Phiên họp với nhiều nội dung đáng chú ý của Đại hội đồng Liên hợp quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Phiên họp toàn thể thứ 69 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 77 diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua với nhiều nội dung đáng chú ý.
Ông Csaba Kőrösi là Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 77. Ảnh: UN

Ông Csaba Kőrösi là Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 77. Ảnh: UN

Tranh luận về quyền phủ quyết

Trước khi thông qua 3 dự thảo nghị quyết về kết nối cơ sở hạ tầng, đánh giá quốc gia tự nguyện và hợp tác với Hội đồng châu Âu, Đại hội đồng đã tổ chức cuộc tranh luận chính thức đầu tiên về việc sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an. Các ý kiến phát biểu đã thảo luận về tác động của cơ chế minh bạch và giải trình mới - được kích hoạt bởi nghị quyết 76/262 - cũng như vai trò của cơ chế này trong việc thúc đẩy chức trách của Đại hội đồng, đồng thời đạt được tính hợp pháp trong việc sử dụng quyền phủ quyết.

Ông Csaba Kőrösi (đại diện của Hungary), Chủ tịch Đại hội đồng, nhắc lại nghị quyết lịch sử năm 2022 và nhấn mạnh: “Chúng ta ở đây để tìm ra những cách tốt nhất khai thác công cụ mới này". Thúc giục các quốc gia thành viên sử dụng cuộc tranh luận một cách sáng tạo và mang tính xây dựng bằng cách đặt ra những câu hỏi hóc búa và tìm kiếm các giải pháp làm thay đổi cuộc chơi, ông nhấn mạnh rằng quyền phủ quyết phải luôn là biện pháp cuối cùng. Ông khuyến khích các phái đoàn vượt lên trên những lợi ích trước mắt và hành động có trách nhiệm để xây dựng lại lòng tin trong tổ chức này, đồng thời nói thêm: “Hãy dám táo bạo. Dám mang lại sự thay đổi”.

Với tinh thần đó, đại diện của Pháp - một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an - đã đề xuất rằng toàn bộ 5 thành viên thường trực đều tự nguyện và cùng đình chỉ việc sử dụng quyền phủ quyết trong các trường hợp xảy ra hành động tàn bạo hàng loạt. Chỉ ra rằng, Pháp - đất nước của bà chỉ sử dụng quyền phủ quyết 18 lần kể từ năm 1945 và hoàn toàn không sử dụng nó trong 30 năm qua, bà nhận xét rằng, bước đi như vậy dựa trên cam kết chính trị và không đòi hỏi phải sửa đổi Hiến chương Liên hợp quốc.

Chung quan điểm, đại biểu của Hoa Kỳ cũng nói rằng phái đoàn của ông cam kết kiềm chế sử dụng quyền phủ quyết trừ những trường hợp đặc biệt, hiếm gặp. Ông nói thêm, quyền triệu tập cuộc họp Đại hội đồng mỗi khi xuất hiện quyền phủ quyết - được quy định bởi nghị quyết 76/262 - là bước quan trọng hướng tới trách nhiệm giải trình và tính minh bạch.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến của Pháp-Mexico đề cập việc hạn chế quyền phủ quyết trong các trường hợp xảy ra hành động tàn bạo hàng loạt và nhấn mạnh tầm quan trọng của Điều 27(3) trong Hiến chương quy định rằng một bên tranh chấp sẽ không được bỏ phiếu.

Trong khi đó, đại diện của Ireland nhớ lại nhiệm kỳ chủ tịch gần đây tại Hội đồng Bảo an, cho rằng quyền phủ quyết không những ngăn cản hành động của Hội đồng trong nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu, mà nó còn là công cụ được sử dụng vào một thời điểm nào đó để đáp trả về địa chính trị.

Tương tự, đại biểu của Italy nhận xét quyền phủ quyết là “lỗi thời”, và cho rằng mặc dù có bối cảnh lịch sử cụ thể, nhưng nó rõ ràng mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia.

Một số đại biểu đã nhắc lại quan điểm trên, trong đó đại biểu của Ấn Độ chỉ ra rằng cách tiếp cận như vậy sẽ duy trì tư duy về Chiến tranh thế giới thứ hai. “Hoặc là tất cả các quốc gia đều được đối xử bình đẳng về quyền biểu quyết, nếu không thì các thành viên thường trực mới cũng phải được trao quyền phủ quyết,” ông nói. Đây cũng là quan điểm mà một số phái đoàn đã bày tỏ khi kêu gọi mở rộng quyền phủ quyết.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến kêu gọi hạn chế quyền này, bao gồm đại diện của Ecuador. Nhấn mạnh đến tính chất lỗi thời của quyền phủ quyết, ông nói rằng, việc sử dụng quyền phủ quyết đã không dẫn đến một thế giới an toàn hơn. Vì vậy, quyền lực đó không nên được mở rộng cho các thành viên khác của Hội đồng Bảo an. Thay vào đó, nên tập trung vào việc hạn chế sử dụng nó…

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Thông qua một số nghị quyết

Sau cuộc tranh luận nói trên, Đại hội đồng đã thông qua 3 dự thảo nghị quyết, bao gồm một dự thảo về “Xây dựng khả năng phục hồi toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng khu vực và liên khu vực” và dự thảo về “Tăng cường Đánh giá Quốc gia Tự nguyện thông qua Đánh giá do Quốc gia dẫn dắt” được thông qua không cần bỏ phiếu; dự thảo về “Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hội đồng châu Âu” thông qua bằng hình thức bỏ phiếu.

Theo thông cáo đăng trên trang web chính thức của Liên hợp quốc, tại cuộc họp toàn thể lần thứ 69 khoá 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 26/4, ông Jörundur Valtýsson - Đại diện thường trực của Iceland tại Liên hợp quốc, đã trình bày dự thảo nghị quyết “Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hội đồng châu Âu” (văn bản A/77/L.65), khẳng định sự hợp tác giữa 2 thể chế này có đặc trưng là truyền thống lâu đời và tầm nhìn chung về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Ông nhận thấy rằng, trên cơ sở văn bản đã được thống nhất trước đó từ nghị quyết A/75/264 - được đồng thuận thông qua vào năm 2021 - các quốc gia thành viên đã đạt được thoả hiệp về một số vấn đề. Tuy nhiên, không có sự đồng thuận nào đạt được về đoạn 9 trong phần mở đầu, có nội dung kêu gọi tăng cường hợp tác giữa 2 tổ chức quốc tế này, “đặc biệt là nhằm nhanh chóng khôi phục và duy trì hoà bình và an ninh dựa trên sự tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào”.

Phát biểu giải thích quan điểm trước cuộc bỏ phiếu, đại diện của Liên bang Nga nói rằng phái đoàn của ông không thể ủng hộ dự thảo nghị quyết ở dạng thức hiện có vì đoạn 9 trong phần mở đầu có nội dung không liên quan đến chủ đề của văn bản và về bản chất mang tính chính trị hoá cao. Việc chính trị hoá như thế là bằng chứng cho thấy các nước phương Tây sẵn sàng làm tổn hại đến tầm ảnh hưởng của các tổ chức khu vực và gây ra một vết rạn nứt trong Đại hội đồng mà đáng ra có thể tránh được. Vì thế, ông kêu gọi tất cả các thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế bỏ phiếu chống lại việc đưa đoạn văn trên vào dự thảo nghị quyết.

Trong khi đó, đại diện của Venezuela cũng bày tỏ lấy làm tiếc khi các nước dự thảo “L.65” đã chọn đưa vào những yếu tố thiếu sự đồng thuận, điều mà có thể dẫn đến căng thẳng và chia rẽ hơn nữa. Bà kêu gọi các thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế chấm dứt cách tiếp cận này, bày tỏ hy vọng rằng khi nội dung này trở lại chương trình nghị sự của Đại hội đồng vào năm 2025, những người đề xuất văn bản sẽ nối lại các cuộc đàm phán thiện chí để tạo sự thống nhất trong Đại hội đồng.

Nội dung của đoạn thứ 9 ở phần đầu dự thảo nghị quyết như sau: “Cũng thừa nhận rằng những thách thức chưa từng có mà Châu Âu đang phải đối mặt sau hành vi gây hấn của Liên bang Nga chống lại Ukraine, và chống lại Gruzia trước đó, cùng việc chấm dứt tư cách thành viên của Liên bang Nga trong Hội đồng Châu Âu, kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hội đồng Châu Âu, đặc biệt là để kịp thời khôi phục và duy trì hòa bình và an ninh dựa trên sự tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, đảm bảo việc tuân thủ nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế trong thời gian xảy ra chiến sự, đưa ra biện pháp khắc phục cho các nạn nhân và đưa tất cả những người chịu trách nhiệm về những vi phạm luật pháp quốc tế ra trước công lý…”

Theo một số ý kiến, tên gọi của Nghị quyết này là “Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hội đồng châu Âu”, vì thế tình hình tại Ukraine không phải là trọng tâm, và cũng chỉ được đề cập trong đoạn thứ 9 của phần mở đầu như trên. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý, nghị quyết chỉ “thừa nhận” rằng điều đó đã tạo ra “những thách thức chưa từng có”.

Trên thực tế, trong phần tranh luận về nghị quyết này, đã có 2 cuộc bỏ phiếu được tiến hành. Một nhằm xác định có nên đưa đoạn 9 vào nghị quyết không. Kết quả, có 81 phiếu thuận, 10 phiếu chống (Cộng hòa Trung Phi, Cuba, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Eritrea, Iran, Nicaragua, Liên bang Nga, Sudan, Syria), và 48 phiếu trắng.

Kết quả bỏ phiếu về việc có hay không đưa đoạn 9 vào nội dung nghị quyết.

Kết quả bỏ phiếu về việc có hay không đưa đoạn 9 vào nội dung nghị quyết.

Phiên họp tiếp tục bỏ phiếu đối với toàn thể dự thảo nghị quyết “L.65”. Kết quả, Đại hội đồng đã thông qua với 122 phiếu thuận, 5 phiếu chống (Belarus, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Nicaragua, Liên bang Nga và Syria), và 18 phiếu trắng.

Kết quả bỏ phiếu đối với toàn bộ nghị quyết về Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hội đồng châu Âu.

Kết quả bỏ phiếu đối với toàn bộ nghị quyết về Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hội đồng châu Âu.

Nguồn tin cũng cho biết, trong các nhiệm kỳ, Đại hội đồng luôn khuyến khích Liên hợp quốc và Hội đồng châu Âu tăng cường hợp tác ở tất cả các cấp độ để giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề, bao gồm cuộc khủng hoảng về y tế Covid-19, thúc đẩy dân chủ và pháp quyền, phòng ngừa hành vi tra tấn, chống khủng bố, buôn người, bạo lực giới và bạo lực tình dục, thúc đẩy các quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và thúc đẩy bình đẳng giới. Cùng với các điều khoản khác, Đại hội đồng mời các Tổng thư ký của Liên hợp quốc và Hội đồng châu Âu cùng nỗ lực tìm câu trả lời cho những thách thức toàn cầu, đồng thời kêu gọi toàn bộ các cơ quan hữu quan của Liên hợp quốc hỗ trợ tăng cường hợp tác với Hội đồng châu Âu như quy định tại các nghị quyết liên quan.

Phát biểu giải thích quan điểm sau cuộc bỏ phiếu, đại diện của Cuba cho biết ông không thể ủng hộ dự thảo nghị quyết vì nội dung gây chia rẽ trong phần giới thiệu. Lưu ý rằng một cuộc bỏ phiếu gây chia rẽ không dẫn đến thúc đẩy hợp tác, ông bày tỏ hy vọng về một văn bản đồng thuận đặt các vấn đề gây tranh cãi nên được thảo luận trong không gian khác sang một bên.

Đại diện của Mexico giải thích rằng Chính phủ của ông đã bỏ phiếu ủng hộ “L.65” vì họ tin tưởng vào tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Tổ chức và các thực thể khu vực. Mặc dù Mexico đã tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận của Hội đồng Châu Âu với tư cách là một Quốc gia quan sát viên từ năm 1999, đất nước của ông đã bỏ phiếu trắng đối với đoạn 9 ở phần mở đầu vì tình hình ở Ukraine và Gruzia không thuộc phạm vi hợp tác. Ông cũng bày tỏ sự tiếc nuối rằng nội dung cốt lõi của văn bản đã bị xem nhẹ và nhắc lại lời kêu gọi của mình là tránh đưa vào các vấn đề bên ngoài.

Về đoạn 9 ở phần mở đầu của “L.65”, đại diện của Iran cũng đã nhắc lại lập trường của phái đoàn mình liên quan cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng đầy đủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Ông nói rằng, vì việc đưa vào đoạn văn như vậy nằm ngoài phạm vi của nghị quyết và thiếu tính công bằng, nên phái đoàn của ông đã bỏ phiếu trắng đối với toàn bộ dự thảo nghị quyết.

Đại diện của Senegal bày tỏ sự không đồng tình với việc sử dụng một số thuật ngữ tại một số đoạn trong dự thảo nghị quyết.

Đại diện của Hungary cho biết ngôn từ trong đoạn 17 đề cập đến Công ước của Hội đồng châu Âu về Ngăn ngừa và Chống Bạo lực đối với Phụ nữ và Bạo lực Gia đình không thể được hiểu là cam kết của các Quốc gia về việc ký kết văn kiện đó nếu họ chưa làm như vậy. Bà nhấn mạnh, hành động của chính phủ - chứ không phải việc phê chuẩn một hiệp ước - mới là thứ giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, đồng thời nói thêm rằng Hungary không thể ủng hộ các lời kêu gọi ký kết hoặc phê chuẩn Công ước này.

Tin mới