Phát triển công nghiệp hài hòa với cuộc sống người dân

(Baonghean) - Đầu tư gần 13.000 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy xi măng ở Bài Sơn (Đô Lương) và cụm Trạm nghiền xi măng, cảng quốc tế tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc), cho thấy quyết tâm của Tập đoàn xi măng The Vissai trong phát triển sản xuất ở Nghệ An. Bởi vậy quá trình xây dựng cũng như đi vào vận hành nhà máy, Công ty CP xi măng Sông Lam chủ trương tăng tốc sản xuất trên cơ sở đảm bảo hài hòa cuộc sống của người dân vùng nhà máy đứng chân. 
 Nhà máy Xi măng Sông Lam - điểm nhấn công nghiệp ở xã Bài Sơn (Đô Lương).
Nhà máy Xi măng Sông Lam - điểm nhấn công nghiệp ở xã Bài Sơn (Đô Lương).
Quan tâm kiến nghị của người dân
Trong quý III và IV năm 2016, Công ty CP Xi măng Sông Lam tiến hành xây dựng tuyến đường từ nhà máy xi măng đến vùng đá vôi nguyên liệu và bãi tập kết xe, máy trên địa bàn xã Bài Sơn (Đô Lương). Quá trình đó, có 2 lần đơn vị nhận thầu nổ mìn phục vụ thi công đã làm văng đá xuống 4 hộ dân xóm Thái Sơn ở sát chân núi (cách khoảng 150 - 220m). Cụ thể, hộ ông Thái Đức Huấn, Nguyễn Văn Hải, Thái Đắc Trúc và bà Phan Thị Thành bị đá văng làm vỡ một số ngói nhà ở và chuồng gia súc.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công ty CP Xi măng Sông Lam cử cán bộ cùng chính quyền xã xuống trực tiếp các hộ nêu trên xin lỗi và thống kê sửa chữa, thay ngói bị vỡ. Cùng đó, đích thân ông Đinh Quốc Quyền - Giám đốc công ty cùng cán bộ nhà máy phối hợp với chính quyền đối thoại với nhân dân xóm Thái Sơn (ngày 10/11), làm rõ trách nhiệm, cam kết đảm bảo hài hòa giữa phát triển sản xuất với cuộc sống người dân.
Thế nhưng, có một số kênh thông tin đã vội đưa tin quá mức rằng “người dân Thái Sơn đưa nhau đi trốn” khi các đơn vị nổ mìn… Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Không có chuyện dân đi trốn, mà trốn đi đâu được! Trên thực tế, 87 hộ dân của xóm Thái Sơn hàng ngày vẫn sinh sống, lao động sản xuất. Ngay sau sự việc, với kiến nghị của người dân và chính quyền, Công ty CP Xi măng Sông Lam đã yêu cầu các nhà thầu giảm lượng thuốc nổ khi nổ mìn và không làm việc quá 22 giờ hàng ngày. Điều đó đã được đảm bảo. Tất nhiên, khi nổ mìn, các đơn vị có còi báo động và quá trình thi công ít nhiều có những ảnh hưởng về tiếng ồn, bụi nhưng sau đối thoại, người dân tạo điều kiện tối đa cho nhà máy hoạt động…”.
Liên quan đến việc nổ mìn mở đường và bãi tập kết phương tiện để chuẩn bị khai thác mỏ đá có ảnh hưởng đến nhà dân, UBND tỉnh đã giao cho Sở Công Thương chủ trì khảo sát thực tế, làm việc với người dân và các bên liên quan. Ngày 6/12/2016, cuộc khảo sát và làm việc giữa các bên được tiến hành và khẳng định những ý kiến người dân nêu cơ bản được đối thoại, bàn bạc giải quyết; phía các đơn vị thi công cam kết đảm bảo an toàn khi nổ mìn.
Công ty CP Xi măng Sông Lam cũng tiến hành các bước quan trắc đánh giá môi trường và địa chấn để cung cấp cho nhân dân và các ngành chức năng cùng kiểm soát. Các hoạt động trên khu vực mỏ sẽ không làm quá 22 giờ đêm. Nhà máy cũng tiến hành các bước cắm mốc, vẽ sơ đồ ranh giới khu vực mỏ với khu dân cư, khu vực sản xuất của nhân dân và sẽ có những hỗ trợ đối với những diện tích sản xuất của người dân bị ảnh hưởng.
Người dân xã Bài Sơn (Đô Lương) quanh khu vực thi công bãi tập kết xe máy của mỏ đá hoạt động sản xuất bình thường.
Người dân xã Bài Sơn (Đô Lương) quanh khu vực thi công bãi tập kết xe máy của mỏ đá hoạt động sản xuất bình thường.
Đảm bảo lợi ích hài hòa
Đầu tư một khoản tiền lớn, với quy mô, dây chuyền hiện đại, thi công nhanh chóng, Nhà máy Xi măng Sông Lam đã trở thành một điểm nhấn sản xuất công nghiệp trên địa bàn xã Bài Sơn và của cả tỉnh.
“Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoạt động ít nhất trên 60 năm. Điều đó cho thấy sẽ có chặng đường gắn kết cùng phát triển lâu dài của nhà máy và nhân dân quanh vùng. Chúng tôi luôn ý thức nhà máy có sau các hộ dân trong vùng, chính vì vậy, chúng tôi là một thành viên của cộng đồng nơi đây. Cho nên việc đảm bảo hài hòa giữa phát triển sản xuất với cuộc sống người dân là một trong những nhiệm vụ của chúng tôi…” - ông Đinh Quốc Quyền khẳng định như vậy khi nói đến những đồng hành của Công ty CP Xi măng Sông Lam với nhân dân trên vùng nhà máy đứng chân.
Cũng theo ông Quyền, công ty đang phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước để áp dụng những kỹ thuật tiến bộ nhằm giảm tiếng ồn trong sản xuất, đồng thời hạn chế bụi trong khai thác mỏ khi chính thức đi vào hoạt động.
Về xã Bài Sơn hôm nay, mỗi người sẽ cảm nhận được sự nhộn nhịp của vùng quê bán sơn địa với những thay đổi rõ nét. Cách không xa khu vực Nhà máy Xi măng Sông Lam, rất nhiều hộ dân đang xây dựng ki-ốt, mở quán hàng kinh doanh, phục vụ công nhân.
Cùng đó, có hàng trăm thanh niên của xã làm ăn xa quê nay trở về “đầu quân” cho nhà máy xi măng, xóm làng vì thế vui hơn, đầm ấm hơn. Đặc biệt hệ thống đường giao thông của xã vốn lầy lội lâu nay đã được Nhà máy Xi măng Sông Lam đầu tư 100% kinh phí đổ bê tông vững chắc.
Theo hầu hết người dân ở đây bày tỏ “nếu để nhân dân ở xã đóng góp thì chưa biết khi nào mới làm được như thế”. Cùng đó, nhà văn hóa của xóm Thái Sơn, Yên Sơn và khuôn viên trường tiểu học của xã cũng được nhà máy hỗ trợ xây dựng khang trang.
Ông Nguyễn Hữu Quang- Chủ tịch UBND xã Bài Sơn (Đô Lương) thường xuyên xuống xóm Thái Sơn gần khu vực mỏ để nắm bắt tình hình
Ông Nguyễn Hữu Quang- Chủ tịch UBND xã Bài Sơn (phải) thường xuyên xuống xóm Thái Sơn gần khu vực mỏ để nắm bắt tình hình.
Ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch UBND xã Bài Sơn chia sẻ thêm: “Qua nhiều cuộc họp, cũng như diễn biến thực tế, người dân hiểu rằng nếu cứ “bình lặng” như hàng chục năm trước thì không thể phát triển công nghiệp như hiện nay và nếu không có sự hỗ trợ của doanh nghiệp, làng xã cũng khó tiến triển nhanh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nay, đường giao thông của xã được kết nối mà người dân không phải đóng góp, nhiều con em đi làm ăn xa đã trở về có việc làm ngay tại quê hương, cùng đó, rất nhiều hộ năng động hơn trong phát triển dịch vụ, thương mại…”.
Nguyên Nguyên
TIN LIÊN QUAN

Tin mới