Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu chỉ đạo cứu lúa tại Hưng Nguyên và Nghi Lộc

(Baonghean.vn) - Ngày 18/7, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình hạn hán, chỉ đạo các phương án chống hạn, cứu lúa tại Hưng Nguyên và Nghi Lộc. Đây là hai địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất do nắng nóng kéo dài.

Nắng nóng kéo dài từ hơn 2 tháng qua đã làm nhiều diện tích lúa ở Hưng Nguyên chết héo. Ảnh: Phú Hương
Nắng nóng kéo dài từ hơn 2 tháng qua đã làm nhiều diện tích lúa ở huyện Hưng Nguyên chết héo. Ảnh: Phú Hương

Trên 11.000 ha cây trồng bị hạn

Báo cáo của địa phương cho thấy, tính đến ngày 17/7, huyện Nghi Lộc đã có gần 3.000 ha lúa bị hạn, trong đó gần 900 ha hạn nặng, đang có dấu hiệu chết cháy; dự kiến nếu 10 ngày tới không có mưa, toàn bộ 5.590 ha lúa của Nghi Lộc sẽ không có nước để tưới, trong đó 3.000 ha có khả năng bị chết.

Tại Hưng Nguyên, hiện đã có 1.500 ha lúa bị hạn, trong đó 800 hạn nặng, 400 ha có nguy cơ chết cháy.

Người dân xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) lắp đặt trạm bơm dã chiến cứu lúa. Ảnh: Phú Hương
Người dân xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) lắp đặt trạm bơm dã chiến cứu lúa. Ảnh: Phú Hương

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, đến thời điểm này tổng diện tích các loại cây trồng bị hạn, thiếu nước của Nghệ An đã lên tới trên 11.213 ha, trong đó, diện tích lúa hơn 8.972 ha (5.554 ha hạn nặng); cây rau màu các loại 1.562 ha, cây chè 298 ha và 381 ha cây ăn quả.

Hiện tại Nghệ An đang ở thời điểm nắng nóng gay gắt và khốc liệt, diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn đang tăng lên từng ngày, đặc biệt là cây lúa. 

Trạm bơm Hưng Châu tập trung bơm nước tưới cứu lúa, chống hạn. Ảnh: Phú Hương
Trạm bơm Hưng Châu tập trung bơm nước tưới cứu lúa, chống hạn. Ảnh: Phú Hương

Tưới luân phiên, dành nước cho địa phương vùng cuối nguồn  

Qua kiểm tra thực tế tại hai địa phương, chỉ đạo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh: Quan trọng nhất hiện nay là tạo được nguồn nước bằng các bara đầu vào và điều tiết nguồn nước từ các thủy điện. Công ty Thủy lợi Nam phải phân công trực 24/24 để mở cửa đón nước tạo nguồn khi nước lên cũng như chặn lại, giữ nước khi nước xuống.
Kênh dẫn nước của Trạm bơm số 1 Nghi Phương (Nghi Lộc) gần như khô cạn vì không có nguồn nước trên sông Khe Cái đã cạn từ đầu vụ. Ảnh: Phú Hương
Kênh dẫn nước của Trạm bơm số 1 Nghi Phương (Nghi Lộc) gần như khô cạn vì nguồn nước trên sông Khe Cái đã cạn từ đầu vụ. Ảnh: Phú Hương

Đồng thời, rà soát các trạm bơm để có giải pháp tạo nguồn nước phục vụ tưới tiêu, tích cực tưới nếu có nguồn nước; phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương, huy động các máy bơm dã chiến để bơm tưới cứu các diện tích lúa đang bị khô hạn. Tập trung nạo vét, khơi thông các dòng chảy để các trạm bơm hoạt động hiệu quả cứu lúa.

Nghi Lộc tập trung nạo vét kênh mương để tăng khả năng dẫn nước. Ảnh: Phú Hương
Nghi Lộc tập trung nạo vét kênh mương để tăng khả năng dẫn nước. Ảnh: Phú Hương

 “Phương án tối ưu nhất hiện nay là tưới luân phiên, ưu tiên những diện tích lúa cần được cứu và đang cứu được trước, đồng thời dành nước cho các địa phương vùng cuối nguồn hệ thống” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ và giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, họp bàn các huyện để tính toán phương án, thực hiện tưới luân phiên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng bàn bạc phương án bơm tưới tại Trạm bơm số 17, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). Ảnh: Phú Hương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo ngành Thủy lợi bàn phương án bơm tưới tại Trạm bơm số 17, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). Ảnh: Phú Hương

Theo đó, có thể ưu tiên Nghi Lộc bơm trước, sau đó đến Hưng Nguyên và Nam Đàn. Tuy nhiên phải phân tích và trao đổi để tạo sự thống nhất và đồng thuận trong điều kiện địa phương, người dân nào cũng cần và muốn có nước tưới trước. 

Đầu tuần tới, UBND tỉnh sẽ chủ trì, họp bàn với các địa phương trong toàn tỉnh để thống nhất phương án chống hạn cho cây trồng trong thời điểm nắng nóng hiện nay.

Tin mới