Phát triển toàn diện, bền vững Tiểu vùng Mekong mở rộng

Sáng nay (20/12) tại Bangkok, Thái Lan đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS- 5) với sự tham dự của Thủ tướng các nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc; Tổng thống Myanmar và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á.
Lãnh đạo các nước Tiểu vùng Mekong dự GMS-5
Lãnh đạo các nước Tiểu vùng Mekong dự GMS-5
Với chủ đề "Đạt tới sự phát triển bền vững và toàn diện trong khu vực tiểu vùng" Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo các nước thành viên GMS tham dự hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện các cơ chế hợp tác tiểu vùng; đồng thời thảo luận các ý kiến để hiện thực hóa tầm nhìn của GMS trong tương lai.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Prayut Chanocha nhấn mạnh những kết quả ấn tượng trong thực hiện các cơ chế hợp tác tiểu vùng thông qua nhiều dự án cụ thể, nhất là trong phát triển hạ tầng giao thông đã tạo bước đột phá trong kết nối vận tải, thúc đẩy giao thương và giao lưu nhân dân. Thủ tướng Thái Lan cho rằng GMS cần tập trung khai thác tối đa mạng lưới giao thông đường bộ hiện có gắn với phát huy các khu vực biên mậu, khu kinh tế cửa khẩu để phát triển mạnh giao thương và giao lưu nhân dân; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông đường bộ, tuyến đường sắt và đường biển; giảm bớt các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa và đi lại của người dân; vận hành hiệu quả trung tâm điều phối sản xuất và tiêu thụ điện; tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển tiểu vùng Mekong của các tổ chức, định chế tài chính quốc tế và cần có cơ chế khuyến khích các nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân, coi đây là đối tác quan trọng đối với sự phát triển bền vững của GMS.
Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Prayut Chanocha phát biểu
Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Prayut Chanocha phát biểu
T
hủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha nói: “…Chúng ta cần đẩy mạnh việc đầu tư của tư nhân trong khu vực này để tạo nên sự phát triển kinh tế của các nước chúng ta. Tôi đề nghị chúng ta cần có cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trung bình và nhỏ để nâng cao hiệu quả cao nhất trong kinh doanh, đầu tư của của họ tại khu vực. Về vấn đề môi trường, chúng ta cùng nhau nâng cao khả năng kinh tế phát triển chất lượng, thân thiện với môi trường tạo nên một khu vực kinh tế màu xanh…”.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Hợp tác GMS sau gần hai thập kỷ qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các nước thành viên cũng như trong nỗ lực xóa đ ói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thủ tướng dẫn chứng tại Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều dự án phát triển hạ tầng quan trọng như dự án đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai thuộc hành lang kinh tế Bắc-Nam, dự án hành lang ven biển phía Nam kết nối Cà Mau-Kiên Giang và mạng lưới các tuyến đường và cầu giao thông kết nối đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Trước sự chuyển động nhanh chóng của kinh tế khu vực và thế giới cùng với sự xuất hiện của những thách thức phi truyền thống và những bài học rút ra từ quá trình phát triển kinh tế của các nước thành viên thời gian qua đòi hỏi một cách tiếp cận mới, toàn diện và linh hoạt hơn cho hợp tác GMS. Thủ tướng nhấn mạnh: Tiểu vùng Mekong phát triển thịnh vượng, gắn kết và hài hoà sẽ chỉ đạt được nếu Chiến lược 3C: kết nối-cạnh tranh-cộng đồng được đặt trong mục tiêu tổng thể “phát triển bền vững và toàn diện” của Tiểu vùng Mekong. Hợp tác GMS cũng cần hỗ trợ một cách hiệu quả cho các nước Mekong trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tìm kiếm giải pháp cho những thách thức chung.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Cần bảo đảm sự cân bằng giữa ba yếu tố kinh tế - con người - môi trường trong hợp tác GMS. Suy thoái môi trường có thể triệt tiêu những thành quả về kinh tế và phát triển con người; ngược lại những chính sách kinh tế xã hội đúng đắn không chỉ giúp bảo tồn mà còn phát huy tiềm năng của thiên nhiên phục vụ con người. Trong quá trình phát triển, Tiểu vùng Mekong đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn liên quan đến môi trường, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu và thiên tai. Việc nhìn nhận thẳng thắn và nghiêm túc những thách thức này sẽ giúp chúng ta tìm ra giải pháp phù hợp.
Trong thời gian tới, GMS cần thứ nhất, thúc đẩy các chương trình/dự án về môi trường và phát triển con người để tương xứng với hoạt động trong các lĩnh vực phát triển kinh tế; thứ hai, chú trọng hỗ trợ các nước thành viên chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh và thứ ba, khôi phục hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước trong quản lý nước đô thị, nước nông thôn và nước sạch. Cùng với Uỷ hội sông Mê Công (MRC), hợp tác GMS - cơ chế duy nhất hiện nay có sự tham gia của tất cả các nước ven sông Mekong có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước thành viên nâng cao năng lực và phối hợp chặt chẽ trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tai GMS-5
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tai GMS-5
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ: Sự chân thành và thực tâm hợp tác giữa các nước thành viên là điều không thể thiếu để tạo dựng tinh thần cộng đồng GMS và xây dựng quan hệ bền vững, lâu dài. Chính vì vậy GMS cần tăng cường đối thoại thực chất giữa các thành viên cả về cơ hội cũng như thách thức, cả điểm tương đồng cũng như điểm khác biệt nhằm giúp nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới. Trong bối cảnh nhu cầu phát triển ngày càng cao, yêu cầu về nguồn lực và công nghệ ngày càng lớn, Thủ tướng cũng cho rằng các nước Tiểu vùng Mekong cần hình thành cơ chế hợp tác mở để tranh thủ thế mạnh của các đối tác phát triển và huy động thêm nguồn lực cho các dự án GMS. Bên cạnh hợp tác giữa các Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn khu vực doanh nghiệp và lực lượng thanh niên trẻ sẽ tham gia tích cực trong hợp tác GMS, đem đến luồng sinh khí mới và đóng vai trò ngày càng quan trọng cho tương lai của khu vực GMS.
Nhấn mạnh dòng sông Mekong là sự gắn kết tất cả các thành viên GMS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan cùng có trách nhiệm quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và bảo tồn những giá trị tốt đẹp gắn với dòng sông này, để sông Mekong luôn là kết nối bền chặt tình hữu nghị, hợp tác giữa người dân và các quốc gia ven sông.
* Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại phiên họp hẹp với những quan điểm rõ ràng về phát triển bền vững và toàn diện là yêu cầu cấp thiết để bảo tồn các thành quả phát triển; đồng thời đưa ra nhiều ý kiến thiết thực trong phương hướng hợp tác hài hòa với thiên nhiên, hài hòa với con người và hài hòa giữa các quốc gia trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề xuất nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy sự gắn kết và phối hợp giữa GMS với các sáng kiến khu vực khác, nhất là tiến trình thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 cũng như quan điểm và phương thức huy động các nguồn lực để hiện thực hóa Khung đầu tư khu vực GMS đến năm 2022...
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung và công bố các tài liệu sau: (i) Kế hoạch thực hiện Khung Đầu tư khu vực GMS (RIF) giai đoạn 2014-2018; (ii) Tài liệu về thành lập Trung tâm Điều phối điện khu vực (RPCC); (iii) Tài liệu về thành lập Hiệp hội đường sắt GMS; (iv) Báo cáo rà soát Chiến lược giao thông GMS (2006 – 2015). Hội nghị cũng nhất trí tổ chức HNTĐ GMS lần 6 tại Việt Nam vào năm 2017.
* Chiều cùng ngày, trước khi lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự lễ khai trương chính thức Liên doanh Vietjet-Thái Lan, tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Thái Lan-Việt Nam Prachuop Chayasan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Amata Vikrom Kromadit.
Thủ tướng cũng đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Thái Lan PTT Piyasvasti Amrannand, lãnh đạo tập đoàn CG (Central Group) và thăm cán bộ Đại Sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.
Theo VOV

Tin mới