Phát triển kinh tế nông nghiệp ở Thanh Chương

Trở lại xã Thanh Liên, trên vùng đất bạc màu, nay là những vườn cây ăn quả: bưởi, ổi, mít Thái; những trại lợn hàng trăm, trại gà hàng nghìn con… chúng tôi gặp ông Phan Bá Hậu (xóm Liên Đức) đang chăm sóc vườn bưởi da xanh, bưởi Diễn phục vụ thị trường tết sắp tới. Ông phấn khởi chia sẻ: “Chất đất ở đây rất hợp với cây ăn quả, bưởi và ổi đều rất ngọt. Hơn 1 ha cây ăn quả của gia đình chủ yếu thương lái, đại lý hoa quả vào mua tận vườn, thu khoảng 250 triệu đồng/năm, kết hợp nuôi cá chuyên canh hơn nửa héc-ta có thêm nguồn thu”.

Cùng dải đất với vườn nhà ông Hậu, mô hình kinh tế của ông Phạm Văn Dần có quy mô hơn 100 con lợn thịt/lứa, gần 50 con lợn nái, nuôi cá và trồng bưởi hơn 1 ha, mỗi năm thu 500 – 600 triệu đồng…

Mô hình trồng bưởi của gia đình ông Hậu, xóm Liên Đức, xã Thanh Liên (Thanh Chương) thu nhập 200 - 250 triệu đồng/năm. Ảnh: Mai Hoa
Mô hình trồng bưởi của gia đình ông Hậu, xóm Liên Đức, xã Thanh Liên (Thanh Chương) thu nhập 200 - 250 triệu đồng/năm. Ảnh: Mai Hoa

Để có sự thay đổi tư duy này là trải qua bao vật lộn, khó khăn. Như trên 41 ha diện tích cây ăn quả hiện nay vốn là vùng đất hoang hóa, chỉ có cây cỏ dại và cây gỗ tạp; sau vài chủ trương cho các nhà máy hợp đồng trồng mía, trồng sắn, cho người dân thầu sản xuất không được thực hiện, những cán bộ “đứng mũi chịu sào” ở địa phương đứng ra nhận đất làm, vừa không để lãng phí quỹ đất, vừa thông qua mô hình giúp người dân thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp. Rồi trong mỗi chủ trương, mô hình chuyển đổi, mỗi cán bộ đảm nhận một mũi tiên phong làm trước, như mô hình chăn nuôi tập trung, chuyển đổi làm rau màu hàng hóa, trồng sen…

Ở xã Thanh Liên nay có gần 40 trang trại, gia trại, trung bình mỗi mô hình thu khoảng 200 triệu đồng, mô hình lớn là 500 – 600 triệu đồng/năm. Diện tích thấp trũng, vốn chỉ trồng 1 vụ lúa hoặc bỏ hoang, đã đưa vào nuôi cá chuyên canh, sản xuất khép kín từ nuôi cá bố mẹ, cá con và nuôi cá thương phẩm với tổng 48 ha và 12 ha trồng sen. Nhiều diện tích làm lúa được chuyển đổi luân canh, tăng vụ: lúa vụ xuân; bí xanh, dưa lê, dưa đỏ vụ hè thu; ngô, rau vụ đông, góp phần nâng cao giá trị từ 200 – 250 triệu đồng/ha/năm.

Thông qua cải tạo vườn tạp để xây dựng vườn mẫu nông thôn bước đầu cho thấy hiệu quả ở xã Thanh Liên.
Thông qua cải tạo vườn tạp để xây dựng vườn mẫu nông thôn bước đầu cho thấy hiệu quả ở xã Thanh Liên.

Lên xã biên giới Thanh Đức – nơi có diện tích chè lớn nhất huyện Thanh Chương với hơn 1.100 ha và diện tích cam được mở rộng hơn 150 ha; bước chuyển tư duy về kinh tế nông nghiệp của người dân thông qua đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thực hành sản xuất nông nghiệp theo chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch ngày càng cao của thị trường.

Đồng chí Nguyễn Hữu Vinh – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Đức chia sẻ: Cũng là cây chè, trước đây thu hái bằng thủ công, không có hệ thống tưới, dẫn đến có những diện tích chè bị chết cháy vào mùa nắng nóng; nay đầu tư thâm canh tốt và thu hoạch hoàn toàn bằng máy cắt. Đặc biệt, sản phẩm chè từ chỗ chỉ dừng lại ở dạng nguyên liệu, nay đã có hàng chục héc ta canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện quy trình chế biến, tạo ra sản phẩm thương hiệu Chè xanh Thanh Chương đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Việc thực hiện sản xuất chè theo chuỗi này, theo chia sẻ của ông Đặng Duy Lâm ­– Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, chế biến chè Thanh Đức, giá trị và hiệu quả kinh tế tăng hơn 20% so với các diện tích chè khác; đồng thời trở thành sản phẩm có thương hiệu của quê hương, có mặt tại các thị trường thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng, Nha Trang…

Cây sâm thổ hào (ảnh trên) và cây chè mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ ở Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa
Cây sâm thổ hào (ảnh trên) và cây chè mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ ở Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa

Cây cam ở xã Thanh Đức, từ sản xuất manh mún, truyền thống và trải qua nhiều phương thức canh tác, nay chuyển sang hướng sản xuất hữu cơ bền vững, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường chung. Ông Trần Điển Vi, một nông dân làm cam hữu cơ cho biết, cam hữu cơ Thanh Đức nói chung và cam trang trại gia đình nói riêng đã vươn ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, vào các siêu thị, trong đó có hệ thống cửa hàng Bác Tôm tại Hà Nội. Giá trị kinh tế tăng 1,5 – 2 lần, như thời điểm hiện tại, giá cam hữu cơ bán tại vườn là 45 – 50 nghìn đồng/kg (cam không hữu cơ giá 25 -30 nghìn đồng/kg).

Xuôi xã Thanh Lâm, địa bàn cuối nguồn nước, điều kiện sản xuất nông nghiệp vô cùng khó khăn, làm vụ lúa ăn cả năm, nay cũng đã có những mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, như chăn nuôi vịt công nghệ cao có quy mô hơn 6.000 con/lứa; nuôi dam, chạch đồng, ốc bươu đen, trồng hoa cúc cảnh…

Thu hoạch cam ở xã Thanh Đức (Thanh Chương). Ảnh: Hồ Thị Minh Thi
Thu hoạch cam ở xã Thanh Đức (Thanh Chương). Ảnh: Hồ Thị Minh Thi

Đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Thời gian qua, ngoài năng suất, sản lượng, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo theo tư duy giá trị trong sản xuất nông nghiệp dựa trên nhu cầu của thị trường và trên cơ sở lợi thế của địa phương, chứ không sản xuất cái mình có như trước đây. Để tư duy đó được hiện thực hóa, Thanh Chương đã qua 2 lần chỉ đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa, gắn hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện sản xuất; Chỉ đạo xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới, vườn mẫu nông dân; Đẩy mạnh sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm có logo, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; Xây dựng, phát triển các sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Lãnh đaọ huyện Thanh Chương kiểm tra hiệu quả mô hình dưa lưới tại xã Thanh Lĩnh. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đaọ huyện Thanh Chương kiểm tra hiệu quả mô hình dưa lưới tại xã Thanh Lĩnh. Ảnh: Mai Hoa

Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương dẫn chứng như quả trám đen, từ một cây trồng bản địa, giá bán chỉ vài, ba chục nghìn đồng/kg, sau khi có sự phối hợp “4 nhà” để tạo ra sản phẩm trám muối đóng hộp và trám khô đạt tiêu chuẩn OCOP đã có thể bán trám tươi tại vườn trên dưới 100 nghìn đồng/kg. Hay cây chè, bưởi, cam chuyển sang sản phẩm VietGAP, hữu cơ có giá trị kinh tế cao. Bí xanh hữu cơ được mở rộng nhiều xã Thanh Lĩnh, Thanh Liên, Thanh Hoà, Xuân Tường, Đại Đồng, Thanh Khai, Thanh Chi… và thị trường tiêu thụ được mở rộng nhiều địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh…. Một số sản phẩm như dưa lưới, dưa chuột, cà chua, rau màu trong nhà màng, nhà lưới với tổng 6 nhà màng, nhà lưới ở xã Thanh Khê, Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Lĩnh, Thanh Dương, Võ Liệt.

Hiện tại Thanh Chương đang tiếp tục chỉ đạo 2 đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác và đề án phát triển kinh tế trang trại, gia trại, gắn chuỗi giá trị sản phẩm theo mô hình an toàn sinh học. Đồng thời hoàn thiện để ban hành đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, tăng cường liên kết chặt chẽ “4 nhà” nhằm lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, tạo ra giá trị cao. Phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch canh nông, du lịch trải nghiệm để nông nghiệp thực sự là “bệ đỡ” của nền kinh tế.

Mô hình trồng lúa thân thiện với môi trường tại xã Thanh Khai (Thanh Chương). Ảnh: Thanh Lê
Mô hình trồng lúa thân thiện với môi trường tại xã Thanh Khai (Thanh Chương). Ảnh: Thanh Lê