Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành Giáo dục phải xóa bỏ các tiêu chuẩn mang tính hình thức

(Baonghean.vn) -  Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 diễn ra sáng 21/8 ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo ngành Giáo dục phải đổi mới, xóa bỏ các loại tiêu chuẩn mang tính hình thức; việc tổ chức các phong trào thi đua phải thiết thực.

Năm học 2016-2017 toàn ngành Giáo dục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Qua thực hiện, những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra đã có tác động sâu rộng đến nhận thức cũng như hành động của toàn ngành, tạo nên những bước chuyển biến tích cực.

Đồng chí PCT Lê Minh Thông tặng Bẳng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà
Trao Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Sáng 21/8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết năm học 2016 - 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018.  

Đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu Nghệ An.

Tuy nhiên, việc triển khai 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp trong năm học 2016 - 2017 cũng còn bộc lộc một số hạn chế như: Quy hoạch mạng lưới chậm được triển khai, còn nhiều bất cập; tình trạng thiếu trường, lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn phổ biến; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết; năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ quản lý trường học chưa đảm bảo; chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; số sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Giáo dục cần phải quan tâm tất cả các cấp học, chú trọng từ cấp mầm non để giáo dục việc dạy người, dạy nhân văn cho học sinh. Phải đổi mới, xóa bỏ các loại tiêu chuẩn theo tính hình thức...Việc tổ chức các phong trào thi đua phải mang tính thiết thực, không chạy theo phong trào, thiếu hiệu quả.

Giờ học của học sinh Trường THCS Quang Trung - Thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học của học sinh Trường THCS Quang Trung - Thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Quá trình thực hiện phải tăng cường tính tự chủ xuống từng bộ môn, từng giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải bỏ những quy định cứng nhắc, chủ yếu để phát sinh tiêu cực chứ không phải là tích cực và Bộ phải là đơn vị tiên phong.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới. Để làm tốt vấn đề này, các Sở phải cho ý kiến về thực trạng ở các địa phương để xây dựng chương trình thích hợp. Quá trình triển khai phải đặt yếu tố chất lượng lên trên hết. Trước mắt, cần chuyển tinh thần đổi mới xuống từng giáo viên, nếu người thầy không chịu đổi mới thì học sinh sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Về việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm bàn với Bộ Nội vụ để đưa ra phương án giải quyết và cần có kế hoạch bồi dưỡng, chuyển đổi giáo viên.

Các đại biểu tại đầu cầu Nghệ An tham dự hội nghị trực tuyến. Ảnh: Mỹ Hà
Các đại biểu tại đầu cầu Nghệ An tham dự hội nghị trực tuyến. Ảnh: Mỹ Hà

Bộ Giáo dục và Đào tạo  cũng cần phải có nhiều đổi mới về “kỹ thuật” trong việc triển khai các kỳ thi, đặc biệt là về đề thi. Trên tinh thần vì học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải làm việc với các trường để xem xét có nên tổ chức các bài thi tổ hợp để tránh mệt mỏi cho học sinh.

Dịp này, 18 Sở Giáo dục và Đào tạo, trong đó có Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc các tiêu chí.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi đã chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp việc tìm kiếm, đào tạo học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An sẽ tiếp tục chỉ đạo dạy học để triển khai chương trình phổ thông mới; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, để các nhà trường và địa phương chủ động xây dựng chương trình năm học phù hợp thực tiễn; rà soát lại mạng lưới trường lớp, đặc biệt là mạng lưới các trường trọng điểm mà đầu tàu là trường THPT chuyên Phan Bội Châu; tăng cường bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và chương trình giáo dục phổ thông tổng thể...

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới