Phố cầm đồ: "Thiên đường" sinh viên

(Baonghean.vn) - Chỉ cần một tấm thẻ sinh viên kèm theo chứng minh nhân dân là có thể vay một khoản tiền dễ dàng với lãi suất cắt cổ. Đó là chuyện không quá xa lạ đối với sinh viên hiện nay và tấm thẻ vô hình trung trở thành một món tài sản có giá trị khi ở ngoài phạm vi của nhà trường.

Một góc đường Bạch Liêu, nơi được xem là
Một góc đường Bạch Liêu, nơi được xem là "thủ phủ" của hiệu cầm sinh viên đồ ở TP Vinh.

"Lạc bước" ở Phố cầm đồ 

Trong vai những người cần tín chấp thẻ sinh viên để vay tiền, chúng tôi có mặt tại đường Bạch Liêu (TP.Vinh, sát cạnh trường ĐH Vinh). Chỉ đến đây mới thấy con đường thực sự là “đại bản doanh”, “thế giới” của hiệu cầm đồ.

Chỉ chưa đầy 1km nhưng tuyến đường này tập trung hàng chục hiệu cầm đồ. Và nó được xem là “phố Wall” phục vụ nhu cầu tài chính, cầm cố tài sản vay tiền, trong đó đối tượng chủ yếu là học sinh sinh viên Đại học Vinh.

Vào tiệm cầm đồ T.H, số 59 đường Bạch Liêu, trước tiệm, biển hiệu ghi rõ “cầm đồ, sim thẻ sinh viên, mua bán đồ cũ”. Đây là một hình thức cầm đồ công khai dành cho mọi đối tượng có nhu cầu. Khi được trình bày rằng muốn “cắm” thẻ sinh viên, một phụ nữ tự xưng chủ tiệm lập tức yêu cầu chúng tôi cho xem các giấy tờ tùy thân. Chị ta cũng từ chối khi khẳng định tiệm không nhận cắm những thẻ sinh viên năm cuối, chúng tôi chỉ có thể vay tiền nếu như mượn được chứng minh nhân dân và thẻ sinh viên năm 1, 2, 3 của trường ĐH Vinh.

Tiếp tục tìm đến tiệm A.H (số 1 Nguyễn Kiệm, giao với đường Bạch Liêu). Chúng tôi chỉ yêu cầu muốn cắm chứng minh nhân dân và bằng lái xe để lấy 3 triệu đồng. Chủ tiệm tên H, là một thanh niên vóc người thấp đậm lắc đầu và bảo rằng ở đây chỉ nhận cắm thẻ sinh viên cùng chứng minh thư. Tỏ ra đang bí, tôi khẩn khoản:

- Bọn em là sinh viên năm 4, mà thẻ năm 4 các anh có nhận đâu. Em đang cần tiền gấp, anh có thể châm chước được không ạ!

- Thế cắm bao giờ lấy?

- Chỉ vài ngày thôi ạ! Em đang cần gấp, mà năm cuối nhưng đã tốt nghiệp đâu, bọn em cũng cần để thi, để tốt nghiệp chứ ạ!

- Năm 4 bọn anh bỏ hơn năm nay rồi. Không dấu gì em, hơn trăm trường hợp anh còn ghi vào sổ chưa xử lí xong đây. (Nói đoạn, người đàn ông này đưa ra một quyển sổ có đầy đủ danh sách những người cắm cho chúng tôi xem)

- Thế này nhá, em sẽ để lại chứng minh bạn em cùng thẻ sinh viên, anh có thể cho em vay 3 triệu được không?

- Không được em ạ! Em để lại chứng minh (CMND - PV) của em cùng chứng minh và thẻ sinh viên của bạn em anh sẽ cho vay 2 triệu.

- Thế thì không đủ rồi anh ơi, anh có thể cho em vay thêm được không ạ, em sẽ để chứng minh và bằng lái xe của em lại.

- Không được em ạ, đều nằm trong khung giá cả rồi, anh chỉ nhận 2 chứng minh và thẻ sinh viên của bọn em mà thôi.

Sau khi mặc cả, H. xem thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân cậu bạn tôi, mắt nhìn vật tín chấp còn tay gõ nhoay nhoáy tên miền Internet trường học vào máy tính. Sau khi điền thông tin sinh viên và mật khẩu, trên màn hình hiện ra đầy đủ thông tin và bảng điểm học tập (của bạn tôi). Lúc ấy, anh chủ tiệm mới ra vẻ tin tưởng đưa cho chúng tôi một tờ giấy cam kết yêu cầu điền đầy đủ thông tin, họ tên, lớp, trường, số điện thoại, quê quán và thông tin của người cùng vay là tôi. Xong xuôi, chúng tôi nhận được 2 triệu đồng một cách nhanh chóng với số lãi suất 10.000 đồng/ngày mà không có giấy tờ nào đi kèm. Với thời hạn tín chấp giấy tờ là 30/4, tất nhiên trả sớm ngày nào thì tốt ngày đó. Tính ra 1 tháng chúng tôi phải trả 300.000 đồng lãi suất cho 2 triệu đồng đã vay. 

 Anh H. chủ tiệm A.H cho biết, suốt 8 năm làm nghề thì hầu hết đều là trường hợp các cô cậu sinh viên ghé tới tiệm để cắm. Và tiệm chỉ nhận các trường hợp của ĐH. Vinh bởi nằm trong “phạm vi quản lý”.

Ngoài ra tiệm còn nhận cắm thêm các đồ dùng của sinh viên như điện thoại, xe máy, laptop… thủ tục dễ dàng và lãi suất thấp. Giải thích về sự khác nhau về số lãi, anh Hoan cho biết: “Hoạt động tín chấp là cho vay với độ rủi ro cao, rất dễ bị mất. Còn với vay thế chấp là vay có tài sản đảm bảo bởi vậy tính mức lãi cũng hoàn toàn khác nhau. Ở đây hầu như tiệm nào cũng tính như vậy. Nếu vật sở hữu thuộc chính chủ tiền lãi sẽ tính khác, và nếu là khách quen, tiền lãi cũng sẽ được tính khác”.

Không chỉ các tiệm hoạt động công khai, các hình thức tín chấp thẻ để cho sinh viên vay tiền còn được núp dưới bóng các tiệm cầm đồ, quán cafe, quán game… Hễ sinh viên khó liền có chỗ để vay nhanh chóng với thủ tục đơn giản. Những nơi ấy trở thành “cứu cánh” cho các bạn trẻ những lúc túng thiếu.

Tốt vay - dày nợ

Tiếp xúc với một số sinh viên trường ĐH.Vinh, chúng tôi nhận thấy rằng việc “cắm thẻ” những lúc túng thiếu đối với sinh viên là chuyện rất đỗi bình thường. Hay nói cách khác là “chưa cắm thẻ chưa có vẻ là sinh viên”.

Bạn N.Q.T (sinh viên ĐH.Vinh) cho biết: Các tiệm cầm đồ “được mùa” nhất là vào thời điểm sắp kết thúc học kỳ, mùa bóng đá, tết nhất. Bởi những thời điểm đó, sinh viên túng nhất.

Sở dĩ tấm thẻ sinh viên được ưa chuộng và trở thành một tín vật có giá như vậy là vì không có nó, sinh viên không thể đi thi hoặc xin bất cứ giấy tờ nào của nhà trường. Nếu quá hạn, sinh viên vẫn chưa đến trả tiền gốc lẫn lãi, người của tiệm cầm đồ sẽ theo tên lớp và chẳng “trai thanh gái lịch” nào mong muốn điều này.  

Tìm hiểu nhiều bạn trẻ khác chúng tôi được cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cắm” thẻ sinh viên tràn lan là những góc khuất tiêu cực trong cách sống của một bộ phận sinh viên sau giờ lên giảng đường. Những trò lô đề, cá độ, games; những cuộc vui thâu đêm, phù phiếm đều dẫn đến một cái "đích" là “cắm quán” vay tiền. Trong khi đó, việc cầm cố, tín chấp vay tiền rất gọn nhẹ đơn giản nên nhiều sinh viên “nhắm mắt đưa chân”. Đáng buồn cho những tấm thẻ sinh viên hiếm khi có thời gian “nghỉ ngơi” mà chủ yếu quay vòng trong các quán tín chấp, cầm cố.

Lý giải về việc chủ hiệu yêu cầu người vay phải có người bảo lãnh mới được vay khoản tiền lớn, bạn N.V.M (sinh viên ĐH Vinh) cho biết: “Hầu như tiệm cầm đồ nào cũng đều làm như vậy, để phòng khi người vay bỏ học, chạy trốn thì vẫn còn người khác chịu trách nhiệm thay”.

Bạn Đ.V.P (sinh viên ĐH Vinh) cho biết thêm: “Không phải sinh viên trường nào cũng có thể tới đây cắm thẻ được, tất cả đều được phân vùng. Ví dụ như các tiệm xung quanh trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ Anh thì chỉ nhận cắm thẻ của trường đó, Đại học Vinh, Đại học SPKT Vinh đều như vậy. Đợt trước nghe  bạn bảo ở dưới các trường Cao đẳng Việt - Hàn tiền lãi 3.000 đồng/ngày/1 triệu, em có xuống cắm thẻ, nhưng họ không nhận”.

Các tiệm cầm đồ dày đặc trên đường Bạch Liêu
Các tiệm cầm đồ dày đặc trên đoạn đường Bạch Liêu.

Hệ lụy rõ ràng nhất của thực trạng nói trên là tình trạng các đối tượng vay tiền tìm mọi cách dụ dỗ bạn bè cắm thẻ. Và lãi mẹ đẻ lãi con cứ thế gia tăng. Khi số nợ lớn không có khả năng chi trả thì chuyện bỏ học, trốn nợ là kết quả tất yếu. Giấy nợ sẽ được chủ nợ gửi về tận tay phụ huynh sinh viên và chính họ sẽ là người còng lưng vay mượn trả nợ cho con. 

Mới đây, Đội cảnh sát QLHC về TTXH - Công an TP.Vinh (Nghệ An) đã kiểm tra 2 hiệu cầm đồ ở địa bàn Hà Huy Tập với hành vi cầm cố hàng trăm thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân, và giấy phép lái xe… trái quy định với tổng số tiền gần 700 triệu đồng. 

Đây không phải trường hợp đặc biệt, mà còn rất nhiều các tiệm vẫn đang hoạt động hoặc công khai hoặc núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau. Nên chăng các cơ quan chức năng, Ban giám hiệu các trường có sự phối hợp nhằm thắt chặt tình trạng nêu trên, tránh phát sinh mất trật tự an toàn xã hội, nhất là đối với giới học sinh, sinh viên.

Thư Thư

TIN LIÊN QUAN

Tin mới