Phát huy truyền thống quê hương Xô viết

(Baonghean) - Hưng Nguyên - vùng đất giàu truyền thống văn hoá, yêu nước và cách mạng, tên đất, tên người đã in đậm dấu ấn trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong phong trào xuất dương hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước của Liệt sỹ Phạm Hồng Thái với “tiếng bom Sa Diện” đã “báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én báo hiệu mùa xuân”, làm rạng danh quê hương, đất nước. Phát huy truyền thống, xứng đáng là quê hương của người con anh hùng, Hưng Nguyên hôm nay vươn lên khởi sắc từng ngày...
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn ở huyện Hưng Nguyên.	  	Ảnh: sỹ minh
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn ở huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Sỹ Minh
Cánh én nhỏ báo hiệu mùa Xuân
Phạm Hồng Thái (lúc nhỏ tên là Phạm Thành Tích), sinh ngày 14 tháng 5 năm 1895 tại làng Xuân Nha, nay thuộc xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên. Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống, từ nhỏ, Phạm Hồng Thái được nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và lòng thương dân. 
12 tuổi, khi nhận thức được nỗi đau của người dân mất nước, thân phận của người dân nô lệ, Phạm Hồng Thái được biết đến Phan Bội Châu cùng một số chí sỹ đã xuất dương tìm đường cứu nước. Cốt cách và nhiệt huyết của bậc cha anh trở thành chất “xúc tác” để Phạm Hồng Thái càng thêm tin tưởng vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong vòng 6 năm (từ 1919 đến 1925), ông đã lăn lộn khắp nơi, làm công nhân ở 5 hãng sản xuất: Nhà máy Điện, Nhà máy Diêm, công nhân hỏa xa, mỏ kẽm Bắc Cạn, Nhà máy xi măng Hải Phòng. Qua đó, Phạm Hồng Thái hiểu rõ hơn về ý thức giai cấp, hiểu rõ sự bần cùng của người dân nô lệ và bản chất tàn bạo của thực dân Pháp. Thời gian làm việc tại các nhà máy, Phạm Hồng Thái là nhân tố tích cực trong việc vận động, tổ chức công nhân biểu tình, bãi công. Chính Phạm Hồng Thái là người đã phát hiện và giúp đỡ Lê Hồng Phong tiếp xúc với phong trào công nhân Trường Thi - Bến Thuỷ. Hai người sau này trở thành đôi bạn tâm giao, đồng chí hướng. Ở những nơi Phạm Hồng Thái lưu lại dù thời gian không nhiều, anh đều bí mật tổ chức đọc các tài liệu và báo chí trong nước cũng như nước ngoài, giúp công nhân hiểu biết thêm về tình cảnh đời thợ làm thuê cho bọn thực dân Pháp. Vì vậy, chủ các nhà máy ở Vinh - Bến Thuỷ đã liên kết sa thải anh.
Di tích lịch sử nhà thờ họ Phạm ở Hưng Nhân (Hưng Nguyên). 	Ảnh: Thanh Thủy
Di tích lịch sử nhà thờ họ Phạm ở Hưng Nhân (Hưng Nguyên). Ảnh: Thanh Thủy
Không chỉ hoạt động trong các nhà máy, Phạm Hồng Thái còn về quê, chọn nhà thờ họ Phạm làm nơi đàm đạo với bạn bè, đồng chí. Thời gian này, các đồng chí Lê Thiết Hùng, Vương Thúc Oánh, Lê Hồng Phong,… thường xuyên cùng Phạm Hồng Thái nghiền ngẫm những áng văn thơ bất hủ của Phan Bội Châu về Cách mạng Tháng Mười Nga.
Đầu năm Giáp Tý (1924), Phạm Hồng Thái cùng một số thanh niên yêu nước xứ Nghệ bí mật xuất dương với ý nguyện lớn là tìm đường giải phóng đất nước, cứu khổ cho đồng bào. Đó cũng là ước vọng của cả thế hệ đau đáu một lòng vì nước, với mục tiêu giải phóng dân tộc. Hoàn cảnh lịch sử ấy đã tạo nên bức thông điệp để Phạm Hồng Thái gặp gỡ và kết giao với Lê Hồng Phong, Trần Bá Giao, Lê Hồng Sơn, Lê Thiết Hùng, Vương Thúc Oánh, Trương Vân Lĩnh. Đi qua Lào, sang Thái Lan và cuối cùng Phạm Hồng Thái đã đến Trung Quốc. Lúc đầu anh tìm đến Tổ chức Việt Nam Quang Phục hội, một tổ chức yêu nước của Phan Bội Châu. Sau đó bằng sự nhạy cảm về chính trị, Phạm Hồng Thái nhận ra Quang Phục hội chưa đủ để có thể giúp mình thực hiện được hoài bão, anh đã bí mật tách rời và gia nhập tổ chức Tâm Tâm Xã.
Được khích lệ bởi những ý tưởng tốt đẹp, được thôi thúc bởi những hành động xả thân vì đại nghĩa, những chàng trai tràn đầy nhiệt huyết trong Tâm Tâm Xã đã triển khai một loạt những hoạt động cách mạng của mình. Đặc biệt là kế hoạch ám sát tên toàn quyền Đông Dương Merlin của Phạm Hồng Thái. Ngày 19/6/1924, biết chắc Merlin sẽ dự tiệc khoản đãi của nhà đương cục Pháp tại khách sạn Victoria, Phạm Hồng Thái bèn cải trang thành một ký giả tới dự tiệc. Bữa tiệc vừa bắt đầu thì một quả tạc đạn từ cửa sổ ném đúng bàn tiệc, lập tức một tiếng nổ xé trời làm khoảng chục người bị thương. Merlin thoát chết. Tiếng hô hoán cấp cứu hoảng loạn cả khu nhà. Vòng vây cảnh sát và mật thám bủa đặc tô giới để lùng bắt, Phạm Hồng Thái đã anh dũng hy sinh.
Tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái đã tạo nên niềm kính phục và thức tỉnh lòng yêu nước của hàng vạn đồng bào trong nước. Và 6 năm sau sự kiện tiếng bom Sa Diện, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, trong đó nhiều đồng chí của Phạm Hồng Thái trước đó tham gia tổ chức Tâm Tâm Xã và Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đã trở thành cốt cán của Đảng. 
Và cũng chỉ sau 6 năm, tại Hưng Nguyên - quê hương của Phạm Hồng Thái đã bùng lên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, mà đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930. Đây là tiền đề quan trọng tiến tới thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.  
Đổi thay trên quê hương Xô Viết
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, về với vùng quê cách mạng, để cảm nhận Hưng Nguyên đang đổi thay từng ngày. Nếu như các xã vùng giữa dọc theo Tỉnh lộ 558 tập trung phát triển những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, thì các xã vùng dọc tuyến đường du lịch sinh thái ven sông Lam lại tập trung khai thác, sử dụng có hiệu quả hơn 1.000 ha đất bãi ven sông để trồng rau sạch, rau an toàn, trồng hoa, phát triển làng nghề, dịch vụ ăn uống... Một số xã vùng bán sơn địa tập trung đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, cây nguyên liệu và chăn nuôi đại gia súc. Toàn huyện đã có trên 40 cánh đồng thu nhập cao, sản xuất hiệu quả như: các cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao ở Hưng Trung, Hưng Tây, Hưng Đạo, Hưng Thông...
Có trên 320 trang trại, gia trại kinh doanh tổng hợp sản xuất khá ổn định, trong đó có những trang trại, gia trại trồng rau, màu và chăn nuôi kết hợp cho thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/ha ở các xã: Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam, Hưng Nhân, Hưng Phúc, Hưng Thịnh, Hưng Long, Hưng Phú, Hưng Tiến, Hưng Khánh với các sản phẩm chủ yếu như bò lai sind, lợn siêu nạc, gà, vịt, chanh...  Bình quân mỗi năm góp vào thu nhập của huyện hơn 120 tỷ đồng, nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 20 triệu đồng/năm. Hưng Nguyên có 5 làng nghề được tỉnh công nhận như làng nghề bánh đa, kẹo lạc Hưng Châu, làng nghề bún bánh Hưng Xá, Hưng Lam, sản xuất rượu Hưng Tân, ép dầu lạc Hưng Xuân... một số làng nghề truyền thống tiếp tục được khôi phục và sản xuất có hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Phi, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên, cho biết: “Với lợi thế là vùng phụ cận Thành phố Vinh, những năm qua, cấp ủy, chính quyền Hưng Nguyên đã tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển. Cùng với đó là việc huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nhiều làng quê ngày càng khởi sắc: nhiều ngôi nhà mới mọc lên khang trang, đường làng, ngõ xóm bê tông hóa sạch đẹp; sản xuất, kinh doanh phong phú, đa dạng các ngành nghề như mộc, xây, gò hàn, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại... Đến nay, Hưng Nguyên có 2 xã về đích nông thôn mới, 10 xã đạt 10 - 15 tiêu chí; 9 xã đạt 5 - 9 tiêu chí. Năm 2014, các xã đã đầu tư, nâng cấp 45 km đường giao thông, 4,5 km kênh mương và 17 công trình các loại từ việc lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Tổng giá trị đầu tư đạt 45,9 tỷ đồng. Phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới...”. 
Phát huy những kết quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân Hưng Nhân nói riêng, Hưng Nguyên nói chung đang tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội các cấp đề ra, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, từng bước đưa Hưng Nguyên trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, xứng đáng quê hương Xô viết anh hùng.
Thanh Thủy

Tin mới