Phát huy vai trò ‘hạt nhân’ trong sáp nhập khối, xóm ở Nghệ An

(Baonghean) - Việc sắp xếp, sáp nhập 3.398 khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh đang được các địa phương trong toàn tỉnh triển khai thực hiện. Đối diện với nhiều áp lực sau sáp nhập, song các chi bộ khối, xóm vẫn tiếp tục phát huy vai trò, đoàn kết, giữ vững phong trào “hạt nhân” nơi cơ sở.

Những áp lực

Thị trấn Cầu Giát là địa phương đầu tiên của huyện Quỳnh Lưu tiến hành sáp nhập đơn vị khối, xóm theo Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh và theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Với đề án, khối 11 và khối 12 của thị trấn sáp nhập và lấy tên mới là khối 11, có 366 hộ và 58 đảng viên, địa bàn khá rộng, thành phần dân cư lại khác nhau.

Thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu: Hồ Đình Chiến
Thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu: Hồ Đình Chiến

Trước ngày sáp nhập và thành lập chi bộ mới, Đảng ủy thị trấn Cầu Giát đã xuống Chi bộ khối 11 và Chi bộ khối 12 để lắng nghe đề xuất, nguyện vọng của các cán bộ đương nhiệm, đề nghị đề cử người giữ các chức danh mới sau khi sáp nhập; đồng thời chỉ đạo các đoàn thể thực hiện song song các quy trình lấy ý kiến nhằm chỉ định trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng các đoàn thể lâm thời. Phương án đưa ra là lấy nhân sự ở 2 chi bộ cũ vào bộ máy của chi bộ mới, bàn chọn giữa 2 bí thư chi bộ để chọn 1. Kết quả, Bí thư Chi bộ khối 12 và tất cả các trưởng đoàn thể đương nhiệm của khối 12 đều… xin rút.

“Những bí thư chi bộ, cán bộ đoàn thể ở khối nguyên là cán bộ hưu trí, được động viên hoạt động không chuyên trách ở khối xóm. Với lượng công việc khá lớn sau khi sáp nhập, địa bàn khối rộng, dân cư đông, nên việc lãnh đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ tại khối gặp rất nhiều khó khăn, phụ cấp ít không đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ. Rõ ràng sẽ có một áp lực lớn đối với cán bộ không chuyên trách”

Đồng chí Hồ Sỹ Nguyệt - Bí thư Đảng ủy thị trấn Cầu Giát

Lãnh đạo Đảng ủy thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) trao đổi công tác với Bí thư chi bộ khối 11 mới sau sáp nhập. Ảnh: Mỹ Nga
Lãnh đạo Đảng ủy thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) trao đổi công tác với Bí thư chi bộ khối 11 mới sau sáp nhập. Ảnh: Mỹ Nga

Đảng ủy thị trấn đã gặp riêng từng người trong chi ủy và trưởng các đoàn thể của khối 12, lắng nghe tâm tư và làm công tác vận động tư tưởng. Hội nghị công bố quyết định sáp nhập 2 chi bộ, có tên mới là Chi bộ khối 11 diễn ra với sự thống nhất cao cách bố trí: chi ủy, chi bộ đều có nhân sự của 2 khối, Bí thư Chi bộ khối 11 cũ đảm nhiệm chức vụ Bí thư Chi bộ khối 11 mới và Bí thư Chi bộ khối 12 cũ với vai trò Trưởng ban công tác Mặt trận; công bố các quyết định giải thể chi bộ, các hội đoàn thể cũ, thành lập chi bộ, các hội đoàn thể mới; quyết định miễn nhiệm chức danh bí thư chi bộ, khối trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng các chi hội, đoàn thể, và chỉ định các chức danh lâm thời. Đồng chí Tăng Văn Quế - người được cử giữ chức Bí thư Chi bộ khối 11 mới chia sẻ: “Sau khi sáp nhập, chi bộ mới có 58 đảng viên, trong đó 20 đảng viên từ Chi bộ khối 12 cũ đều là cán bộ hưu trí. Đây được xem như lợi thế của chi bộ mới trong nâng cao chất lượng sinh hoạt, đưa ra nghị quyết, phương hướng lãnh đạo, điều hành”.

Tại huyện Hưng Nguyên, hội nghị công bố thành lập các chi bộ mới của xã Hưng Thông diễn ra vào những ngày cuối tháng 9 trong không khí phấn khởi, nhận được sự đồng thuận cao. Từ 11 chi bộ nông thôn, sau sáp nhập, Đảng bộ xã Hưng Thông có 4 chi bộ nông thôn mới, với các tên gọi: Chi bộ Hồng Hà, Chi bộ Hồng Lĩnh, Chi bộ Hồng Thái, Chi bộ Hồng Phong.

Công bố quyết định sáp nhập Chi bộ Hồng Hà, xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) từ các chi bộ khối 1, 2, 3. Ảnh: Mỹ Nga
Công bố quyết định sáp nhập Chi bộ Hồng Hà, xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) từ các Chi bộ khối 1, 2, 3. Ảnh: Mỹ Nga

Thực hiện theo Hướng dẫn 25 của Huyện ủy Hưng Nguyên ngày 22/8/2019 về công tác tổ chức, cán bộ ở xóm, khối sáp nhập, để phù hợp với thực tiễn của địa phương, Đảng ủy xã Hưng Thông quyết định đề ra phương án bố trí nhân sự trong chi ủy mới theo phương án lấy nhân sự từ 3 xóm cũ nhằm phân vùng, cán bộ có thể bao quát, bám nắm địa bàn. Theo đó, trong chi ủy lâm thời mới, các bí thư chi bộ cũ lần lượt giữ các vai trò: bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ, và trưởng ban công tác Mặt trận.

“Sau sáp nhập, đội ngũ cán bộ do chưa từng làm việc với nhau, chắc chắn thời gian đầu chưa thể hoạt động trơn tru ngay được”

Đồng chí Phan Đức Hưng - Bí thư Chi bộ Hồng Hà

Đồng chí Phan Đức Hưng - người được chỉ định giữ chức Bí thư Chi bộ Hồng Hà mới chia sẻ rằng, trước mắt với việc vận hành chi bộ mới, ít nhiều có những lúng túng, bỡ ngỡ và lo lắng. “Sau sáp nhập, đội ngũ cán bộ mới có, cũ có. Đều là những người thân quen, nhưng chưa từng làm việc với nhau, chắc chắn thời gian đầu chưa thể hoạt động trơn tru ngay được”, đồng chí Hưng bộc bạch.
Nếu như trước đây, trung bình có 22 - 25 đảng viên/chi bộ, nay sau sáp nhập Chi bộ Hồng Hà có trên 80 đảng viên, trong đó số lượng đảng viên cao tuổi lại chiếm số đông, do đó, cách thức, giờ giấc sinh hoạt cũng cần phải được tính toán lại. Đồng chí Phan Đức Hưng chia sẻ thêm: “Mỗi chi bộ có cách thức tổ chức sinh hoạt riêng, nay nhập lại phải tìm hiểu đặc tính của mỗi chi bộ để tìm ra điểm chung, tạo sự thuận lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo. Những phương án như sinh hoạt tổ cũng sẽ được tính đến”.
Huyện Hưng Nguyên giảm từ 252 xóm xuống còn 126 xóm. Trong ảnh: Một góc nông thôn mới ở Hưng Nguyên. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Huyện Hưng Nguyên giảm từ 252 xóm xuống còn 126 xóm. Trong ảnh: Một góc nông thôn mới ở Hưng Nguyên. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-HĐND tỉnh ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh về việc sáp nhập, đổi tên xóm, khối, bản ở các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chỉ đạo UBND cấp xã kiện toàn tổ chức bộ máy nhân sự các xóm; trong đó, chỉ định Ban cán sự xóm lâm thời để điều hành hoạt động. Quá trình lựa chọn nhân sự, cần lưu ý bố trí hài hòa nhân sự giữa các xóm sau khi sáp nhập, đảm bảo các xóm đều có người đại diện đảm nhận 1 trong 3 chức danh: bí thư, xóm trưởng và trưởng ban công tác Mặt trận.

Phát huy vai trò đảng viên

Làm tốt công tác nhân sự chi bộ ở khối, xóm đang được các địa phương tập trung thực hiện, chuẩn bị kỹ càng với tinh thần dân chủ, đồng thuận cao, vừa đảm bảo công việc thực hiện trôi chảy ở cơ sở.

Đồng chí Lê Xuân Tỳ - Bí thư Chi bộ khối 9 (phường Hồng Sơn, thành phố Vinh) chia sẻ, thực hiện đề án đã được phê duyệt, khối 9 sẽ sáp nhập với khối 8 và lấy tên mới Hoàng Diệu. Thời gian qua, các bước chuẩn bị cho việc thành lập khối mới được các chi bộ 2 khối thực hiện chu đáo, nhân dân cũng đồng thuận cao tại các cuộc họp.

Chi bộ khối 9, phường Hồng Sơn (TP. Vinh) tổ chức sinh hoạt định kỳ tháng 10, bàn về công tác cán bộ sau sáp nhập. Ảnh: Mỹ Nga
Chi bộ khối 9, phường Hồng Sơn (TP. Vinh) tổ chức sinh hoạt định kỳ tháng 10, bàn về công tác cán bộ sau sáp nhập. Ảnh: Mỹ Nga

Đến nay, để hoàn thành chủ trương sáp nhập khối mới, công tác nhân sự khối được xem là khâu hết sức quan trọng. Trong chi bộ đã bàn, lựa chọn nhân sự giới thiệu tham gia khối mới, và đang tiếp tục chờ xin ý kiến định hướng, chỉ đạo của Đảng ủy phường Hồng Sơn. Điều cốt lõi, làm sao lựa chọn được nhân sự đảm nhiệm các chức danh ở khối mới theo yêu cầu hiện nay được đảng viên, nhân dân tín nhiệm, đồng thuận cao, giữ vững và phát huy vai trò “hạt nhân” tại cơ sở.

5 năm giữ vị trí khối trưởng và hơn 24 năm đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ khối 9, nay đồng chí Lê Xuân Tỳ xin thôi chức danh này, vì xét thấy tuổi đã cao, không còn đủ sức khỏe để đảm đương công việc. Đồng thời đồng chí Tỳ cũng muốn để cho những người trẻ thay thế, có đủ trách nhiệm, khả năng làm tốt, đáp ứng được định hướng về công tác cán bộ khối là bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác Mặt trận.

Đồng chí Tỳ bày tỏ, dù không tham gia cán bộ chủ chốt của khối mới, nhưng phát huy vai trò của đảng viên, đồng chí sẽ luôn ủng hộ, tích cực tham gia vào các hoạt động hội, đoàn thể phân công, giúp đỡ bộ máy mới hoàn thành các nhiệm vụ ở cơ sở.

Cán bộ xã Tân Hương (Tân Kỳ) trao đổi với Bí thư Chi bộ, Ban cán sự xóm 3 về công tác sáp nhập. Ảnh tư liệu: Thanh Lê
Cán bộ xã Tân Hương (Tân Kỳ) trao đổi với Bí thư Chi bộ, Ban cán sự xóm 3 về công tác sáp nhập. Ảnh tư liệu: Thanh Lê


Khi nói về chế độ hỗ trợ hoạt động cho cán bộ khối, xóm, các bí thư chi bộ đều tâm tình rằng, là đảng viên, ý thức, trách nhiệm trong phong trào chung của địa phương mà đội ngũ những người cán bộ thôn luôn nhiệt tình, làm với tinh thần vô tư là chính, nỗ lực, trách nhiệm trong các nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Hoàng Ngọc Cừ - Bí thư Đảng ủy phường Hồng Sơn chia sẻ, việc cắt giảm chế độ phụ cấp có ảnh hưởng không nhỏ, tư tưởng của một số bộ phận cán bộ khối, xóm có sự giao động, công việc có phần chểnh mảng, kéo theo phong trào cơ sở thiếu sự sôi nổi, hoạt động cầm chừng. Với quan điểm chia sẻ, Đảng ủy phường tăng cường cán bộ xuống cơ sở, hỗ trợ công việc, bởi không thể phủ nhận đội ngũ cán bộ khối là cánh tay nối dài ở cơ sở.

Tin mới