Phi công chiến đấu làm gì để sống sót khi nhảy dù xuống biển

Dù được trang bị bộ dụng cụ sinh tồn, các phi công vẫn phải nỗ lực và có tinh thần thép để đảm bảo mạng sống của mình.

phi-cong-chien-dau-lam-gi-de-song-sot-khi-nhay-du-xuong-bien

Phi công Pháp huấn luyện sinh tồn trên biển. Ảnh: Ministre de la Defense

Khi tín hiệu báo động nhấp nháy trên bảng báo hiệu sự cố, điều đầu tiên các phi công lái máy bay chiến đấu nghĩ đến là phải tìm mọi cách đảm bảo an toàn cho máy bay của mình. Tuy nhiên, nếu mọi nỗ lực cứu máy bay đều vô ích, họ sẽ buộc phải nhấn vào chiếc nút màu đỏ đằng trước ghế lái để kích hoạt ghế phóng dù.

Nhưng việc thoát được ra ngoài chưa có nghĩa là mạng sống của các phi công được đảm bảo, trước mắt họ lúc này là một khoảng thời gian đấu tranh sinh tồn khó khăn mà chỉ những người được đào tạo bài bản và có tinh thần thép mới có thể vượt qua, theo Aviations militaires.

Thử thách càng trở nên khắc nghiệt hơn khi các phi công phải nhảy dù xuống mặt biển rộng lớn, nơi mạng sống của con người trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Theo trung tâm Đào tạo Cứu hộ và Sinh tồn thuộc không quân Pháp, để có thể cứu lấy mạng sống của mình khi nhảy dù xuống biển, các phi công phải thực hiện quy trình bốn bước bắt buộc.

Đầu tiên, phi công phải tìm mọi cách giữ bình tĩnh, tránh hoảng loạn không cần thiết. Họ cần phải cố gắng tiếp nước một cách an toàn, tháo dù khỏi người, điều chỉnh trang phục cho phù hợp với môi trường nhiệt độ nước biển (trường hợp thời tiết nắng nóng, phi công phải cởi bỏ bớt bộ đồ phòng hộ), tiếp cận và ổn định vị trí trên phao cứu hộ tự bơm.

Tiếp theo, họ sẽ nhanh chóng kích hoạt các thiết bị vô tuyến điện hoặc bắn pháo sáng để báo hiệu vị trí cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn, đồng thời chuẩn bị tinh thần có thể được giải cứu bất cứ khi nào.

Sau khi ổn định trên phao, các phi công sẽ phải nghĩ ngay đến việc đảm bảo lượng nước cho cơ thể (trong trường hợp không có máy lọc nước biển, các phi công có thể pha nước ngọt dự trữ trong bộ cứu hộ với nước biển theo một tỷ lệ nhất định.

Bước cuối cùng mới là việc tìm kiếm các nguồn thực phẩm. Trong thực tế, một phi công khỏe mạnh có thể sống sót suốt 15 ngày lênh đênh trên biển mà không cần đến thức ăn.

phi-cong-chien-dau-lam-gi-de-song-sot-khi-nhay-du-xuong-bien-1

Một bộ dụng cụ sinh tồn của phi công chiến đấu cơ Pháp. Ảnh: Ministre de la Defense

Hỗ trợ đắc lực cho các phi công trong quy trình bốn bước này là bộ dụng cụ sinh tồn được lắp đặt bên dưới ghế phóng dù. Các thành phần của bộ dụng cụ sinh tồn được quy định dựa trên địa hình hoạt động của máy bay chiến đấu như địa hình biển, địa hình sa mạc, địa hình rừng nhiệt đới.

Thông thường, một bộ dụng cụ sinh tồn cho các phi công hoạt động trên địa hình biển bao gồm một phao tự phồng dành cho người, một phao tự phồng dành cho thiết bị vô tuyến điện, pháo sáng chống nước, một số viên đạm, đường glucose để đảm bảo năng lượng cho phi công, một số chai nước uống có thể tích 100 ml, thiết bị lọc nước biển cỡ nhỏ, dao sắc, thiết bị câu cá và một số vật dụng như kính râm, son dưỡng môi chống nẻ.

Các chuyên gia Pháp cho rằng thực phẩm không được ưu tiên nằm trong bộ dụng cụ sinh tồn này bởi con người có thể sống sót nhiều ngày mà không có thức ăn, tuy nhiên nếu không có kính râm, mắt của các phi công rất dễ bị tổn hại dưới ánh mặt trời gay gắt, đồng nghĩa với việc họ không thể thực hiện các kỹ năng duy trì sự sống. 

Với những trang bị và kỹ năng trên, cơ hội sống sót của phi công khi phải nhảy dù xuống biển là rất cao, tuy nhiên họ vẫn phải giữ một tinh thần thép để sẵn sàng chịu đựng những thử thách phía trước khi phải đơn độc chống chọi với biển khơi, có thể trong nhiều ngày trời.

.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới