Phó Tổng thống Mỹ gánh trách nhiệm thay ông Trump tại châu Âu?

(Baonghean) - Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy chuyến thăm một số nước châu Âu vào cuối tuần trước vì các lý do khác nhau, Phó Tổng thống Mike Pence đã được chỉ định thực hiện nhiệm vụ này.

Không chỉ đến Ba Lan thay ông Trump như dự kiến, ông Pence còn có kế hoạch thăm loạt 3 nước là Ireland, Anh và cả Iceland từ ngày 3 - 7/9. Dễ thấy, trọng trách của Phó Tổng thống Mỹ không hề dễ dàng với loạt vấn đề phải bàn thảo như hỗ trợ Anh trong vấn đề Brexit hay xử lý êm “chiến lược Bắc Cực” nhiều tranh cãi.

MỀM NẮN - RẮN BUÔNG

Đã có một sự thay đổi nhỏ về lịch trình sau khi Phó Tổng thống Mike Pence kết thúc chuyến thăm Ba Lan vào cuối tuần trước. Người ta đã thấy ông và phái đoàn hạ cánh xuống sân bay Shannon của Ireland và dự kiến có các cuộc gặp với Thủ tướng và Tổng thống của nước này. Điều này có nghĩa, ông Pence đã đẩy chuyến thăm Ireland lên trước 2 điểm đến còn lại là Anh và Iceland. Tất nhiên, nội dung trọng tâm tại cả Anh và Ireland chắc chắn sẽ là Brexit và một lối thoát dễ chịu nhất để Anh có thể rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong êm đẹp. Trong đó, Mỹ có thể sẽ hỗ trợ những gì, chứ không chỉ là một Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước hậu Brexit mà Tổng thống Donald Trump đã hứa với chính quyền Anh.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và chuyến thăm châu Âu nhiều trọng trách. Nguồn: Reuters
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và chuyến thăm châu Âu nhiều trọng trách. Nguồn: Reuters

Cần nhắc lại, giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đến nay vẫn vướng “hòn đá tảng” là điều khoản chốt chặn trong thỏa thuận Brexit đã được nhất trí giữa EU và cựu Thủ tướng Anh Theresa May.

Tuy nhiên, đương kim Thủ tướng Anh Boris Johnson đang tìm cách đàm phán lại thỏa thuận Brexit này, đặc biệt là kế hoạch chốt chặn dự phòng nhằm tránh khả năng tái thiết lập đường biên giới cứng trên đảo Ireland, giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jeans-Claude Junker dù cho biết sẽ xem xét mọi đề xuất mà nhà lãnh đạo Anh đưa ra về vấn đề hỗ trợ Bắc Ireland, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng, sự ủng hộ của khối dành cho Cộng hòa Ireland là kiên định không thể thay đổi.

Tất nhiên, ông Mike Pence biết rõ điều này! Đây cũng là lý do ông thực hiện chuyến công du Ireland lần đầu tiên kể từ khi ông đảm nhiệm cương vị Phó Tổng thống. Nhưng điều đáng chú ý là trước khi là Phó Tổng thống, ông Pence đã ghé thăm Ireland rất nhiều lần. Đơn giản, bởi chính trị gia Mỹ này lại là người gốc Ireland và mới đây còn viết 1 dòng tweet ca ngợi quốc gia rất gần gũi trong trái tim của ông. Bởi thế, chuyến thăm lần này cũng là một dịp để ông Pence kỷ niệm và nhớ về gốc gác của mình.

Có lẽ, ngoài những biện pháp và tuyên bố cứng rắn, Phó Tổng thống Pence cũng rất biết cách sử dụng các “vũ khí mềm” như ông vẫn làm để xoa dịu các đồng minh và đối tác của Mỹ sau mỗi động thái gây tranh cãi của Tổng thống Trump. Lần này cũng vậy, không ít thì nhiều, sự gần gũi và tương đồng rất có thể sẽ giúp ông Mike Pence tìm kiếm được một giải pháp nào đó cho vấn đề Brexit vốn luôn là khúc mắc giữa Ireland và Anh!

CUỘC CHIẾN BẮC CỰC

Dư luận thời gian qua vốn đặc biệt quan tâm đến tuyên bố muốn mua đảo Greenland của Tổng thống Mỹ Donald Trump và bị Đan Mạch từ chối thẳng thừng. Cũng từ diễn biến này, quan hệ ngoại giao giữa hai đồng minh đã trở nên đặc biệt căng thẳng.

Chiến lược Bắc Cực của Mỹ là một trong những trọng tâm trong chuyến công du châu Âu của Phó Tổng thống Mike Pence. Trong ảnh: Tàu khai thác dầu của Nga ngoài khơi Bắc Cực. Nguồn: Gazprom
Chiến lược Bắc Cực của Mỹ là một trong những trọng tâm trong chuyến công du châu Âu của Phó Tổng thống Mike Pence. Trong ảnh: Tàu khai thác dầu của Nga ngoài khơi Bắc Cực. Nguồn: Gazprom

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã gọi đề xuất bán đảo Greenland là vô lý và lố bịch; còn ông Trump đã cảm thấy mình bị xúc phạm với lời chỉ trích này. Trong bối cảnh như vậy, Phó Tổng thống Mike Pence chọn thăm Iceland là điều không khó hiểu! Hai quốc gia Đan Mạch và Iceland vốn có mối quan hệ chính trị, kinh tế chặt chẽ. Không chỉ Đan Mạch, Iceland dù là quốc đảo nhỏ, dân số chỉ khoảng 350.000 người nhưng có quan hệ gần gũi với nhiều nước thuộc nhóm Bắc Âu như Thụy Điển hay Na Uy.

Vốn đã căng thẳng với Đan Mạch, chắc hẳn Mỹ cũng sẽ không thể “gây hấn” với Iceland nếu không muốn kế hoạch chiến lược của Washington tại khu vực Bắc Cực bị ảnh hưởng.

Nhìn lại từ vài năm qua, nhiệt độ toàn cầu tăng lên, hiện tượng băng tan tại Bắc Cực diễn ra ngày càng nhiều. Tất yếu, rất nhiều tiềm năng khoáng sản vốn chìm sâu dưới Bắc Cực nay đang dần được phát lộ. Các “ông lớn” như Nga hay Trung Quốc chắc chắn đã không thể ngồi yên với cuộc đua “giành phần” tại khu vực địa chiến lược này.

Cần nhắc lại, có 5 nước quanh vòng Bắc Cực gồm có Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch (qua đảo Greenland), và Mỹ (qua đảo Alaska), được hưởng những lợi ích chiến lược nhất định. Thế nhưng Mỹ cho rằng, Nga đang gia tăng hiện diện mạnh mẽ còn Trung Quốc dù “không có phần” tại Bắc Cực nhưng cũng đang tích cực xuất hiện tại đây, ảnh hưởng đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Cụ thể theo báo cáo mới đây về Chiến lược vùng Bắc Cực do Bộ Quốc phòng trình lên Quốc hội Mỹ, Nga đang thành lập các đơn vị quân sự mới, cải tạo sân bay cũ, xây căn cứ quân sự dọc bờ biển phía Bắc của nước này. Trong khi đó, Trung Quốc đã tích hợp các hoạt động kinh tế ở vùng Bắc Cực vào sáng kiến “Vành đai, con đường” của nước này.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng Ireland Leo Varadkar. Nguồn: Washington Post
 Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng Ireland Leo Varadkar. Nguồn: Washington Post

Thực tế việc tuyên bố mua đảo Greenland của Đan Mạch sát vòng Bắc Cực cũng là cách để Tổng thống Trump “đánh động” dư luận, thử phản ứng của các bên đối với khu vực địa chiến lược này. Nhưng mặt khác, Washington muốn thông qua ông Mike Pence làm “nhà thuyết khách” đến Iceland - một quốc gia thân thiết với Đan Mạch có thể vừa giảng hòa vừa tìm kiếm những đối sách để bắt tay trong cuộc chạy đua tại Bắc Cực.

Rõ ràng mục tiêu của ông Mike Pence không dễ thực hiện khi Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir đã “né tránh” cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ nhằm thể hiện sự ủng hộ với Đan Mạch. Dù lý giải là do có bài phát biểu tại Hội đồng Công đoàn Bắc Âu nhưng ai cũng hiểu, Thủ tướng Iceland chẳng muốn tự làm khó cho mình. Vì thế, cho đến khi chính quyền Washington làm rõ quan điểm về vấn đề đảo Greenland, khi đó, quan hệ giữa Mỹ và Đan Mạch cũng như với Iceland mới có thể được cải thiện. Cũng có nghĩa, chuyến đi châu Âu của Phó Tổng thống Mike Pence lần này thực tế sẽ khó có nhiều triển vọng!

Tin mới