Phó chủ tịch Quốc hội: Nghị trường mở cửa đón cử tri vào xem trực tiếp

Ông Phùng Quốc Hiển cho biết Quốc hội sẽ có nhiều đổi mới trong thời gian tới, cụ thể như: Khuyến khích tranh luận trên hội trường; truyền hình trực tiếp tất cả các phiên làm việc; mở cửa đón cử tri vào quan sát trực tiếp...

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trao đổi về vấn đề này.

- Ông nhìn nhận vấn đề đổi mới hoạt động nghị trường như thế nào?

- Quốc hội Việt Nam từ ngày tổng tuyển cử đầu tiên đến nay có “tuổi đời” 70 năm. So với lịch sử nghị viện thế giới thì chưa phải là dài, ví dụ Quốc hội Anh thành lập từ năm 1707, Quốc hội Nhật Bản năm 1889…, nghĩa là hàng trăm năm.

Chúng ta đổi mới hoạt động nghị trường trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, quan trọng là đúc rút bài học từ các khoá trước để làm sao Quốc hội thực hiện ngày càng tốt hơn sứ mệnh của mình trên các lĩnh vực: lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt là Quốc hội phải đi đến cùng trong giám sát, để buộc các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm ý chí của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Muốn làm được điều đó, suy cho cùng Quốc hội phải huy động được trí tuệ của các đại biểu, các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia và toàn dân. Ngoài ra, đổi mới hoạt động nghị trường phải theo hướng công khai, minh bạch, vì Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân thì dân phải biết.

Ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh Quốc hội phải huy động được trí tuệ của toàn dân. Ảnh: Q.H

Ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh Quốc hội phải huy động được trí tuệ của toàn dân. Ảnh: Q.H

- Với ý tưởng về một nghị trường minh bạch, toà nhà Quốc hội Đức được thiết kế mài vòm trong suốt, cử tri cũng như du khách đến đây đều có thể nhìn thấy phòng họp chính. Ông nghĩ sao về ý tưởng để cử tri Việt Nam cũng có thể vào quan sát các phiên họp của Quốc hội?

- Trong thập niên 1990, Quốc hội cho truyền hình trực tiếp phiên chất vấn đã là một sự đổi mới to lớn, sau đó là truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận về kinh tế-xã hội và một số nội dung quan trọng khác. 

Thời gian tới, ngoại trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước, còn lại sẽ truyền hình trực tiếp tất cả các phiên làm việc của Quốc hội để cử tri theo dõi. Và tất nhiên, Quốc hội sẽ mở cửa đón cử tri vào quan sát các phiên làm việc. Tại sao không? Tất nhiên là cử tri khi vào, ngồi trở tầng trên quan sát xuống hội trường Diên Hồng-phòng họp chính của toà nhà Quốc hội, thì phải đảm bảo an ninh, trật tự.

- Theo ông, để tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội cần tiến hành những công việc cụ thể nào?

- Có rất nhiều công việc phải tiến hành đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài. Một trong những bước quan trọng hiện nay là nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của hội đồng dân tộc và các uỷ ban. Ví dụ, dự án luật Chính phủ trình ra, Quốc hội sẽ xem xét nhưng cơ quan nào sẽ giúp cho Quốc hội thẩm tra và cung cấp các dữ liệu để thảo luận, đó chính là những công việc trong phòng họp của các uỷ ban.

Một việc khác là cải tiến cách thức thảo luận trên nghị trường. Thông thường các đại biểu nêu ý kiến “một chiều”, ít ai trao đổi hay phản biện, trong khi nếu có tranh luận thì mới làm sáng tỏ vấn đề, làm rõ đúng sai.

Quốc hội khuyến khích tranh luận trên hội trường. Ảnh: Giang Huy

Quốc hội khuyến khích tranh luận trên hội trường. Ảnh: Giang Huy

Đại biểu sẽ "giơ biển xin tranh luận"

- Là Phó chủ tịch Quốc hội, trong điều hành các phiên làm việc trên nghị trường ở lĩnh vực ông phụ trách, ông sẽ tạo điều kiện cho đại biểu tranh luận?

- Tất nhiên. Có tranh luận giữa các đại biểu với nhau, giữa đại biểu với thành viên Chính phủ, và các bộ trưởng có quyền trao đổi, giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm, vì không phải cứ đại biểu Quốc hội nói là đúng hết. Tranh luận để làm rõ vấn đề, có thể còn ý kiến khác nhau thì Quốc hội đi đến đồng thuận và thể hiện ý chí đa số bằng biểu quyết. Đây là một vấn đề mà tôi cho hết sức quan trọng. Tranh luận công khai, nói hết ý kiến, đi đến cùng vấn đề, nhưng phải đảm bảo văn hoá nghị trường, văn hoá tranh luận, mang tính xây dựng, ý kiến không vì lợi ích cá nhân.

- Dự kiến, ngoài việc đăng ký phát biểu bằng ấn nút điện tử, đại biểu có thể giơ biểu xin tranh luận. Ông có thể cho biết thêm thông tin về việc này?

- Trong phiên làm việc của Quốc hội, vì nút bấm điện tử như nhau, nên chủ toạ ngồi trên không biết đại biểu đăng ký phát biểu bình thường hay tranh luận. Do vậy, có đề xuất là bên cạnh nút bấm thì thiết kế thêm một tấm biển xin tranh luận.

Hiện Tổng thư ký Quốc hội đã cho làm các tấm biển đó rồi, ghi rõ số ghế ngồi của đại biểu, để khi đại biểu giơ lên chủ toạ sẽ nhận biết đó là người muốn tham gia tranh luận. Trên đoàn chủ tịch trong lúc điều hành phiên họp sẽ hài hoà giữa các phát biểu bình thường và ý kiến tranh luận, sao cho phiên làm việc sâu hơn.

- Lâu nay đại biểu chỉ bấm nút đăng ký phát biểu bình thường, nay thêm phần tranh luận, liệu có ảnh hưởng đến thời gian làm việc của Quốc hội?

- Kỳ họp lần này đã nâng thời gian phát biểu kinh tế-xã hội từ một ngày lên hai ngày, thảo luận về ngân sách trước đây nửa ngày lên một ngày.

Ở đây có một vấn đề, đã là đại biểu Quốc hội thì phải thể hiện chính kiến của mình và được quyền thể hiện chính kiến đó. Nhưng trong phiên họp, tôi đã đăng ký phát biểu mà đến lượt tôi thì hết giờ, giải quyết ra sao? Có thể kéo dài thời gian làm việc được không? Ví dụ phiên làm việc buổi chiều thường kết thúc lúc 17h, nếu quá giờ vẫn còn đại biểu bấm nút, giơ biển thì Quốc hội tiếp tục làm việc cho đến hết ý kiến mới nghỉ.

Hiện còn nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề trên. Ở nhiều nước, Quốc hội họp đến 11h, 12h đêm là bình thường. Ví dụ tôi vừa đi Phần Lan, Quốc hội chuẩn bị thông qua nghị quyết về ngân sách, họp từ 9h sáng, dự kiến đến 10h đêm mới xong.

Hỏi tại sao lâu vậy thì họ giải thích nội dung này “chắc chắn là bàn bạc nhiều, họp đến bao giờ hết ý kiến thì thôi”. Nghĩa là họp đến hết việc chứ không phải hết giờ. Quốc hội có thể nghỉ sớm hoặc nghỉ muộn, điều quan trọng là các công việc đặt lên bàn nghị sự được giải quyết triệt để, đi đến thống nhất cao.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới