Phạt từ 1 đến 3 triệu đồng với hành động 'vô tư xả bậy'

(Baonghean) - Từ ngày 1/2/2017, theo Nghị định 155/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Dù mức phạt tăng nặng hơn quy định cũ (từ 200.000 đến 300.000 đồng) và nghị định sắp có hiệu lực nhưng nhiều người dân vẫn vô tư phóng uế ở những nơi công cộng.

Vô tư “xả bậy”

Không khó để bắt gặp hình ảnh những người đàn ông dựng xe giữa đường, leo lên vỉa hè, quay mặt vào trong để “giải quyết nỗi buồn”. Nơi lý tưởng nhất là những lùm cây và góc khuất. Thậm chí, ở những khoảng trống xung quanh các trạm biến áp, bốt trụ điện, cứ có nhu cầu là “tiện đâu làm đó”, bất kể người đi đường qua lại.

Trên đại lộ Lê Nin, tại một bãi đất gần Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, vốn dĩ là nơi trồng cây cảnh, cây cổ thụ, nhưng chỉ trong vòng 10 phút đã có ít nhất 5 người, từ anh lái xe taxi, bác đi xe ôm… và cả những anh ăn mặc rất bảnh bao chọn điểm này làm nơi “trút bầu tâm sự”. 

Phạt tiền chỉ là thủ tục hành chính, ý thức của người dân mới là cốt lõi của vấn đề.
Phạt tiền chỉ là thủ tục hành chính, ý thức của người dân mới là cốt lõi của vấn đề.

Tại các ngõ dẫn vào khu dân cư, cần được giữ gìn vệ sinh chung, nhưng nhiều người đã biến những bức tường trở thành địa điểm che chắn tốt để xả bậy. Anh Nguyễn Thanh Phúc, người dân sống tại khu dân cư trên đường Nguyễn Thị Minh Khai bức xúc: “Lối dẫn vào khu chúng tôi ở, cứ chập choạng tối trở đi, ngày nào cũng có người ghé qua đây tiểu tiện, gây bốc mùi hôi, rất khó chịu. Trước đây, đã viết lên bờ tường “cấm đái bậy” để nhắc nhở, nhưng tình trạng không được cải thiện”.

Cùng tâm trạng với anh Phúc, bác Vũ Đình Toàn, sinh sống trên đường Võ Thị Sáu chia sẻ: “Bờ tường nhà tôi có hàng cây khá tốt bao quanh. Cứ tối đến, một số người đi đường lại chọn làm nơi tiểu bậy. Không làm sao bắt quả tang được, chỉ biết dọn dẹp bằng cách tưới nước cho sạch, đỡ mùi hôi thối”.

Không ít người với lối suy nghĩ, chẳng có gì đáng xấu hổ bởi toàn người đi đường cả, đâu có ai biết mình mà ngại, miễn là giải quyết “nhu cầu” tức thì, mà không nghĩ rằng đã gây nên sự khó chịu cho người dân xung quanh. Kéo theo đó là tình trạng xuất hiện những bức tường ố vàng loang lổ, những gốc cây bốc mùi khai nồng nặc. 

Tạo ra thay đổi?

Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Bảo (Văn phòng luật sư Quang Lương, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An) cho rằng, việc tăng mức xử phạt là một trong những yếu tố sẽ tạo tính răn đe người vi phạm và góp phần hạn chế tình trạng tiểu bậy tràn lan tại nơi công cộng như hiện nay. Tuy nhiên, việc giám sát còn nhiều hạn chế nguyên nhân do mặt khách quan và chủ quan.

Bản chất của hành vi vi phạm thuộc về ý thức của cá nhân mỗi người, nên dù phạt nhiều chưa hẳn sẽ hạn chế được tình trạng này. Hơn nữa, đối với công sở thì nhà vệ sinh được chăm chút xây dựng khang trang, sạch sẽ, còn cái dành cho công cộng, cái chung cho mọi người hình như lại lãng quên, hoặc có làm cũng còn quá ít. Thế nên người dân càng thiếu ý thức càng dễ bừa bãi, gặp đâu xả ra đấy”.

Anh Nguyễn Văn Sơn, một lái xe taxi, cho biết rất khó để tìm nơi vệ sinh: “Với người thường không sao, chúng tôi suốt ngày trên xe rất khó tìm nhà vệ sinh công cộng. Biết là tiểu tiện trên đường phố là mất vệ sinh, nhưng ít nhà vệ sinh công cộng quá”.

Hơn nữa, người tiểu bậy không có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nhưng lại luôn có ý thức quan sát xem có ai xung quanh không rồi họ mới thực hiện hành vi nên rất khó để phát hiện, nếu không có các cơ quan công an chuyên ngành để giám sát, xử phạt. “Tiểu tiện bậy xong là xong nên việc bắt quả tang, cưỡng chế xử phạt không hiệu quả khi người đó có thể bỏ chạy hoặc trốn tránh trách nhiệm cũng rất khó khăn cho cơ quan chức năng”, luật sư Bảo nhận định.

Việc tăng nặng mức xử phạt theo Nghị định 155/NĐ-CP là điều cần thiết để người dân không vi phạm, góp phần trong việc bảo vệ môi trường. Việc phạt tiền là chữa phần ngọn, còn ý thức của người dân mới là mấu chốt quan trọng trong việc loại bỏ thói quen xấu này. Do đó, cần tuyên truyền cho người dân thực hiện đúng nếp sống văn hóa văn minh, hiện đại, tôn trọng quyền lợi công cộng, thường xuyên nhắc nhở để người dân nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh. Ngoài ra, nên xây dựng các nhà vệ sinh tiêu chuẩn, miễn phí hoặc thu phí tại các nơi công cộng, công viên, khu chung cư, nhà cao tầng... để góp phần loại bỏ một hành vi xấu nơi công cộng. 

MỸ NGA

TIN LIÊN QUAN

Tin mới