Phó Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An: Cần quy định rõ đối tượng được miễn, giảm học phí

(Baonghean.vn) - Phát biểu góp ý vào Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/5, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền đề nghị cần quy định rất cụ thể về đối tượng thụ hưởng, điều kiện được hỗ trợ, miễn học phí.

Đối với chính sách miền giảm học phí, Dự thảo Luật quy định chính sách không phải đóng học phí, đối với người học diện phổ cập giáo dục bắt buộc (tiểu học), hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học học trong cơ sở giáo dục tư thục rất cụ thể.

Tuy nhiên, theo đại biểu đối với người học diện phổ cập gồm trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở (trừ trẻ em mầm non 5 tuổi ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo), Dự thảo Luật chỉ quy định được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định, không phân biệt loại hình công lập, tư thục và dân lập (đối với mầm non).
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thanh Loan
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thanh Loan
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, quy định này chưa rõ trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở trong các trường tư thục, dân lập có được miễn học phí hay không? trong khi bậc tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục còn bị ràng buộc điều kiện chặt hơn khi chỉ được hỗ trợ tiền đóng học phí ở địa bàn không đủ trường công lập.

Do đó, ông đề nghị cần quy định rất cụ thể về đối tượng thụ hưởng, điều kiện được hỗ trợ, mức tính... Ngoài ra, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí vì vậy cần quy định rất rõ về việc người học trong các cơ sở này được “miễn” hay được “hỗ trợ”.   

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề nghị cần ban hành nghị định hướng dẫn quy trình liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó cần làm rõ các tiêu chí về “khối lượng học tập”, về “cùng ngành nghề” để liên thông giữa các trình độ trong khung trình độ 8 bậc.

Vì các đại biểu Quốc hội băn khoăn về trường hợp học sinh học hết trung học cơ sở có được học liên thông trình độ cao đẳng? hay trường hợp người học đã học xong trình độ cao đẳng nhưng không có bằng tốt nghiệp THPT có được học liên thông thẳng lên trình độ đại học hay không?

Vì vậy, để giải quyết các băn khoăn trên, ông đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung dự thảo Nghị định hướng dẫn nội dung trên theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một tiết học ôn thi vào lớp 10 của học sinh thành phố Vinh. Ảnh tư liệu
Một tiết học ôn thi vào lớp 10 của học sinh thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh tư liệu
Về việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT, dự thảo Luật không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi, tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cần làm rõ các vấn đề trên trong Luật bởi tại Điều 34 không quy định giao các địa phương thực hiện kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhưng tại Điều 96 lại giao UBND cấp tỉnh quy định cơ chế thu và sử dụng mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học do địa phương quản lý sau khi được HĐND cấp tỉnh thông qua.

Như vậy, cần làm rõ “mức thu dịch vụ tuyển sinh” có bao gồm cả lệ phí thi THPT hay không? Mặc dù Luật không quy định về quy mô tổ chức kỳ thi nhưng lại giao cho UBND cấp tỉnh quy định mức thu dịch vụ tuyển sinh, do đó cần làm rõ nội dung này trong Luật.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cũng nêu ý kiến các đến nội dung như: văn bằng tương đương, các quy định liên quan đến người học, hội đồng trường, nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường...

Tin mới