Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: Không để các ý tưởng, sáng kiến có chất lượng bị 'thất lạc' ở khâu trung gian

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: Không để các ý tưởng, sáng kiến có chất lượng bị 'thất lạc' ở khâu trung gian

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đây là khẳng định của đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An khi đề cập đến cơ chế để cán bộ cấp phòng đề xuất ý tưởng có tính sáng tạo, đổi mới, đột phá. 
Toàn cảnh Hội nghị Đối thoại. Ảnh: Thành Cường

Toàn cảnh Hội nghị Đối thoại. Ảnh: Thành Cường

PHÁT HUY ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ MỖI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Tại Hội nghị Đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An, đồng chí Trần Anh Tuấn - Quyền trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông đặt câu hỏi: Việc tăng hạng PCI Nghệ An năm 2022 là sự nỗ lực đáng ghi nhận của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành trong tỉnh. Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến như thế nào để trong thời gian tới Chỉ số PCI tiếp tục thăng hạng?

Theo công bố vừa qua, năm 2022, Chỉ số PCI của Nghệ An đạt điểm tuyệt đối cao nhất từ trước đến nay, đạt 66,6 điểm, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. So với năm 2021, Chỉ số PCI của tỉnh tăng 1,86 điểm, tăng 7 bậc, Chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp đứng thứ 3 cả nước. Nếu so với năm 2015, điểm tuyệt đối của Chỉ số PCI Nghệ An năm 2022 tăng 8,1 điểm.

Đồng chí Trần Anh Tuấn - Quyền trưởng Phòng Báo chí - xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông đặt câu hỏi. Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Trần Anh Tuấn - Quyền trưởng Phòng Báo chí - xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông đặt câu hỏi. Ảnh: Thành Cường

Trả lời câu hỏi trên, qua phân tích thứ hạng PCI của Nghệ An qua các năm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông nhận định: Sự tiến bộ trong mối tương quan với các địa phương, tỉnh, thành khác có vẻ không ổn định. Đây là điều hết sức lưu ý, quan tâm để đảm bảo tăng điểm tuyệt đối. Đặc biệt, trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2022, một số chỉ số thành phần còn xếp thứ hạng thấp như: Đào tạo lao động (48/63), Tiếp cận đất đai (45/63), Chi phí thời gian (42/63), Gia nhập thị trường (46/63); Chi phí không chính thức (33/63)

“Tại sao điểm tuyệt đối tăng đều, nhưng lại có tình trạng như thế?”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đặt câu hỏi và cho rằng, nguyên nhân có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; địa giới đầu tư còn dàn trải; quy hoạch phát triển chung và quy hoạch sử dụng đất nhiều nhưng chưa đồng bộ; giữa doanh nghiệp và địa phương nhiều khi chưa có tiếng nói chung về vấn đề lao động.

Đặc biệt, qua nghiên cứu phản ánh của doanh nghiệp và người dân cho thấy, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức có một số vấn đề. Điều này xuất phát từ nguyên nhân đâu đó vẫn có chuyện sách nhiễu, tiêu cực; tinh thần trách nhiệm, thái độ của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện các đề nghị, yêu cầu của doanh nghiệp, người dân chưa tốt.

“Chúng ta hay nghĩ, hay nói chuyện tiêu cực, sách nhiễu, thờ ơ, không quan tâm, thiếu trách nhiệm, song có lý do tác động đáng kể đến cải cách hành chính là năng lực cán bộ”, đồng chí Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh và lưu ý thực hiện các giải pháp để xử lý vấn đề này.

Vị trí của Nghệ An so với 63 tỉnh, thành cả nước từ năm 2006 đến năm 2022. Ảnh: Thành Duy
Vị trí của Nghệ An so với 63 tỉnh, thành cả nước từ năm 2006 đến năm 2022. Ảnh: Thành Duy

Về định hướng sắp tới, để nâng cao Chỉ số PCI, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị cần tiếp tục phát huy, củng cố những kết quả, các chỉ tiêu đã đạt được tích cực trong thời gian qua; xác định chính xác, đầy đủ các nguyên nhân dẫn đến các điểm nghẽn ở các chỉ số thành phần; qua đó, tập trung giải quyết, cải thiện tăng chất lượng các chỉ số thành phần, như về tiếp cận đất đai thông qua tăng chất lượng quy hoạch, sử dụng đất để vừa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và phù hợp với các quy hoạch tổng thể của địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đến từng dự án.

Liên quan đến quy trình, thủ tục, thái độ, chất lượng phục vụ của bộ máy quản lý nhà nước các cấp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cho biết, cần tiếp tục rà soát, giảm các thủ tục hành chính; tăng cường phát huy vai trò quy chế nội bộ trong cơ quan, đồng thời, phát huy đạo đức công vụ mỗi công chức, viên chức ở từng vị trí công tác, đặc biệt, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức vi phạm theo quy chế đơn vị, cho đến cả ở góc độ pháp luật.

Đồng thời, cần quan tâm để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện mục tiêu gia nhập thị trường, phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đặc biệt, hỗ trợ trong các tình huống khủng hoảng kinh tế, có dịch bệnh… để nâng cao chỉ số gia nhập thị trường.

Liên quan đến đào tạo lao động, mặc dù khâu đào tạo của Nghệ An làm khá tốt, song chỉ số này còn thấp, theo đó, cần có những giải pháp phù hợp, đặc biệt là có những yêu cầu khắt khe hơn về nhà ở, y tế, trường học… khi quy hoạch các dự án để thu hút lao động ở lại tỉnh làm việc, không phải “ly hương”.

CƠ CHẾ ĐỂ KHUYẾN KHÍCH CÁN BỘ "6 DÁM"

Cũng tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tuấn Tài - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về việc khuyến khích cán bộ thực hiện "6 dám": Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, cũng như cơ chế để cán bộ cấp phòng đề xuất ý tưởng có tính sáng tạo, đổi mới, đột phá?

Đồng chí Nguyễn Tuấn Tài - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng đặt câu hỏi. Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Nguyễn Tuấn Tài - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng đặt câu hỏi. Ảnh: Thành Cường

Quy định khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám” sẽ là cơ sở chính trị - pháp lý bảo đảm 2 vấn đề: Một là, mọi cán bộ, đảng viên, công dân đều bình đẳng được quyền đề xuất những ý tưởng, đề án và trở thành chủ thể “dám” vì lợi ích chung, vì sự phát triển đất nước; hai là,mọi tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị - cấp có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn dự án đều phải có trách nhiệm khuyến khích, xem xét, bảo vệ và chịu trách nhiệm đối với các ý tưởng, các đề án thuộc về “6 dám” vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân và hiện đang được Trung ương cụ thể hóa.

Liên quan đến nội dung này, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh quan điểm mạnh mẽ của tỉnh về việc thực hiện tinh thần “6 dám” trên như khuyến khích tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị các cấp; tăng cường dân chủ, trách nhiệm trong công việc từ mỗi cá nhân,…

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An trả lời các ý kiến của đại biểu. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An trả lời các ý kiến của đại biểu. Ảnh: Thành Duy

Đồng thời, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, lãnh đạo sở, ban, ngành cấp tỉnh cần phải đủ tầm, năng lực để “dám” tiếp thu ý tưởng của cán bộ cấp dưới.

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Văn Thông khẳng định: Xa hơn nữa chắc chắn tỉnh sẽ có cơ chế giải quyết những đề xuất, sáng kiến của cán bộ cấp dưới, cơ chế thông tin để các ý tưởng, sáng kiến có chất lượng không bị “thất lạc” ở khâu trung gian (sở, ngành và cấp huyện).

Đồng thời, phải rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định về việc thực hiện các nguyên tắc quản lý hiện hành để nhận diện đúng động cơ, mục đích của sự “dám”; tăng cường các hoạt động tiếp xúc đối thoại bằng nhiều kênh khác nhau: sinh hoạt Đảng, đối thoại…

Tin mới