Phát triển rừng trồng gắn với công nghiệp chế biến gỗ

(Baonghean) - Nghệ An hiện có đất lâm nghiệp chiếm 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Mục tiêu trong giai đoạn 2015 - 2020 là xây dựng ngành Lâm nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn đang tạo ra những lợi thế nhất định trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Làm giàu từ rừng

Gia đình bà Vi Thị Hà, bản Na Bón, xã Tiền Phong (Quế Phong) có gần 10 ha đất đồi. Đang phát dọn thực bì cho keo 4 tháng tuổi, bà Hà phấn khởi cho biết: Trước đây, khu đất này để trống, trong khi vợ chồng không có việc làm, quanh năm vào rừng hái măng, tìm kiếm lâm phụ sản về bán lấy tiền tiêu qua ngày, cuộc sống gia đình vì thế tạm bợ, không có của ăn, của để. Năm 2010, gia đình phối hợp với gia đình khác để trồng rừng nguyên liệu trên toàn bộ diện tích này. Sau 6 năm chăm sóc, cuối năm ngoái, gia đình thu hoạch lứa keo đầu tiên, được hàng trăm triệu đồng. Phấn khởi trước số tiền lớn, chưa khi nào nghĩ tới, gia đình lấy lại toàn bộ đất để trồng lại rừng, theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sau khi được Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, cung ứng cây giống, phân bón, gia đình bà Hà triển khai trồng rừng, rừng sau khi trồng được rào cẩn thận, không cho trâu, bò vào, bởi vậy, mới 4 tháng mà keo đã cao gần 1m. 

Chăm sóc cây giống lâm nghiệp tại Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Chăm sóc cây giống lâm nghiệp tại Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Với gia đình ông Võ Trọng Cương, xóm 4, xã Nghĩa Hành (Tân Kỳ) lại chú trọng trồng rừng gỗ lớn. Với 6 ha đất đồi, cách đây 7 năm ông trồng xen keo là xoan đâu, lát, xà cừ… nay thân cây đạt đường kính gần 20 cm, nhưng ông chưa khai thác, mà để lâu năm để làm gỗ xây dựng. Ông Cương cho hay: Gỗ xây dựng ngày càng ít đi, do vậy, khi nào thân cây đạt 30 – 40 cm là thu hoạch, giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với rừng nguyên liệu.

Toàn tỉnh hiện có 145.526 ha rừng trồng nguyên liệu gỗ; đất chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất là 166.745 ha. Đây là tiềm năng lớn để phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ phục vụ nhu cầu chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt trong 2 năm nay tích cực đẩy mạnh công tác trồng rừng, được người dân trong vùng hưởng ứng tích cực. Bằng nguồn đầu tư của Dự án trồng rừng 147, năm 2015, đơn vị đã trồng được hơn 700 ha rừng keo tai tượng; năm 2016 từ Dự án Bảo vệ  phát triển rừng của Nhà nước, đơn vị nhận trồng 500 ha rừng, trong đó đợt 1 đã trồng được 360 ha. Hiện nay, đồng bào các dân tộc đang chuẩn bị đào hố, trồng nốt phần diện tích đất còn lại trong năm 140 ha. Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã chuẩn bị đủ cây giống, cung ứng cho người dân trồng kịp thời vụ. 

Liên kết giữa nhà máy với người trồng rừng

Trong những năm gần đây, công nghiệp chế biến gỗ nguyên liệu trên địa bàn tỉnh khá phát triển. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, 11 doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy, ngoài ra có hơn 7.361 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể các mặt hàng đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. 

Sản xuất gỗ ghép thanh xuất khẩu tại Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An.
Sản xuất gỗ ghép thanh xuất khẩu tại Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho mình, hầu hết nhà máy chế biến gỗ rừng trồng nào cũng có chính sách hỗ trợ người trồng rừng và thu mua gỗ. Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An (Công ty cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm) chuyên sản xuất gỗ ghép thanh và sản phẩm MDF xuất khẩu. Giai đoạn 1, công suất nhà máy 13.000 m3 gỗ ghép thanh và 130.000 m3 MDF/năm, như vậy, mỗi năm nhà máy cần số lượng gỗ nguyên liệu rất lớn. Ông Lê Văn Kiệm - Phó Giám đốc nhà máy, cho biết: Kế hoạch đến tháng 9/2016, nhà máy sẽ chính thức sản xuất sản phẩm chính là gỗ MDF và gỗ ghép thanh xuất khẩu. Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy với 42.000 ha đất trồng rừng, tại các huyện dọc Quốc lộ 7 và Quốc lộ 48. Trong đó, đa phần là diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho dân, nên nhà máy tạo cơ chế chính sách cho người dân phát triển rừng một cách ổn định. Đó là, cung ứng 100% cây giống, phân bón, thuốc diệt mối cho chủ rừng, với mục tiêu nâng sản lượng gỗ rừng trồng lên 150 – 180 tấn/ha. 

Chủ động nguồn cung nguyên liệu rừng

Để chủ động nguồn cung, công tác quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ được xác định ưu tiên hàng đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn hoạt động ổn định, chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra cho nhà máy. Hiện tại địa bàn tỉnh có khoảng trên 170.000 ha rừng trồng sản xuất, loài cây trồng chủ yếu là keo lai, keo tai tượng và một số ít là keo lá tràm. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, việc mở rộng diện tích rừng trồng phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ được chú trọng, góp phần nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 50% vào năm 2020. 

Rừng keo ở Quế Phong.
Rừng keo ở Quế Phong.
Nghệ An phấn đấu xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng đạt mức 80 triệu USD (năm 2016), 130 triệu USD (năm 2020), 170 triệu USD (năm 2025) và 200 triệu USD (năm 2030). 

Trong thời gian tới, với các nhà máy chế biến gỗ rừng trồng hiện tại và đầu tư xây dựng mới ở các khu công nghiệp Nam Cấm, TX. Hoàng Mai, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn… có khả năng tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt khoảng 2,7 triệu m3/năm, cộng với nhu cầu gỗ cho sản xuất các mặt hàng khác như: Gỗ phục vụ sản xuất hàng mỹ nghệ, gỗ gia dụng, mộc nội, ngoài thất…, thì nhu cầu nguyên liệu gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh năm 2020 cần khoảng 1,7 triệu m3; năm 2025 cần khoảng 2,5 triệu m3 và năm 2030 khoảng 3 triệu m3. Để đáp ứng đủ sản lượng gỗ rừng trồng cho những năm tới, tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2020 có trên 210.000 ha rừng trồng nguyên liệu; đến năm 2025 có 257.000 ha rừng trồng nguyên liệu và đến năm 2030 có trên 283.000 ha rừng trồng nguyên liệu. 

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới