Phó trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An: Tránh tùy tiện trong cử người đại diện quốc gia ở nước ngoài

(Baonghean.vn) - Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng có những người có trình độ mới chỉ trung cấp chính trị và đang học cao cấp cũng được xem xét để giải quyết vấn đề cử ra đại diện ở nước ngoài.  

Đại biểu Trần Văn Mão - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 3/11. Ảnh: Loan Xinh
Đại biểu Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 3/11. Ảnh: Loan Xinh

Sáng 3/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Tham gia nội dung thảo luận, đại biểu Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nghệ An tán thành sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung Luật cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời đề nghị nghiên cứu và bổ sung chỉnh sửa một số nội dung:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cần phải rà soát những nội dung sửa đổi bổ sung Luật cơ quan đại diện rõ ràng, cụ thể và chi tiết hơn. Về quy định mở rộng đối tượng được cử đi làm đại diện ở cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, quy định rõ việc tiêu chuẩn bổ nhiệm đại sứ, chế độ dành cho thành viên của cơ quan đại diện và thành viên gia đình, bổ nhiệm, triệu hồi đại sứ.

Thứ hai, tại Khoản 1, Điều 17, cần quy định thành viên cơ quan đại diện phải có đủ tiêu chuẩn trình độ, chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu công tác. Tránh tùy tiện, bởi trong thực tiễn có những người mới chỉ trung cấp chính trị và đang học cao cấp cũng được xem xét để cử ra đại diện ở nước ngoài.

Về chức vụ, tđại biểu Mão đề nghị ít nhất phải vụ trưởng hoặc cấp đương tương vụ trưởng trở lên thì mới bảo đảm được đại diện cho vị thế của Việt Nam đối với những người được cử ra cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội và HĐND tỉnh Nghệ An và Xiêng Xoảng (Lào). Ảnh: Nhật Minh
Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội và HĐND tỉnh Nghệ An và Xiêng Xoảng (Lào). Ảnh tư liệu.

Thứ ba, về kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan đại diện, trừ kinh phí dành cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thương mại theo quy định của Chính phủ. Đề nghị bổ sung quy định cụ thể giao trách nhiệm cho bộ quản lý trong việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên dành cho các lĩnh vực đặc thù nêu trên tại nước ngoài.

Thứ tư, về chế độ dành riêng cho thành viên cơ quan đại diện đối với vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện, luật hiện hành chưa quy định chế độ, chính sách hỗ trợ bảo đảm chính sách bảo hiểm đối với thành viên cơ quan đại diện cho nên dự thảo lần này quy định ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí đi lại cho thành viên cơ quan đại diện vợ hoặc chồng được cử đi cùng trong trường hợ­p người thân qua đời trong nhiệm kỳ công tác là hợp lý, hợp tình, phù hợp với đạo lý của dân tộc.

Thứ năm, tại Điều 34 cần tăng cường phối hợp giữa đoàn được cử đi công tác nước ngoài và cơ quan đại diện nhằm thống nhất quản lý và góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đối ngoại. Đồng thời tại Khoản 1, 2 Điều 34 dự thảo luật cần có quy định cụ thể hơn các đoàn công tác ở cấp nào thì phải báo cáo để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

PV-CTV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới