Phối hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc

(Baonghean.vn) - Đó là nội dung được thống nhất tại Hội nghị đánh giá công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ phối hợp năm 2018 giữa Ban Dân tộc HĐND tỉnh và Ban dân tộc tỉnh chiều 27/3.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh ký kết chương trình phối hợp năm 2018
Ban Dân tộc HĐND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh ký kết chương trình phối hợp năm 2018. Ảnh: Minh Chi

Trong năm 2017, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, hai bên đã phối hợp rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách pháp luật về công tác dân tộc; phối hợp trao đổi thông tin, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ người dân tộc; phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số…

Tại cuộc họp, hai bên cũng đã trao đổi nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về dân tộc cũng như vai trò của hai cơ quan trong việc tham gia ý kiến và giám sát việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường đề nghị cần phối hợp tốt hơn trong việc giải quyết đơn thư và kiến nghị của cử tri
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường đề nghị 2 cơ quan nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và có trách nhiệm chung vì sự phát triển vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: Minh Chi

Theo ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, mặc dù Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, nhưng thực tế có nhiều chính sách, chương trình, dự án triển khai ở vùng này, Ban Dân tộc tỉnh không được biết và tham gia.

Ông Hải viện dẫn ví dụ trong công tác cán bộ người dân tộc thiểu số; phát triển cây, con; lĩnh vực lao động, việc làm…; hay các dự án thủy điện, dự án thủy lợi bản Mồng. Cũng theo ông Lương Thanh Hải, hiện nay, trong tổng số 52 chính sách liên quan đến vùng dân tộc, thì Ban Dân tộc chỉ được giao trực tiếp tham mưu 7 chính sách.

Đây chính là những hạn chế trong việc phối hợp để chuyển tải, đưa các chính sách đi vào cuộc sống cũng như theo dõi, tổng hợp, đánh giá một cách tổng thể việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh; từ đó tham mưu, đề xuất, kiến nghị một cách xác thực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc trên địa bàn tỉnh thuộc chức năng của mỗi cơ quan.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lương Thanh Hải chia sẻ những khó khăn, bất cập trong việc triển khai các chính sách dân tộc
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lương Thanh Hải chia sẻ những khó khăn, bất cập trong việc triển khai các chính sách dân tộc. Ảnh: Minh Chi

Cùng nêu hạn chế, ông Đặng Quang Hồng - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, 2 bên cần phối hợp trong việc phân khai nguồn lực và xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả ở vùng dân tộc. Một số ý kiến nhận định, mặc dù đã có quan tâm, tuy nhiên công tác phối hợp giữa 2 cơ quan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng như tham mưu với tỉnh việc đảm bảo tỷ lệ cán bộ là người dân tộc trong các cơ quan hành chính Nhà nước chưa hiệu quả… 

Khẳng định vai trò, chức năng của mỗi cơ quan, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường mong muốn, trên cơ sở các cơ chế chính sách hiện hành, hai bên cần phối hợp nắm chắc chính sách để tham mưu, theo dõi, đôn đốc triển khai kịp thời; đồng thời tham mưu đề xuất với tỉnh tăng cường đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng, 2 cơ quan là đầu mối trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện các chính sách vùng dân tộc; vì vậy cần nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và có trách nhiệm chung vì sự phát triển vùng đồng bào dân tộc, tăng cường gắn bó cơ sở để nắm bắt kịp thời vấn đề để tham mưu đúng và trúng cho tỉnh những chủ trương, chính sách phù hợp.

Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân nêu một số nội dung phối hợp giữa 2 cơ quan trong năm 2018.
Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân nêu một số nội dung phối hợp giữa 2 cơ quan trong năm 2018. Ảnh: Minh Chi

Tại cuộc họp, 2 bên đã thống nhất chương trình phối hợp năm 2018 với trọng tâm tham mưu, theo dõi, đôn đốc triển khai chính sách dân tộc kịp thời, đầy đủ; tiếp tục tăng cường giám sát hoặc tham mưu HĐND tỉnh giám sát các cơ chế, chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc. Hai bên sẽ tăng cường nắm bắt cơ sở, chủ động tham mưu đề xuất việc tăng cường đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc.

Hai bên cũng tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp tham mưu việc thực hiện Quyết định 402 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 02 về công tác cán bộ vùng dân tộc thiểu số; tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, bảo vệ đường biên giới…

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An chiếm 15,2% dân số của tỉnh, tập trung chủ yếu ở 12 huyện, thị, gồm 252 xã, 1.339 thôn, bản; 27 xã của 6 huyện biên giới tiếp giáp 419,5 km đường biên giới với nước bạn Lào. Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, quốc gia.

Tin mới