Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông chỉ đạo 7 nhóm vấn đề trọng tâm đối với huyện Tương Dương

(Baonghean.vn) - Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tương Dương khóa XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Lấy đại đoàn kết giữa các dân tộc, sự thống nhất cộng sự, dân chủ trong cấp ủy, trong hệ thống chính trị, trong các tổ chức làm nền tảng, sức mạnh để hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại đại hội. Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại đại hội. Ảnh: Mai Hoa
Một số hạn chế cần khắc phục

Mở đầu bài phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tương Dương khóa XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông chia sẻ với những khó khăn mà Đảng bộ và nhân dân gặp phải trong nhiệm kỳ qua, liên quan đến thiên tai, dịch bệnh, nhiều vấn đề tồn tại sau khi triển khai các dự án thủy điện.

Tuy nhiên, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Tương Dương đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm đổi mới, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt nhiều kết quả tích cực về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cũng đã thẳng thắn nêu một số hạn chế, khuyết điểm đề nghị Đảng bộ, chính quyền huyện Tương Dương quan tâm khắc phục trong nhiệm kỳ tới.

Các đại biểu tham dự đại hội. Ảnh: Mai Hoa
Các đại biểu tham dự đại hội. Ảnh: Mai Hoa

Đó là còn 12/29 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội khóa XXVII chưa đạt. Kinh tế của huyện phát triển chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu chậm, thế mạnh về kinh tế rừng, chăn nuôi, thủy sản, du lịch chưa được phát huy ở mức cao nhất.

Một số chính sách bồi thường, tái định cư để thực hiện các dự án thủy điện chưa được giải quyết triệt để. Thương mại, dịch vụ phát triển chậm so với nhu cầu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, giảm nghèo chưa bền vững.

Trong số các huyện nghèo được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a, Tương Dương là một điểm sáng về xây dựng NTM nhưng đời sống đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn.

Một góc thị trấn huyện Tương Dương. Ảnh: Mai Hoa
Một góc thị trấn huyện Tương Dương. Ảnh: Sách Nguyễn

Tội phạm ma túy, mua bán người, tội phạm xâm hại môi trường… vẫn còn nhiều tiềm ẩn, khó lường. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, nhất là cấp cơ sở ở một số lĩnh vực còn hạn chế; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới .

Các đại biểu tham dự đại hội. Ảnh: Mai Hoa
Các đại biểu tham dự đại hội. Ảnh: Mai Hoa

7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Bày tỏ sự thống nhất, đồng tình cao về phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu trong Báo cáo chính trị trình bày tại đại hội; Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cũng định hướng 7 nhóm vấn đề trọng tâm đối với Đảng bộ huyện Tương Dương trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đưa Tương Dương sớm thoát khỏi huyện nghèo vào cuối nhiệm kỳ.

Thứ nhất, thực hiện tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng để đẩy mạnh thu hút đầu tư, làm cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội huyện theo hướng bền vững. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án đã và đang được đầu tư trên địa bàn huyện; đồng thời nâng cao vai trò, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong quản lý, đầu tư, xây dựng các công trình, dự án.

Các đại biểu tham dự đại hội. Ảnh: Mai Hoa
Các đại biểu tham dự đại hội. Ảnh: Mai Hoa

Thứ hai, trên cơ sở tình hình thực tế của huyện, cấp ủy, chính quyền huyện cần tổ chức triển khai thực hiện tốt Thông báo số 55-TB/TW, ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; đồng thời, nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” để rà soát, tính toán cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong nhiệm kỳ tới bảo đảm phù hợp, sát đúng, có tính khả thi cao.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý. Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là tại các thôn, bản.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, khai thác lợi thế, tăng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các sản phẩm sạch, an toàn.

Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại cây, con chủ lực, có giá trị kinh tế cao của từng vùng trên địa bàn huyện. Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, trang trại, gia trại...

Làm tốt công tác quản lý, khai thác, phát triển thủy sản ở các lòng hồ thủy điện. Chú trọng phát triển kinh tế rừng; rà soát, xem xét chuyển một số diện tích rừng nghèo kiệt để phát triển kinh tế.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là tại khu vực Hòa Bình, Khe Bố, Tam Thái, trung tâm các xã… Tăng cường hợp tác, liên kết với các huyện trong vùng, trong tỉnh để phát triển dịch vụ, thương mại, hình thành các tour du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa - lịch sử tại các hang động, rừng nguyên sinh Pù Mát, Pù Huống, rừng săng lẻ, Khe Cớ, đền Vạn, lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ…

Chú trọng xây dựng các làng, bản có nghề, nhất là nghề dệt thổ cẩm, đan lát, nghề mộc dân dụng, phát triển dược liệu để phát triển các sản phẩm truyền thống theo hướng hàng hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Thứ năm, chăm lo phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và an sinh xã hội; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người uy tín trong các cộng đồng; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đẩy lùi tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy.

Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân tự vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khuyến khích sự năng động, sự quyết tâm làm giàu, phát triển kinh tế của người dân.

Quang cảnh đại hội. Ảnh: Mai Hoa
Quang cảnh đại hội. Ảnh: Mai Hoa

Thứ sáu, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; chủ động nắm và kiểm soát tình hình, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới; duy trì tốt mối quan hệ với các tỉnh có chung đường biên giới của Lào.

Tăng cường củng cố, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; chủ động làm tốt công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn. Đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là buôn bán ma túy, buôn bán người, đưa người ra nước ngoài về trái phép…

Làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo; xử lý kịp thời các vụ việc nổi cộm, bức xúc ngay tại cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn.

Thứ bảy, tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW và các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Tạo chuyển biến mới về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính quyền. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân. Làm tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo gắn liền với quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho miền núi, cho đồng bào dân tộc thiểu số và quản lý tài chính ở các cơ quan, đơn vị.

Tin mới