tạo vùng tập trung phát triển lâm nghiệp. Bên cạnh phát triển hàng hóa, cần đẩy mạnh phát triển hợp tác xã chuyên sâu để làm bà đỡ cho nông dân.
Cũng trên quan điểm phát triển mạnh các mô hình kinh tế gắn với các cây con bản địa, Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Viết Hùng đánh giá, Tương Dương có nhiều năng động trong chuyển giao KHCN trên địa bàn với việc ban hành đề án về lĩnh vực này. Thời gian tới, sở sẽ hỗ trợ huyện mô hình ủ chua thức ăn để phát triển chăn nuôi trâu, bò. Bên cạnh cạnh đó, theo ý kiến của Phó Giám đốc Sở KH&CN, cùng với việc duy trì diện tích ao nuôi cá 63 ha và phát triển nuôi cá lồng (hiện đã đạt 221 lồng) tại các vùng hồ thủy điện, thì Tương Dương cần nghiên cứu đưa thêm các mô hình nuôi cá ở vùng nước lạnh, đặc sản lợn đen, gà ác, vịt bầu… để phát triển thành sản phẩm hàng hóa. 
Nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tương Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chỉ rõ địa phương cần tập trung chỉ đạo: Cần tiếp tục đi đầu trong phong trào xây dựng mô hình làng, bản, xã nông thôn mới ở khu vực miền núi cao của tỉnh. Cùng với đó, địa phương tiếp tục xây dựng được nhiều mô hình kinh tế; phát huy lợi thế diện tích đất đai để trồng rừng sản xuất gắn với nhà máy tiêu thụ để nâng cao đời sống nhân dân. 
Đến tháng 9/2016, huyện Tương Dương đã có 2 xã 30a về đích nông thôn mới là các xã Thạch Giám và Tam Thái; các xã còn lại đều tăng từ 1 - 2 tiêu chí; toàn huyện không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong khi đó đầu năm 2016 còn 4 xã thuộc diện này./.
Thành Duy - Tiến Hùng
TIN LIÊN QUAN

Tin mới