Phát triển hợp tác xã gắn với xây dựng nông thôn mới: Bài 2: Những mô hình “bình mới, rượu cũ”

Huyện Yên Thành là một trong số địa phương có số lượng HTX nông nghiệp nhiều nhất tỉnh, với 50 HTX, trong đó có 46 HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, khi nói về số lượng HTX hoạt động hiệu quả, ông Lê Văn Hồng – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho rằng, chỉ đếm đầu ngón tay, phần lớn là hoạt động cầm chừng.

HTX Nông nghiệp Lý Thành là một trong số những HTX hoạt động chưa hiệu quả. Ông Phan Văn Đạt – Giám đốc HTX Nông nghiệp Lý Thành bộc lộ, để xã về đích NTM, điều kiện cần và đủ là trên địa bàn xã phải có HTX hoạt động, do vậy năm 2017, trước thời điểm địa phương này về đích NTM 1 năm, HTX Nông nghiệp Lý Thành được thành lập. Đến nay, sau gần 4 năm đi vào hoạt động, mặc dù HTX có 3 loại hình kinh doanh dịch vụ: Vật tư nông nghiệp; thủy lợi và thu gom rác thải, nhưng chưa năm nào có lợi nhuận để đảm bảo lương cho ban quản trị HTX.

Ông Đạt phân tích: Là xã chuyên nông nghiệp, sản xuất lúa, nên đầu vào của vật tư nông nghiệp không nhiều, trong khi các loại vật tư nông nghiệp được bán tự do trên thị trường, nên HTX chỉ cung ứng được khoảng 40-50% diện tích trên địa bàn xã. Còn khâu đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là HTX chưa làm được. Lĩnh vực thu gom rác thải sinh hoạt, mặc dù xã quan tâm tạo điều kiện cho HTX làm dịch vụ, nhưng do không có phương tiện, nên phải thuê toàn bộ từ khâu vận chuyển đến xử lý, kết quả là không có lãi. Do vậy, tiền lương của Ban Quản trị HTX nhìn vào phí dịch vụ thủy lợi hàng năm: Mỗi năm, HTX Lý Thành được Nhà nước hỗ trợ 323 triệu đồng phí dịch vụ thủy lợi để tưới cho 249ha ruộng, trong đó 20% trích lại cho HTX hoạt động, số còn lại 80% đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi.

Trụ sở làm việc của HTX Nông nghiệp Lý Thành. Tài sản của HTX chỉ có mấy chiếc máy bơm nước và 2 chiếc máy phun thuốc trừ sâu đã cũ. Ảnh Xuân Hoàng
Trụ sở làm việc của HTX Nông nghiệp Lý Thành. Tài sản của HTX chỉ có mấy chiếc máy bơm nước và 2 chiếc máy phun thuốc trừ sâu đã cũ. Ảnh Xuân Hoàng

HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hoàn được đánh giá là một trong những HTX hoạt động có hiệu quả trên địa bàn huyện Tân Kỳ hiện nay. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thực tế mới biết, HTX này gặp không ít bế tắc, dẫn đến hoạt động mang tính cầm chừng. Ông Hà Xuân Niệm – Giám đốc HTX trăn trở: HTX thành lập cách đây 23 năm, trải qua nhiều thăng trầm, đặc biệt giai đoạn từ năm 2013 đến nay rất khó hoạt động, lợi nhuận hàng năm từ dịch vụ không đáng kể, nguyên nhân là HTX chưa cạnh tranh được với kinh tế thị trường.

Đề cập vấn đề kinh doanh dịch vụ của HTX, ông Hà Xuân Niệm cho biết: Hiện nay HTX chỉ có dịch vụ phân bón, giống cây trồng các loại cho nông dân trên địa bàn xã, với hình thức, HTX cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào của mỗi vụ sản xuất, đến cuối vụ thu nợ. Nhưng do chi phối bởi kinh tế thị trường nên thị phần của HTX đối với nhu cầu của nông dân chưa nhiều. Trong quá trình hoạt động, mặc dù HTX cố gắng liên hệ với các doanh nghiệp để cung ứng trực tiếp, giảm khâu trung gian, nhưng do vốn ít và số lượng cung ứng chưa nhiều, nợ đọng trong dân cao, nên chưa mang lại hiệu quả.

Trụ sở làm việc của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) là ky ốt mượn của xã, trong thời điểm này ít khi mở cửa. HTX cung ứng phân bón và vật tư nông nghiệp cho nông dân. Ảnh: Xuân Hoàng
Trụ sở làm việc của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) là ky ốt mượn của xã, trong thời điểm này ít khi mở cửa. HTX cung ứng phân bón và vật tư nông nghiệp cho nông dân. Ảnh: Xuân Hoàng

Sự khó khăn, bế tắc của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hoàn và HTX Nông nghiệp Lý Thành cũng là tình cảnh chung của nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của UBND huyện Tân Kỳ cho thấy, hiện nay trên địa bàn huyện có 30 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Trong số 30 HTX thì có 26 HTX dịch vụ nông nghiệp, còn lại là HTX thương mại, dịch vụ; tiểu thủ công nghiệp và lĩnh vực tín dụng. Qua đánh giá cho thấy, các HTX thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Tân Kỳ hoạt động kém hiệu quả, một số HTX đã tạm ngừng hoạt động. Đối với HTX dịch vụ nông nghiệp, phần lớn là hoạt động cầm chừng, gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và nhiều yếu tố khác.

Đối với huyện Yên Thành, qua phân loại của năm 2020 cho thấy, trong số 50 HTX thì chỉ có 4 HTX hoạt động tốt (chiếm 8,0%), 8 HTX hoạt động khá (chiếm 16,0%), có 28 HTX hoạt động trung bình (chiếm 56,0%), có 8 HTX hoạt động yếu hoặc ngừng hoạt động (chiếm 16,0%) và có 2 HTX thành lập mới năm 2020 chưa có số liệu đánh giá (chiếm 4,0%)…

Tình trạng  HTX hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả là khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là các HTX đều có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ còn manh mún; vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế còn mờ nhạt và chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của thành viên. Hình thức hoạt động của các HTX nhìn chung không thay đổi so với trước đây, chủ yếu mới lo được khâu dịch vụ đầu vào, chưa bao tiêu được sản phẩm đầu ra cho các thành viên; chưa tham gia vào chuỗi hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm kết nối nông dân với doanh nghiệp… Đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng yêu cầu.

Đơn cử như Ban Quản lý HTX Nông nghiệp Lý Thành còn bất cập ở khâu đội ngũ ban quản trị. Đó là Ban Quản trị HTX có 5 người thì phần lớn là kiêm nhiệm từ các phòng, ban của UBND xã: Giám đốc HTX là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã; Phó Giám đốc là cán bộ chính sách xã; kế toán HTX thuê từ đơn vị khác. Do đó ảnh hưởng đến mọi hoạt động của HTX, đặc biệt là công tác kinh doanh dịch vụ chưa được chú trọng, dẫn đến bà con nông dân chưa gắn bó với HTX, dẫn đến số nông dân tham gia thành viên HTX ít, nên không có vốn. Cùng đó, HTX chưa có tài sản cố định là cấp quyền sử dụng đất xây dựng trụ sở làm việc, nên không vay vốn ngân hàng được.

Dịch vụ đúc cống xi măng của HTX Dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Minh Thành (Yên Thành). Ảnh: Xuân Hoàng
Dịch vụ đúc cống xi măng của HTX Dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Minh Thành (Yên Thành). Ảnh: Xuân Hoàng

Trình độ quản trị, khả năng tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm còn nhiều hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác mạng xã hội để quảng bá, bán hàng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay đã bộc lộ nhiều yếu kém. Việc thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích người có năng lực làm việc trong các HTX chưa thực sự hiệu quả, kinh phí bố trí hàng năm ít, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo tìm hiểu tại một số HTX nông nghiệp cho thấy, hiện nay thành viên là nông dân của các HTX còn ít. Điều đó có nghĩa, khi ít thành viên tham gia HTX thì vốn cho HTX hoạt động sẽ hạn chế. Không những vậy, nhiều HTX rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu vốn nhưng không có tài sản là văn phòng (bất động sản) để thế chấp, không có tài sản thì không thể vay ngân hàng với số tiền lớn để mở rộng kinh doanh dịch vụ. Thành ra, nhiều HTX nông nghiệp đang rơi vào tình cảnh “bình mới, rượu cũ”.

Bà Lê Thị Hương Giang – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, 5 năm qua, Hội Phụ nữ đã hỗ trợ, giúp thành lập 11 HTX. Thực tế cho thấy, chính sách nhiều vô kể nhưng thụ hưởng chính sách thì rất ít và chỉ tập trung cho một số mô hình điểm. Hầu hết các HTX đang “tự bơi”. Quy hoạch đất đai đã có nhưng để làm thủ tục thuê mượn thì rất khó, nhiều HTX gần như vô vọng khi tiếp cận vốn vay. Bà Giang cũng cho rằng, để đáp ứng yêu cầu phát triển, cần đưa yếu tố ứng dụng kỹ thuật số vào sản xuất kinh doanh, cần áp dụng kỹ thuật số, đưa ra mục tiêu cụ thể: tỷ lệ HTX áp dụng, vận hành kỹ thuật số…

Đánh giá về hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh thẳng thắn cho rằng, mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên, khu vực KTTT, HTX Nghệ An phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu. Tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp GRDP còn thấp so với các khu vực kinh tế khác. Phần lớn HTX quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương và lĩnh vực. Năng lực nội tại và sức cạnh tranh còn yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư, sản xuất, kinh doanh, chưa gắn kết chặt chẽ lợi ích giữa HTX với các thành viên.

HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Cát (Nam Đàn) liên kết với công ty chăn nuôi CP xây trang trại chăn nuôi gia cầm, tạo việc làm, thu nhập cho xã viên. Ảnh: Thu Huyền
HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Cát (Nam Đàn) liên kết với công ty chăn nuôi CP xây trang trại chăn nuôi gia cầm, tạo việc làm, thu nhập cho xã viên. Ảnh: Thu Huyền

Khu vực KTTT vẫn còn một số hạn chế bởi nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, trong hệ thống chính trị và của chính một số người tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác chưa rõ ràng, chưa nhất quán về bản chất, vai trò và lợi thế của KTTT, dẫn tới, vẫn có cơ quan, tổ chức có tâm lý coi thường, đánh giá thấp vai trò của khu vực KTTT; cấp ủy đảng, chính quyền ở một số nơi chưa sâu sát trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, chưa chủ động xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong phát triển KTTT, HTX.

Tâm lý coi các HTX đã thành lập từ những năm thực hiện cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp là những HTX kiểu cũ, không thể thay đổi đã ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng khắc phục các yếu kém ở các HTX, không có cơ chế bảo vệ, duy trì thành viên, cải tổ, tái cơ cấu các HTX này, gây ra sự trì trệ chung cho phong trào phát triển HTX. Trong khi đó, việc giáo dục, bồi dưỡng và đào tạo nhân lực cho khu vực KTTT, HTX chưa được quan tâm; việc tuyên truyền, đào tạo đội ngũ thanh niên trẻ, kế cận tham gia quản lý HTX cũng như thu hút thêm các thành viên HTX, liên hiệp HTX chưa được quan tâm đầy đủ, đang gây sự thiếu hụt về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực.

Nguyên nhân yếu kém của HTX nông nghiệp đã rõ, vấn đề hiện nay là các cấp, ngành cần có giải pháp căn cơ để HTX phát triển đúng nghĩa, nhằm đáp ứng nguyện vọng của nông dân và yêu cầu đặt ra của Đảng, Nhà nước.

Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, năm 2020, tỷ lệ các HTX hoạt động khá, tốt có 419 HTX chiếm 53,7%; HTX hoạt động trung bình 345 HTX, chiếm 42,3%; HTX hoạt động kém hiệu quả có 30 HTX, chiếm 4,0%. Thu nhập lao động đạt bình quân 4-4,5 triệu đồng/tháng.

(Còn nữa)