Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ:

Phát huy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tội phạm

(Baonghean.vn) - Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức chiều 21/1.
 Năm 2018 đã triệt phá 2.721 băng nhóm các loại

Báo cáo của Bộ Công an - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 138 của Chính phủ cho biết: Trong năm 2018 các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã quan tâm triển khai quyết liệt các Chỉ thị, Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng, chống tội phạm; bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước.

Ảnh: Đặng Cường
Dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh. Ảnh: Đặng Cường

Ban Chỉ đạo 138 các cấp đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo các cấp ban hành các chủ trương, chiến lược và kế hoạch chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội.

Trong năm, ngành chức năng đã điều tra, khám phá 43.826 vụ phạm pháp hình sự, bắt, xử lý 87.769 đối tượng, đạt tỷ lệ 82,32% (cao hơn 1,9% so với năm 2017). Tập trung đánh mạnh, triệt phá các loại tội phạm có tổ chức, năm 2018 đã triệt phá 2.721 băng nhóm các loại. Bắt, vận động đầu thú và thanh loại 4.881 đối tượng truy nã. Giải quyết, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 90,22%.

Phát hiện 15.819 vụ phạm tội kinh tế; 378 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ; 2.384 vụ buôn lậu; 97 vụ, việc phạm tội sử dụng công nghệ cao; 24.642 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; 22.831 vụ, bắt giữ 33.874 đối tượng phạm tội về ma túy. 

Tại Nghệ An, trong năm 2018, tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành TW, BCĐ 389 quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong năm đã tổ chức kiểm tra xử phạt 10.116 vụ, tổng giá trị thu phạt 294 tỷ đồng. 

Công tác hợp tác quốc tế được tăng cường, nhất là hợp tác với lực lượng chức năng Trung Quốc, Campuchia, Lào, trong duy trì giao ban, trao đổi đoàn các cấp, thiết lập, duy trì đường dây “nóng” trao đổi thông tin tội phạm và phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao tội phạm, truy bắt tội phạm truy nã, giải cứu, hồi hương người bị hại...

Trong năm 2018, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ Trung ương đến cơ sở từng bước vào nề nếp, phát huy hiệu quả tích cực. Đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017), thu nộp ngân sách Nhà nước đạt 20.123 tỷ 508 triệu đồng (giảm 12% so với cùng kỳ 2017), khởi tố 1.979 vụ (tăng 21% so với cùng kỳ 2017), 2.339 đối tượng (tăng 10% so với cùng kỳ 2017).  

Chủ động dự báo tình hình, không để xảy ra tình trạng bị động

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình biểu dương, đánh giá cao kết quả, thành tích đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2018.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống buôn lậu còn những tồn tại, hạn chế như: Một số trường hợp nắm thông tin còn chậm, gây nên tình trạng mất an ninh trật tự, vẫn còn để xảy ra một số loại tội phạm nghiêm trọng; nhiều nơi còn để tội phạm liên quan đến “bảo kê”, “tín dụng đen” kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... 

Ảnh tư liệu
Xử lý hàng giả, hàng nhái tại Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An. Ảnh tư liệu

Tại hội nghị, đại biểu các ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đề xuất ý kiến, trao đổi các giải pháp, kinh nghiệm đấu tranh, phòng ngừa, kiềm chế tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng, chống buôn bán người và chống gian lận thương mại trong thời gian tới. 

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu trong thời gian tới, thành viên Ban Chỉ đạo 138 các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm; xác định những lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Ảnh: Đặng Cường
Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kết luận hội nghị. Ảnh: Đặng Cường

Đặc biệt, cần tập trung đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội, như: Tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, vi phạm pháp luật về môi trường. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, bảo đảm an ninh chính trị, TTATXH các sự kiện quan trọng, ngày lễ lớn của đất nước, địa phương...

Phát huy vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra đánh giá, lựa chọn người đứng đầu có tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao trong phòng, chống tội phạm, buôn lậu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra ngay trong các cơ quan phòng chống, kiên quyết loại ra những cán bộ không công tâm, thiếu trách nhiệm...

Chủ động dự báo tình hình, không để xảy ra tình trạng bị động. Làm tốt công tác điều tra cơ bản, xác lập các phương án đấu tranh. Đặc biệt kiểm tra, xử lý kịp thời tình hình buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. 

Tin mới