Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nghệ An: Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến khó lường

(Baonghean) - Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, có xu hướng phát sinh ra nhiều xã, huyện trong tỉnh. Xung quanh vấn đề phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, PV Báo Nghệ An phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT về những giải pháp phòng chống.
P.V: Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang có những diễn biến rất phức tạp. Tình hình hiện nay trên địa bàn tỉnh như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Lập: Từ ổ dịch được phát hiện đầu tiên tại một hộ chăn nuôi ở xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu vào ngày 12/3, đến  ngày 19/ 5, trên địa bàn Nghệ An đã có 11 địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, bao gồm: Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Nam Đàn, Đô Lương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, T.X Hoàng Mai, Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên. Dịch bệnh  có xu hướng phát sinh ra nhiều xã, huyện trong tỉnh.
Trong chiều 15/5, xã Sơn Hải đã lập các chốt kiểm dịch trên địa bàn thôn 3. Trước đó huyện Quỳnh Lưu đã công bố hết dịch khi ổ dịch tại 2 xã Quỳnh Mỹ và Quỳnh Hưng được khống chế vào cuối tháng 4.
Trong chiều 15/5, xã Sơn Hải đã lập các chốt kiểm dịch trên địa bàn thôn 3. Trước đó huyện Quỳnh Lưu đã công bố hết dịch khi ổ dịch tại 2 xã Quỳnh Mỹ và Quỳnh Hưng được khống chế vào cuối tháng 4. Ảnh: Xuân Hoàng
P.V: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng dịch bệnh lan rộng như hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Lập: Trước hết, do việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn bị nhiễm mầm bệnh từ ngoài tỉnh về các điểm thu gom, buôn bán sau đó bán lại cho các hộ dân để giết mổ nhỏ lẻ. Các huyện xuất hiện dịch đầu tiên đều nằm trên QL 1A, tiếp giáp với Thanh Hóa là địa phương đang có dịch. 
Ngành chăn nuôi của Nghệ An chủ yếu nhỏ lẻ, rất khó áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học. Đa số hộ dân chưa tuân thủ đầy đủ quy trình phòng bệnh; khử trùng môi trường chăn nuôi, dụng cụ, phương tiện chưa triệt để; còn gom thức ăn thừa cho lợn ăn chưa qua xử lý nhiệt. Khâu giết mổ chưa được kiểm soát, còn phổ biến tình trạng người dân tự mổ, bán thịt lợn không qua kiểm soát của cơ quan Thú y, không có dấu kiểm soát giết mổ…
Thịt lợn không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y được bày bán ở nhiều chợ tại các vùng đang có dịch. Ảnh: Việt Hùng
Thịt lợn không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y được bày bán ở nhiều chợ tại các vùng đang có dịch. Ảnh: Việt Hùng
P.V: Vậy ông có nhận định như thế nào về tình hình trong thời gian sắp tới?
Ông Nguyễn Văn Lập: Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, giáp với nhiều tỉnh bạn và nước Lào, có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, nhiều đường mòn, lối mở; hoạt động giao thương buôn bán động vật, sản phẩm động vật thường xuyên. 
Trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, đan xen trong các khu dân cư; các hộ chăn nuôi thường sử dụng thức ăn thừa từ nhà hàng, khách sạn chưa qua nấu chín cho lợn ăn. Đây đều là những nguy cơ khiến dịch bệnh xảy ra và lan rộng. 
Thời gian qua, dịch bệnh xảy ra nhỏ lẻ tại các hộ gia đình, gia trại quy mô nhỏ, dịch có xu hướng “nhảy cóc”, phát tán ra nhiều huyện trong tỉnh. Diễn biến dịch bệnh rất khó lường, không theo quy luật nhất định.
Vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc là một trong những nguyên nhân lây lan dịch. Ảnh: Quang An
Vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc là một trong những nguyên nhân lây lan dịch. Ảnh: Quang An
Hiện thời tiết diễn biến bất lợi, mưa ẩm, nắng nóng tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh, phát triển. Do đó, nguy cơ DTLCP xảy ra diện rộng  rất cao.
Trong khi đó, trong phòng chống dịch, hiện có rất nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa bố trí kinh phí hoặc bố trí rất ít cho công tác phòng, chống dịch như Tân Kỳ, Đô Lương, Hoàng Mai, Tương Dương…
Nhiều hộ chăn nuôi còn lơ là, chủ quan chưa chủ động phòng, chống dịch, chưa quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Công tác quản lý các điểm thu gom lợn, tắm lợn, giết mổ trên địa bàn còn hạn chế. Tình trạng giết mổ nhỏ lẻ tại các địa điểm không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm lợn vỉa hè, bán rong, không có dấu kiểm soát giết mổ còn phổ biến.
Một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, vì lợi ích trước mắt không khai báo khi có dịch bệnh, gọi thương lái để bán, vận chuyển, nguy cơ lây lan dịch bệnh.
P.V: Như vậy, các cấp, ngành cần có những giải pháp tích cực như thế nào để hạn chế sự lây lan của DTLCP trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Lập: Ở cấp tỉnh, cần duy trì hoạt động của trạm/chốt kiểm dịch, Tổ công tác liên ngành để kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm; thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các trang trại chăn nuôi xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. 
Các huyện căn cứ vào tình hình dịch bệnh, tình hình chăn nuôi, nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn để xem xét thành lập đoàn liên ngành, chốt kiểm dịch tạm thời. Chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành phối hợp với các xã tổ chức giám sát, phát hiện sớm, báo cáo, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh trên động vật. 
Trường hợp lợn chết không rõ nguyên nhân, lợn nghi mắc bệnh có các triệu chứng của bệnh DTLCP phải nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm. Đảm bảo nghiêm về an toàn sinh học trong công tác lấy mẫu, tiêu hủy, phòng chống dịch tránh lây lan dịch bệnh.
Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các biện pháp ngặn chặn lây lan dịch. Ảnh: Quang An
Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc đồng bộ các biện pháp ngăn chặn lây lan dịch. Ảnh: Quang An
Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm của lợn, các điểm thu gom, tắm lợn... trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán thịt lợn và các sản phẩm lợn vỉa hè, bán rong; buôn bán các sản phẩm thịt không có dấu kiểm soát giết mổ; giết mổ nhỏ lẻ tại những địa điểm không đủ điều kiện vệ sinh thú y, ATTP, không có cán bộ thú y thực hiện việc kiểm soát giết mổ. 
Các địa phương hướng dẫn cơ sở các biện pháp thu gom, xử lý chất thải, phun khử trùng tiêu độc. Các xã phải rà soát, thống kê tổng đàn lợn, nắm lại danh sách các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi trên địa bàn; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất, cũng như tuyên truyền người dân không mua bán lợn, sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch để hạn chế phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Những huyện có dịch, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; chủ động cấp kinh phí từ nguồn dự trữ phòng, chống dịch của địa phương, đảm bảo nguồn lực để triển khai đồng bộ các giải pháp, phòng chống dịch. 
P.V: Xin cảm ơn ông!
Bản đồ vùng dịch ở Nghệ An tính đến ngày 20/5/2019. Đồ họa: Lâm Tùng
Bản đồ vùng dịch ở Nghệ An tính đến ngày 20/5/2019. Đồ họa: Lâm Tùng

Tin mới