Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việc gì muốn người dân làm thì cấp cao nhất phải gương mẫu làm trước

(Baonghean.vn) - Phát biểu tại hội nghị sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Những việc gì muốn người dân và doanh nghiệp làm thì cấp cao nhất là Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương phải làm trước và yêu cầu cải cách hành chính phải được làm thực chất vì người dân và doanh nghiệp.
Chiều 30/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước về sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia và công bố dịch công trực tuyến 2.700. Tham gia tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ở điểm cầu Nghệ An do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa chủ trì.
Chiều 30/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước nhằm sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia và công bố dịch công trực tuyến 2.700. Tham gia tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Mai Hoa

Có 2.700 dịch vụ được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Cổng Dịch vụ công Quốc gia được khai trương và đưa vào vận hành chính thức vào ngày 9/12/2019. Kết quả sau 1 năm vận hành, từ 8 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp tại thời điểm khai trương; đến nay, số thủ tục hành chính đã được các bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là 2.700, đạt 39% so với tổng số thủ tục hành chính của cả nước.

Đặc biệt trong năm 2020, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã nỗ lực tích hợp đưa các dịch vụ công thiết yếu, có số lượng đối tượng tuân thủ lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến đánh giá chỉ số môi trường kinh doanh lên cổng dịch vụ trực tuyến như đổi giấy phép lái xe; chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; liên thông kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe ô tô...

Các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tại điểm cầu Nghệ An do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa chủ trì. Ảnh: Mai Hoa
Tại điểm cầu Nghệ An do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa chủ trì. Ảnh: Mai Hoa

Hệ thống thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt được 54/63 tỉnh, thành và 14 bộ, ngành, cơ quan kết nối trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia với 6 nhóm dịch vụ:

Gồm phí, lệ phí dịch vụ hành chính công; thuế cá nhân, doanh nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân và tổ chức sử dụng lao động; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; thanh toán tiền điện; thanh toán tạm ứng án phí.

Ngoài chức năng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn tư vấn, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tìm kiếm thông tin; đồng thời tiếp thu phản ánh của nhân dân, doanh nghiệp vào việc điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương thông qua các dịch vụ công trực tiếp.

Việc gì muốn dân làm thì cấp cao nhất phải làm trước

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong việc thúc đẩy hiệu quả vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong vòng 1 năm qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến không chỉ tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp mà điều quan trọng là làm minh bạch hóa, công khai hóa các hoạt động của Chính phủ trước nhân dân; thông qua đó tiếp nhận đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp nhằm xây dựng chính phủ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; tạo ra cơ hội thụ hưởng dịch vụ công bình đẳng của mỗi người dân, doanh nghiệp, hạn chế phát sinh tiêu cực của cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước.

Mặt khác, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến là chỉ số quan trọng trong xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia và trụ cột quan trọng trong xếp hạng chính phủ điện tử trên thế giới và hướng tới xây dựng chính phủ số, quốc gia số.

Bởi vậy, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương cần tiếp tục thể hiện quyết tâm, nỗ lực mạnh mẽ, bổ sung, cung cấp thêm các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; không chỉ dừng lại ở con số 2.700 dịch vụ; đồng thời tiếp tục hoàn thiện, tích hợp trong 2.700 dịch vụ công đã được thực hiện, đảm bảo đơn giản, hiệu quả hơn, nhất là các dịch vụ công đang có những vấn đề phát sinh.

Muốn vậy, các bộ, ngành và địa phương cần thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu quan trọng của đất nước và dữ liệu của từng bộ, ngành, địa phương; thúc đẩy việc hoàn thành các công cụ thực hiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt.

Cùng với đó là cần phải xây dựng môi trường điện tử, lan tỏa việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, triệt để hơn trong mọi “ngóc ngách” của đời sống trong toàn xã hội, để mọi người dân có thói quen sử dụng, ứng dụng điện tử, từ các dịch vụ mua - bán, đọc báo...

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, những việc gì muốn người dân và doanh nghiệp làm thì cấp cao nhất là Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương phải làm trước và yêu cầu cải cách hành chính phải được làm thực chất vì người dân và doanh nghiệp.

Tin mới