Phép thử cho liên minh

(Baonghean) - Năm 2017 có thể sẽ là một năm “khó nhằn” với nhiều chính trị gia trên thế giới trong nỗ lực củng cố mối quan hệ liên minh lâu năm.

Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật tại Washington chiều 10/2. 	Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật tại Washington chiều 10/2. Ảnh: AFP

Thủ tướng Nhật sang Mỹ gặp Donald Trump

Thứ Sáu ngày 10/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp đón Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở Nhà Trắng. Trước đó vài tháng, ngày 8/11/2016, hai nhà lãnh đạo từng có cuộc gặp đầu tiên kể từ sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Khi đó, ông Abe đã gặp gỡ ông Trump tại toà Trump Tower và cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống Mỹ mới đắc cử khi đó. 

Trong quá trình tiến hành chiến dịch vận động bầu cử, ông Trump từng nhiều lần nhắc đến Nhật Bản với quan điểm cho rằng quốc gia đồng minh này nhận được quá nhiều lợi ích từ mối quan hệ hợp tác kinh tế với Mỹ mà không đem lại đóng góp tương xứng.

Tuy nhiên, có vẻ như “định kiến” đó đã là dĩ vãng khi mà trong lần gặp mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành sự đón tiếp không thể nhiệt tình hơn với vợ chồng ông Abe. Cái nắm tay thật lâu giữa hai nhà lãnh đạo được truyền thông phương Tây nhấn mạnh như là minh chứng cho mối quan hệ “đồng minh” khăng khít.

Ngay trong buổi chiều cùng ngày, vợ chồng Thủ tướng Nhật đã cùng vợ chồng ông Trump đi trên chiếc Air Force One để di chuyển đến Mar-a-Lago, một câu lạc bộ xa xỉ của ông Trump tại Florida để trải qua kỳ nghỉ cuối tuần. 

Thủ tướng Nhật và Tổng thống Mỹ đã có buổi chơi golf tại “Nhà Trắng mùa đông” để rồi sau đó, trong cuộc họp báo chung cùng ngày, Thủ tướng Nhật không tiếc lời khen ngợi khả năng chơi golf của ông Trump khi khẳng định “trình độ golf của tôi còn chưa đến mắt cá chân ngài Tổng thống”.

Ông Abe cũng ca ngợi ông Trump là một “doanh nhân xuất sắc”, rằng “Ngài chưa từng giữ một cương vị hành chính nào trước đó nhưng đã chiến đấu suốt một năm để trở thành Tổng thống”. Có lẽ niềm vui của Thủ tướng Nhật sẽ trọn vẹn hơn nếu không phải trước ngày ông đến Mỹ, Tổng thống Trump vừa có cuộc điện đàm với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Bù lại, Thủ tướng Nhật đã đạt được khẳng định của Tổng thống Mỹ về phạm vi của liên minh quân sự Mỹ - Nhật.

Trong bản thông cáo chung, hai nhà lãnh đạo khẳng định hiệp ước liên minh có bao gồm cả quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) - thuộc diện tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc lâu nay. Ông Abe và ông Trump tuyên bố chống lại “mọi động thái đơn phương làm ảnh hưởng đến quyền kiểm soát của Nhật đối với quần đảo này”.

Một đoạn trong tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo cũng có đề cập đến việc duy trì dự án căn cứ quân sự Henoko ở Okinawa, tuy nhiên quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước thì lại bị bỏ ngỏ không thấy nhắc đến. Trên thực tế, đây mới là vấn đề dẫn đến những khúc mắc của ông Trump với Nhật Bản. 

Dĩ nhiên Thủ tướng Nhật không bỏ qua cơ hội có thể thay đổi định kiến của Tổng thống Mỹ khi nói rằng phần lớn xe ôtô của các hãng Nhật Bản bán tại Mỹ được “chế tạo trong các công xưởng Mỹ bởi công nhân Mỹ”. Ông Abe cũng nhấn mạnh con số 411 tỷ USD mà các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Mỹ, góp phần tạo ra hơn 800.000 việc làm cho người Mỹ.

Biết được ông Trump đặc biệt quan tâm đến kết cấu hạ tầng giao thông Mỹ, ông Abe đã hết lời tán dương công nghệ tàu cao tốc của Nhật và cam đoan một chuyến tàu cao tốc như vậy có thể nối liền Nhà Trắng với Trump Tower trong vòng 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, ông Abe hết thức thận trọng và tránh mọi lời bình với việc Mỹ rút khỏi hiệp định TPP - từng được Nhật đặt nhiều kỳ vọng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 6/2 tại Munich. 	Ảnh: AFP
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 6/2 tại Munich. Ảnh: AFP

Thủ tướng Đức Merkel sẽ có kỳ tranh cử khó khăn?

7 tháng trước kỳ bầu cử, Thủ tướng Đức Angela Merkel có vẻ đang trong thời điểm khó khăn và có nguy cơ đánh mất vị trí lãnh đạo mà bà nắm giữ từ năm 2005 đến nay. Một điều tưởng như không tưởng chỉ vài tuần trước, nhưng giờ thì mọi chuyện đã khác. 

Đảng Dân chủ xã hội SPD do Martin Schulz lãnh đạo đang nhận được sự ủng hộ gia tăng từ cử tri, trong khi đó, đảng của bà Angela Merkel đang suy yếu vì chia rẽ nội bộ. Ông Martin Schulz - cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu - tuyên bố tham gia cuộc tranh cử từ cuối tháng 1 và đang là đối thủ đáng gờm đe doạ chiếc ghế Thủ tướng của bà Merkel.

Ngoài ra, đảng cực hữu AfD cũng đang nổi dậy, cùng với SPD tạo mối đe doạ đúp cho đảng CDU của bà Merkel. Đó là lý do vì sao hồi đầu tuần vừa qua, đảng CDU và đảng CSU đã họp để củng cố mối liên minh nhằm hướng đến kỳ bầu cử vào tháng 9 tới đây. Lãnh đạo đảng CSU bày tỏ quan điểm ủng hộ bà Merkel cầm quyền khi nhận định “Không ai có thể bác bỏ việc Đức đang cực kỳ ổn ở trong nước và là biểu tượng của sự ổn định trên trường quốc tế”. Có vẻ như chiến dịch tranh cử của bà Merkel sẽ xoay quanh những vấn đề về an ninh trong và ngoài nước, chính sách gia đình, sự gắn kết xã hội và sự đổi mới. 

Dù vậy, sự liên minh giữa 2 đảng vẫn gây nghi ngại khi có nhiều bất đồng quan điểm. Một trong số đó là vấn đề tiếp nhận người nhập cư. Người đứng đầu đảng CSU tuyên bố sẽ không ủng hộ Chính phủ tương lai của bà Merkel nếu bà không chấp nhận giới hạn lượng người nhập cư được cấp phép tị nạn hàng năm ở ngưỡng 200.000. Trong năm 2016, Đức đã tiếp nhận 280.000 người tị nạn, con số này là 890.000 vào năm 2015./. 

Hải Triều

 (Theo Le Monde)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới