Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tham nhũng vặt nhưng hậu quả không vặt chút nào

(Baonghean.vn) - Trả lời ý kiến của đại biểu về giải pháp chống tham nhũng vặt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Tuy là tham nhũng vặt nhưng hậu quả không vặt chút nào và nêu lên một loạt các giải pháp của Chính phủ trong lĩnh vực này.
Chiều 15/8, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên thảo luận. Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 15/8, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên thảo luận. Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phiên chất vấn được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu cả nước. Tại điểm cầu Nghệ An đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Cùng dự có đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Kiên quyết phòng, chống tham nhũng vặt

Đề cập đến công tác phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, bên cạnh đấu tranh những đại án về kinh tế, tham nhũng, thì chủ trương của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đều nhấn mạnh vấn đề phòng, chống tham nhũng vặt. 

Tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc trong dư luận nhân dân, liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức. Tuy là tham nhũng vặt nhưng hậu quả không vặt chút nào. Hệ lụy của tham nhũng vặt là làm băng hoại đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ; làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức.

Vì vậy, thực hiện chủ trương của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra rất nhiều giải pháp gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về quản lý kinh tế, đảm bảo thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo để tránh tùy tiện trong thực thi pháp luật; hoàn thiện các quy định về quy chế, quy trình trong trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh minh họa: Cafef.vn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Cf

Chính phủ cũng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, phấn đấu cung cấp dịch vụ công mức độ 4; gắn với đó là kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, nhất là các ngành rủi ro; nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện truyền thông trong lĩnh vực này.

Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và cũng đã tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề này. Với các giải pháp chỉ ra, Phó Thủ tướng tin tưởng, trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng vặt sẽ có nhiều chuyển biến.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn có 35 đại biểu đặt câu hỏi, 3 lượt đại biểu tranh luận, có 14 Bộ trưởng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo và trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số nội dung chất vấn. 

Theo dõi, giám sát đến cùng các nội dung đã được giám sát

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát lại các vấn đề đã được giám sát, chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng các nội dung đã được giám sát. 

Phiên chất vấn cũng là cơ hội để các thành viên Chính phủ báo cáo, giải trình, làm rõ những nội dung, vấn đề còn tồn tại, hạn chế và đề xuất những chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Điều này hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực để hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Ảnh VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các Bộ trưởng đã dành thời gian quan tâm chuẩn bị khá kỹ vấn đề cho việc trả lời chất vấn, cơ bản nắm chắc và toàn diện những vấn đề của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn nhận trách nhiệm, nêu được nguyên nhân khách quan, chủ quan và đặc biệt nêu giải pháp thực hiện trong thời gian tới. 

Bức tranh tổng thể trong việc triển khai các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện các nghị quyết giám sát, các kết luận chất vấn có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn thấy rằng, còn nhiều nội dung, nhiều chỉ tiêu, yêu cầu chưa đạt, chưa giải quyết dứt điểm, hoặc còn khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp căn cơ để triển khai, khắc phục.

Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Tin mới