Phát triển rừng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính ở Nghệ An

(Baonghean) - Chương trình REDD+ cấp vùng thực hiện đầu tiên ở Việt Nam với tham vọng giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ khoảng 33,06 triệu tấn CO2 quy đổi trong giai đoạn từ 2018 - 2025. Tại Nghệ An các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính đang được tích cực thực hiện.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Trường
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Khắc Lâm - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An cho biết: REDD+ là sáng kiến nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải khí nhà kính thông qua 5 hoạt động: Giảm phát thải từ mất rừng, giảm phát thải từ suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng các-bon rừng.

Mục tiêu chính của REDD+ là nhằm góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu. REDD+ cũng mang lại các lợi ích về môi trường, xã hội cho các quốc gia tham gia thực hiện REDD+. Không giống như những sáng kiến khác, REDD+ là cơ chế trong đó các nước tham gia quỹ đối tác các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) chỉ chi trả tài chính cho các nước thực hiện REDD+ dựa trên các kết quả giảm phát thải khí nhà kính được ghi nhận (hay còn gọi là chi trả dựa trên kết quả).

Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ đang được xây dựng tại 6 tỉnh gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Riêng địa bàn Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên và diện tích rừng lớn. Trong đó, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chiếm diện tích chủ yếu góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, tạo thuận lợi cho phát triển thủy điện, du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái. Chính vì vậy, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, qua đó giảm phát thải khí nhà kính là yêu cầu cấp thiết và quan trọng, nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Hành động cùng REDD+, ngày 21/6/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2859/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng” tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020.

Mục tiêu tổng thể là: Giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng (tương ứng giảm 4.000 ha rừng bị mất, 4.500 ha rừng bị suy thoái) và nâng cao trữ lượng cacbon hấp thụ từ rừng trong giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng ở các địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển rừng bền vững. 

Ngày 05/4/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 419/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030” thay thế Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 26/7/2012.

Rừng Pù Mát ở xã Châu Khê (Con Cuông).	Ảnh: Văn Trường
Rừng Pù Mát ở xã Châu Khê (Con Cuông). Ảnh: Văn Trường

Mới đây, Nghệ An đã tổ chức Hội thảo kỹ thuật REDD+ nhằm đưa ra các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững địa bàn Nghệ An. Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận, đánh giá các hoạt động của Chương trình quốc gia về REDD+ nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp cập nhật, bổ sung cho Kế hoạch hành động REDD+ của tỉnh. Các đại biểu cũng được nghiên cứu thêm về  các  nội  dung “REDD+ và tiến trình thực hiện tại Việt Nam, kế hoạch hành động REDD+ của tỉnh và dự thảo Văn kiện Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ”.

Qua đó, đánh giá, phân tích về thực trạng rừng ở Nghệ An, nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng, xác định các khu vực trọng điểm để thực hiện giải pháp bảo vệ và phát triển rừng đồng bộ, bền vững. Các giải pháp nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho các chủ rừng, tăng trữ lượng các-bon rừng; các mô hình cải thiện sinh kế cho cộng đồng sống trong vùng đệm và ven rừng; các hoạt động sản xuất-kinh doanh rừng trồng...

Những kinh nghiệm quý được rút ra trong thực tiễn từ các cơ quan quản lý, các đơn vị chủ rừng và lực lượng bảo vệ rừng ở địa phương, cơ sở sẽ giúp cho Chương trình cùng hành động với REDD + toàn cầu hoạt động hiệu quả. Góp phần quan trọng vào sự thành công của quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp thể hiện qua những thay đổi căn bản và có một cơ sở hạ tầng, đáp ứng được các tiêu chuẩn để nhận được chi trả từ cơ chế REDD+ toàn cầu.

Theo đó, hướng đi trong thời gian tới là: Xây dựng hệ thống tổ chức, quản lý, điều hành thực hiện giảm phát thải từ mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng cacbon rừng. Nâng cao năng lực tiếp cận và triển khai các hoạt động của REDD+. Thiết lập mức phát thải cơ sở; nâng cấp hệ thống theo dõi diễn biến rừng, xây dựng các biện pháp đảm bảo an toàn về môi trường và xã hội; xây dựng cơ chế quản lý tài chính và chia sẻ lợi ích từ REDD+. 

Rừng nguyên sinh PuMat
Rừng nguyên sinh PuMat. Ảnh: Thành Cường

Về phạm vi thực hiện các hoạt động REDD+ ở tỉnh Nghệ An được tập trung ưu tiên cho 89 xã của 13 huyện gồm: Anh Sơn, Con Cuông, Diễn Châu, Đô Lương, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương, Tương Dương và Yên Thành. 

Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Để giảm phát thải khí nhà kính, theo đó, tỉnh Nghệ An sẽ tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng; Hạn chế mất rừng và suy thoái rừng do khai thác lâm sản và canh tác cây thảo quả dưới tán rừng; bảo tồn và tăng cường trữ lượng các-bon rừng thông qua việc tuyển chọn, nhân giống trội các loại cây lâm nghiệp trồng ở địa phương.

Văn Trường

TIN LIÊN QUAN

Tin mới