Phía sau nỗi đau là điều tử tế

Hôm 6-10, ông Đinh Ngọc Bình, người cựu binh biên giới phía Bắc và cũng là người chở chiếc xe tôn liên quan đến tai nạn làm em bé 9 tuổi T.M.H. ở Hà Nội qua đời hôm 23-9, được tại ngoại, sau hai ngày có quyết định khởi tố và tạm giam.

Thật khó có thể quên được gương mặt thất thần của người đàn ông trung niên sau chiếc xe tôn đậu bên lề đường, bên vũng máu của bé H.

Một tai nạn đớn đau, bất ngờ, gia đình bé H. đớn đau, tất cả những gia đình đang có con nhỏ như gia đình bé đớn đau, và gia đình ông Bình cũng đớn đau.

Nhưng bên lề nỗi đau đớn ấy là một số phận có lẽ phải thay đổi, dù rằng ông ta đã ở tận cùng của nỗi khổ đau: người đàn ông trung niên yếu đuối, đồng đội muốn góp tiền mua cho chiếc xe máy chạy xe ôm nhưng ông từ chối vì không biết lái xe máy, lam lũ kiếm sống bằng nghề bốc vác và chở xích lô quanh khu phố nghèo bỗng chốc sa vào vòng lao lý.

Cả hai gia đình ấy đều rơi nước mắt. Một bên mất con vĩnh viễn, một bên bị coi là “tội đồ”.

Ông Thạch trở về với gia đình sau 12 ngày bị tạm giữ. Ảnh: Hoàng Lam.
Ông Thạch trở về với gia đình sau 12 ngày bị tạm giữ. Ảnh: Zing.vn.

Vậy mà hai gia đình ấy đã đến được với nhau để chia sẻ sự mất mát, và cầu nối cho họ là những con người xa lạ. Cái cớ để họ nối nhịp cầu ấy là sự cảm thông: đau xót cho gia đình cháu bé và cũng đau xót cho gia đình ông Bình.

Đồng đội của ông Bình đã chia sẻ hoàn cảnh đáng thương của người cựu binh nghèo vốn mang cái tật còng từ ngày trong quân ngũ, cũng như cái tính tự trọng của ông đã khiến cộng đồng xúc động.

Thông qua nghệ sĩ Chí Trung và một nhà báo kiêm võ sư, hàng trăm người xa lạ đã chia sẻ. Họ không biết ông Bình và gia đình bé H., họ cũng không biết nhau nhưng nhờ lý lẽ trái tim mách bảo.

Trong những dòng tin ngắn ngủi, họ viết lời chia sẻ gửi đến cả hai gia đình, họ mong hai gia đình hòa giải. Họ chảy nước mắt thương em bé xấu số nhưng mong muốn không có ai phải chịu thêm đau đớn, tù đày, dằn vặt, họ mong người cựu binh được tha thứ, họ không muốn nỗi buồn phải nhân đôi.

Và đúng như mong mỏi, gia đình bé H. viết đơn đề nghị miễn xử lý người chở tôn - người cựu binh già Đinh Ngọc Bình. Gia đình bé dành sự tha thứ và sẻ chia để xoa dịu nỗi đau đớn mất đứa con trai. Một sự tha thứ thật đáng được ngưỡng mộ.

Mỗi ngày có bao nhiêu tin về cái ác, cái xấu trên báo? Chắc chắn là rất nhiều. Nhưng cũng có rất nhiều tin tốt lành như phần kết của câu chuyện này.

Ông Bình “còng” được tại ngoại và phải chịu trách nhiệm về tai nạn xảy ra với bé H., nhưng ông đã được tha thứ, được đối xử bằng sự tôn trọng và sẻ chia.

Tôi nhìn rất kỹ tấm ảnh bé H. mà gia đình bé dùng làm ảnh thờ, dù ở góc nào thì nhìn cũng như bé đang cười, một nụ cười rất nhẹ kiểu trẻ thơ.

Những câu chuyện đớn đau rồi sẽ khép lại nhẹ nhàng và nhân ái nếu chúng ta biết tha thứ, và mỗi lần như vậy cuộc sống này lại nảy được thêm những mầm xanh 
hi vọng.

Những mầm nhỏ ấy sẽ vươn mạnh mẽ nếu mỗi người sống tử tế bên cạnh những người tử tế, và viết những câu chuyện nhân văn từ cuộc sống của mình, từ những người xung quanh, như đoạn kết của câu chuyện chiếc xe tôn đau đớn những ngày qua.

Theo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN

Tin mới