Phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ rừng từ gốc

(Baonghean.vn) - Chiều 12/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác lâm nghiệp năm 2022.

Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, các thành viên Ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách về rừng của tỉnh; đại diện Hiệp hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp và các huyện, thành, thị.

Năm 2021 mặc dù triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức do dịch covid -19 và điều kiện thời tiết khí hậu, thiên tai khắc nghiệt nhưng công tác lâm nghiệp của Nghệ An vẫn đạt các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ đề ra.

Các đại biểu sở ban ngành tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách về rừng, hiệp hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp và các huyện, thành thị dự hội nghị. Ảnh: Nguyễn Hải
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Nguyễn Hải

Cụ thể, tỉnh đã theo dõi và cập nhật diễn biến tài nguyên rừng năm 2021 theo Công bố tại Quyết định 418/QĐ-2021 đối với diện tích 962.896,97 ha rừng; đồng thời rà soát quy hoạch lâm nghiệp quốc gia trên địa bàn tỉnh và tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh, tham gia góp ý vào các dự thảo quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo thực trạng xây dựng phương án phát triển lâm nghiệp tỉnh; công tác sử dụng, phát triển rừng tâp trung là 19.253 ha/18.000 kế hoạch, đạt 105,83%; chăm sóc 54.000/54.000 ha rừng; bảo vệ 964.474,27 ha/964.660 ha rừng, đạt 99,98% kế hoạch; trong năm đã cấp phép cho 25 cơ sở sản xuất 33,479 triệu cây giống.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Kết quả, đã có 24/24 chủ rừng là tổ chức được phê duyệt đề cương xây dựng phương án; 5 chủ rừng là tổ chức được UBND tỉnh phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh đã có 10.288,84 ha rừng trên tổng số trên 180 ngàn ha rừng, đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. 
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra, khảo sát thực địa trước khi thông qua chủ trương đầu tư Khu lâm nghiệp công nghệ cao tại xã Nghi Lâm, Nghi Lộc. Ảnh Tư liệu
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra, khảo sát thực địa trước khi thông qua chủ trương đầu tư Khu lâm nghiệp công nghệ cao tại xã Nghi Lâm, Nghi Lộc. Ảnh: Tư liệu
Năm 2021, Nghệ An thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, theo đó tổng thu được 125,526 tỷ đồng; đã chi 110,27 tỷ đồng; phân bổ 93,8 tỷ đồng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; tham mưu trình Bộ Nông nghiệp và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích rừng với 3 dự án, trình HĐND tỉnh thông qua 3 Nghị quyết; chuyển mục đích rừng sử dụng sang mục đích khác 20 công trình dự án với tổng diện tích là 523,23 ha rừng. Công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng gắn với thực hiện Chỉ thị 13-CT năm 2017 của Ban Bí thư cơ bản tốt, trong năm đã phát hiện và xử lý 786 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ cháy rừng làm thiệt hại 48,128 ha, giảm 50% số vụ so với năm 2020.

Tại hội nghị, thông qua các tham luận, các đại biểu cũng nêu ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trong đó nổi bật là quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh còn chậm và hiện chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc chỉ đạo xây dựng phương án quản lý rừng bền vững tiến tới cấp chứng chỉ rừng mặc dù đã cố gắng nhưng mới phê duyệt được 5/24 chủ rừng; công tác trồng rừng thay thế và chống chặt phá rừng trái phép chưa đảm bảo tính bền vững...

Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được năm 2021 và yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, hội nghị đã thống nhất 12 nhiệm vụ trọng tâm công tác lâm nghiệp năm 2022. Để thực hiện, sẽ có 9 giải pháp chính. Song song với đề xuất các bộ ngành Trung ương 4 kiến nghị, tỉnh cũng đề nghị UBND cấp huyện thực hiện 2 nhóm giải pháp cấp bách.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị và trả lời một số kiến nghị của các huyện, thị về chính sách trên lĩnh vực lâm nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hải
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu kết luận hội nghị và trả lời một số kiến nghị của các huyện, thị về chính sách trên lĩnh vực lâm nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hải

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực cố gắng trên lĩnh vực công tác lâm nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp nhưng đã ra đời được dự án Khu lâm nghiệp công nghệ cao. Tuy vậy, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế như công tác phòng cháy rừng chưa vững chắc, chế độ chính sách bảo vệ, chữa cháy rừng còn chậm, xây dựng quy hoạch sử dụng các loại rừng vẫn còn chậm và vênh về số liệu.

Để thực hiện tốt công tác lâm nghiệp trong thời gian tới, đề nghị ngành làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng từ gốc; chú trọng các giải pháp tạo sinh kế bền vững cho người dân; thực hiện tốt các chỉ tiêu về lâm nghiệp đã đề ra, quan tâm công tác phòng chữa cháy rừng; gắn công tác bảo vệ rừng với cấp chứng chỉ rừng bền vững theo Chỉ thị số 10 của BTV Tỉnh ủy; hoàn thành phê duyệt quy hoạch bảo vệ rừng bền vững; hướng dẫn khai thác rừng trồng, nhất là rừng hình thành từ ngân sách để giám sát chặt chẽ, hạn chế sai sót thất thoát; triển khai quyết liệt công tác giao đất giao rừng cho người dân; khẩn trương thẩm tra quyết toán Đề án bảo vệ rừng giai đoạn 2016-2020...

Ngoài nội dung trên, trên cơ sở gợi mở, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT tham khảo kinh nghiệm các tỉnh để tham mưu cho tỉnh cơ chế chi trả chế độ phụ cấp cho lực lượng chuyên trách trực phòng cháy rừng, chính sách trả dịch vụ môi trường để thu hút người dân tại chỗ bảo vệ rừng tại gốc...

Đến năm 2021, Nghệ An có tổng diện tích đất có rừng đạt 962.896,97 ha rừng bao gồm 788.991,1 ha rừng tự nhiên và 173.905,87 ha rừng trồng; đất chưa có rừng là 272.748,16 ha, độ che phủ rừng đạt 58,41%.

Tin mới