Phê duyệt 4 huyện của Nghệ An thuộc danh sách huyện nghèo cả nước giai đoạn 2021-2025

(Baonghean.vn) - Đó là 4 huyện ở vùng miền Tây còn nhiều khó khăn của tỉnh Nghệ An gồm: Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn và Quỳ Châu; trong đó có 3 huyện biên giới là Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 phê duyệt danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh; 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc 12 tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Cũng theo Quyết định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ vừa ký ban hành, Nghệ An không có xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc giai đoạn 2021 - 2025.

bản Phà Xắc xã Huồi Tụ là một bản làng của người Mông nằm trên đỉnh núi có độ cao khoảng 1.300 m so với mực nước biển, thuộc dãy Trường Sơn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Toàn cảnh bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An). Đây là một bản của đồng bào Mông nằm trên đỉnh núi có độ cao khoảng 1.300 m so với mực nước biển, thuộc dãy Trường Sơn. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Nghệ An hiện là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với hơn 16.400km2, dân số trên 3,3 triệu người, đứng thứ 4 cả nước. Toàn tỉnh có 21 huyện, thành, thị; trong đó khu vực miền Tây Nghệ An chiếm gần 84% diện tích toàn tỉnh, có đường biên giới dài hơn 468 km tiếp giáp với nước bạn Lào.

Miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện, thị; trong đó có 5 huyện vùng cao gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu và 6 huyện, thị miền núi là: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương. Khu vực miền Tây của tỉnh là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Thái, Thổ, Mông, Ơ đu, Khơ mú...

Những năm qua, kết quả giảm nghèo của Nghệ An đạt tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; đến hết năm 2021 còn khoảng 2,74%. Tuy nhiên ở một số huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn ở khu vực miền Tây tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Ngoài 4 huyện của Nghệ An, trong danh sách phê duyệt huyện nghèo cả nước, Thanh Hóa có 6 huyện, Hà Giang có 4 huyện, Tuyên Quang có 2 huyện, Lạng Sơn có 2 huyện, Bắc Giang có 1 huyện, Cao Bằng có 7 huyện, Bắc Kạn có 2 huyện, Lào Cai có 4 huyện, Yên Bái có 2 huyện, Điện Biên có 7 huyện, Lai Châu có 4 huyện, Sơn La có 2 huyện, Hòa Bình có 1 huyện, Quảng Trị có 1 huyện, Thừa Thiên Huế có 1 huyện, Quảng Nam có 6 huyện, Quảng Ngãi có 2 huyện, Bình Định có 1 huyện, Khánh Hòa có 2 huyện, Ninh Thuận có 1 huyện, Kon Tum có 3 huyện, Gia Lai có 1 huyện, Đắk Lắk có 2 huyện, Đắk Nông có 2 huyện và An Giang có 1 huyện.
Những cô gái Thái Quỳ Châu thăm đồng. Ảnh: Thành Cường
Những cô gái Thái ở huyện vùng cao Quỳ Châu, Nghệ An thăm đồng. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng yêu cầu căn cứ đề nghị của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng đã ký ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025”, được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Chương trình có 7 dự án thành phần: Dự án 1 hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Dự án 4 phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Dự án 5 hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.

Dự án 6 truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Dự án 7 nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.

PTCS DTBT Tây Sơn là ngôi trường đầu tiên ở Kỳ Sơn đã quyết định đưa nghệ thuật múa khèn và các nhạc cụ, dân ca người Mông vào chương trình học ngoại khóa.
Dạy múa khèn của người Mông tại Trường PTCS DTBT Tây Sơn, huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 48.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng và huy động hợp pháp khác 14.310 tỷ đồng.

Mục tiêu tổng quát của “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. 

Chương trình đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Cánh đồng lúa xã Hạnh Dịch cách trung tâm huyện Quế Phong chừng 15km. Vào mùa thu, lúa trĩu vàng trên những thửa ruộng bậc thang như những dải lụa, khiến cảnh sắc của xã biên giới này trở nên mơ màng, đẹp nhất trong năm. Ảnh: Thành Cường
Cánh đồng lúa xã Hạnh Dịch của đồng bào dân tộc Thái ở huyện vùng cao biên giới Quế Phong, Nghệ An vào mùa thu hoạch. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Chương trình đặt chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.

Cùng với đó, Chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững.

Tin mới