Phật tử về chùa Từ Hiếu mong gặp thầy Thích Nhất Hạnh

Phật tử khắp nơi chờ mong đến thời khắc thiền sư Thích Nhất Hạnh gặp gỡ tất cả chư huynh đệ, con cháu chùa Từ Hiếu (TP Huế).

Nghe tin thầy Thích Nhất Hạnh về an dưỡng tại tổ đình Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế, Thừa Thiên Huế), nơi ông xuất gia năm 16 tuổi, rất nhiều phật tử và người mộ đạo đến chùa mong được gặp. Mỗi ngày, có hàng trăm lượt người đến chùa, trong đó có nhiều người nước ngoài.

Nơi an dưỡng là gian nhà xưa kia thiền sư từng tu tập, nằm tách biệt, có cây xanh bao phủ. Các đệ tử đang tu tập ở chùa Từ Hiếu đã trồng thêm hoa xung quanh nơi thiền sư an dưỡng. 

Phật tử về chùa Từ Hiếu mong gặp thầy Thích Nhất Hạnh ảnh 1

Khu vực nội viện nơi thầy Thích Nhất Hạnh an dưỡng được phong tỏa nghiêm ngặt. Ảnh: Võ Thạnh

Để thầy có không gian nghỉ ngơi yên tĩnh, nhà chùa treo thông báo những người không phận sự không được vào nội viện. Vì vậy, người mộ đạo đứng từ xa hướng về, hy vọng gặp lúc thiềnd sư đi thiền. Những gốc cây, bãi cỏ trong khuôn viên chùa Từ Hiếu được các phật tử tận dụng làm nơi nghỉ ngơi, thực tập thiền theo bài giảng của thiền sư.

Lan Anh (25 tuổi, Hà Nội) từng đọc nhiều sách thầy Thích Nhất Hạnh viết và nhiều lần sang làng Mai (Thái Lan) tu tập, cho biết đọc sách của thiền sư nên hiểu hơn về cuộc sống, con người, thấy có trí tuệ hơn. Một tuần trước, nghe tin thiền sư về tổ đình Từ Hiếu an dưỡng, Lan Anh vào Huế đến xem ngôi chùa thế nào, có giống như ở làng Mai không. Hàng ngày, Lan Anh đi thiền trong khuôn viên chùa Từ Hiếu.

"Đọc sách của sư ông mình hiểu cần đối xử với mọi người thế nào. Phương pháp thiền của sư ông đã giúp mình soi lại bản thân, suy nghĩ tích cực hơn. May mắn mình vào chùa Từ Hiếu và đã gặp sư ông lúc đi thiền", Lan Anh nói. 

Phật tử về chùa Từ Hiếu mong gặp thầy Thích Nhất Hạnh ảnh 2

Các Phật tử hành hương về nơi thầy Thích Nhất Hạnh tịnh dưỡng. Ảnh: Ngọc Thạnh.

Ba ngày trước, Linh Nhi (27 tuổi, TP HCM ) cũng gác lại chuyện kinh doanh và ra chùa Từ Hiếu để hội ngộ với những bạn theo thiền môn làng Mai. Hàng ngày, sau khi thực tập thiền hành, Nhi chọn một góc bên hồ bán nguyệt trước chùa đọc sách và chờ đợi duyên gặp thầy.

Hai năm trước, Linh Nhi tình cờ đọc được sách của thiền sư bán ở ở sân bay khi đi du lịch châu Âu. Sau chuyến sang làng Mai (Thái Lan) tu tập một tuần, cô chia sẻ đã ngộ ra nhiều điều. "Nếu gặp được sư ông thì tốt, không gặp được em cũng vui khi thấy hình bóng và tư tưởng của sư ông qua quý thầy", Linh Nhi nói.

Một sư thầy ở chùa Từ Hiếu cho biết, sáng 2/11, TS Bùi Thanh Hà, Phó ban Tôn giáo Chính phủ đã ghé chùa thăm thiền sư Thích Nhật Hạnh, cuộc gặp diễn ra khoảng 10 phút. Sau cơn tai biến năm 2014, thiền sư Thích Nhất Hạnh không thể nói chuyện được mà chỉ dùng cử chỉ để truyền đạt ý muốn nói. 

Phật tử về chùa Từ Hiếu mong gặp thầy Thích Nhất Hạnh ảnh 3

Thiền sư Thích Nhất Hạnh chắp tay đáp lễ Phó ban Tôn giáo Chính phủ. Ảnh: Võ Thạnh

Theo sư thầy, hiện sức khỏe của thiền sư Thích Nhất Hạnh tốt. Mỗi buổi sáng, ông ngồi trên xe lăn, được đệ tử đẩy đi quanh chùa ngắm cảnh. Theo kế hoạch, hôm nay thiền sư sẽ gặp gỡ tất cả chư huynh đệ, con cháu của chùa Từ Hiếu. 

Trước đó ngày 28/10, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về tổ đình Từ Hiếu nơi ông xuất gia năm 16 tuổi. Trong bức thư gửi cho các huynh đệ, thiền sư muốn an dưỡng tại tổ đình, cùng chung sống với các huynh đệ cho đến lúc viên tịch. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Thừa Thiên Huế, xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 16 tuổi. Đến nay ông là tổ đời thứ 8 của môn phái Từ Hiếu, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế. Năm 40 tuổi, ông rời Việt Nam, sáng lập dòng tu Tiếp Hiện và thiết lập các trung tâm thực hành, thiền viện khắp thế giới.

Nơi cư ngụ là Tu viện Làng Mai ở vùng Dordogne miền Nam nước Pháp, nhưng thiền sư Thích Nhất Hạnh du hành khắp thế giới thuyết giảng và tổ chức các khóa tu thiền. Ông đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire (Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa).

Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Với những hoạt động không ngừng nghỉ, thầy Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của các hãng tin nước ngoài.

Trong tác phẩm Thế giới Phật giáo, GS.TS John Powers, một học giả Phật học của Australia, đã chọn 13 vị sư góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật thế giới trong 2.500 năm qua, thiền sư Nhất Hạnh ở vị trí thứ 10.

Tin mới