Phòng, chống dịch ở các khu công nghiệp: Chủ động, linh hoạt không để đứt gãy chuỗi sản xuất

(Baonghean.vn) - Những ngày gần đây, dịch COVID-19 ở Nghệ An có chiều hướng tăng nhanh về số ca mắc. Có những ngày xấp xỉ lên tới 200 ca mắc.

Tính chất dịch COVID-19 đã có những sự thay đổi lớn với xu hướng giảm các ca ở cộng đồng song tăng lên số ca ở những khu tập trung đông người trong đó có các nhà máy ở khu công nghiệp.

Khẩn trương khống chế ổ dịch nguy hiểm

Ngày 5/1, ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Công ty CP May Minh Anh - Kim Liên (Khu Công nghiệp Bắc Vinh) được phát hiện. Và đến chiều tối ngày 12/1, số ca nhiễm ở công ty này là 104 ca. Tổng số các trường hợp F1 trong nhà máy là 499 người. Được biết, Công ty may có 3.200 công nhân. Đại đa số các ca mắc đều tập trung tại 1 phân xưởng. Số ca mắc COVID-19 ở tại 7 địa phương khác nhau, tập trung lớn tại thành phố Vinh (36 ca có hộ khẩu thường trú và nhiều ca khác ở ngoại huyện song tạm trú trên địa bàn).

Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại nhà máy, khu công nghiệp
Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại nhà máy, khu công nghiệp. Ảnh: TC

Qua điều tra truy vết, “ổ dịch” tại Công ty may Minh Anh Kim Liên có mối liên hệ với “ổ dịch” tại Trường Cao đẳng Nghề Kinh tế - Kỹ thuật số 1 Nghệ An (thành phố Vinh). Con của 1 trường hợp F0 ở công ty may đang là học viên ở trường này. Ổ dịch tại trường nghề hiện có 14 ca mắc và 58 trường hợp F1 đang được cách ly tại ký túc xá của trường.

Nhận thấy tình hình dịch ở Công ty may Minh Anh diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều nguy cơ dịch lây lan rộng trong nhà máy cũng như lây lan ra cộng đồng, ngay sau khi phát hiện được các ca nhiễm đầu tiên, Sở Y tế Nghệ An, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam và UBND thành phố Vinh đã kịp thời tổ chức làm việc với công ty, triển khai các giải pháp chống dịch.

Theo đó, các cấp, ngành và đơn vị chức năng đã chỉ đạo công ty phối hợp tốt với ban chỉ đạo các địa phương để thực hiện điều tra, truy vết, xác định các trường hợp F1, F2 đưa vào cách ly, quản lý. Yêu cầu công ty tạm dừng hoạt động trong 3 ngày để triển khai các biện pháp chuyên môn như phun khử khuẩn; rà soát lại phương án chống dịch; sắp xếp và bố trí lại các khâu đưa đón công nhân, khâu sản xuất, khu vực căng tin, nhà vệ sinh đảm bảo các điều kiện, yêu cầu chống dịch; tổ chức test nhanh theo định kỳ để kịp thời sàng lọc, bóc tách F0…

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân Công ty May Minh Anh Kim Liên
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân Công ty May Minh Anh Kim Liên. Ảnh: TC

Tiến sĩ Chu Trọng Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An nêu rõ 1 số yêu cầu: Công ty cần phải triển khai đầy đủ các giải pháp để đảm bảo không có công nhân trở lại nhà máy làm viêc là F0. Khu vực ăn uống ở nhà máy phải bố trí lại, khử khuẩn theo đúng quy định.Công nhân ở dây chuyền có bệnh nhân tuyệt đối không được đi chung nhà vệ sinh với công nhân dây chuyền không có bệnh nhân. Trong sản xuất nên phân ra các ca làm việc riêng biệt. Sau mỗi ca làm lại tiếp tục khử khuẩn, vệ sinh. Các dịch vụ ăn uống tập trung ở trước cổng công ty cần phải dừng hoạt đồng. Xe ô tô đưa đón công nhân đi làm phải bố trí đảm bảo 5K.

Với các giải pháp triển khai kịp thời, “ổ dịch” COVID-19 tại Công ty May Minh Anh Kim Liên (khu Công nghiệp Bắc Vinh) đã cơ bản được khống chế. Các trường hợp F0, F1 đều được phát hiện, bóc tách, đưa đi cách ly và điều trị kịp thời. Ông Trần Quang Lâm - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho hay: “ Thành phố Vinh có 62 trường hợp F1 là công nhân Công ty May Minh Anh. Hiện tại, UBND thành phố đã chỉ đạo các phường, xã thực hiện quản lý, theo dõi chặt các trường hợp này, tránh dịch phát sinh và lây lan ra cộng đồng”.

Chủ động phòng, chống không để đứt gãy chuỗi sản xuất

Ổ dịch tại Công ty Minh Anh được khống chế, song ở thời điểm này, trên địa bàn tỉnh cũng đã phát hiện thêm một số ca mắc tại nhà máy, khu công nghiệp. Ngày 10/1, qua thực hiện test nhanh tại công ty, phát hiện có 5 công nhân thuộc Công ty Matrix KCN Bắc Vinh nhiễm COVID-19. Đến sáng 13/1, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An công bố: Có 4 ca nhiễm COVID-19 cộng đồng là công nhân của Viet Glory Diễn Trường bị nhiễm.

CDC Nghệ An, TP. Vinh và công ty CP may Minh Anh - Kim Liên họp bàn các giải pháp chống dịch trong chiều 9/1. Ảnh tư liệu: CDC Nghệ An
CDC Nghệ An, TP. Vinh và công ty CP may Minh Anh - Kim Liên họp bàn các giải pháp chống dịch trong chiều 9/1. Ảnh tư liệu: CDC Nghệ An

Thực tế đã cho thấy: Số ca nhiễm COVID-19 ở các nhà máy, khu công nghiệp đang tăng nhanh. Tình hình dịch diễn biến phức tạp… Nếu công tác phòng, chống dịch không được thực hiện tốt, một cách căn cơ nhất thì số ca nhiễm mới còn xuất hiện liên tục. Dịch từ nhà máy sẽ lây lan ra cộng đồng và ngược lại dịch từ cộng đồng sẽ xâm nhập nhà máy. Và đặc biệt, trong thời điểm Tết này, khi công nhân từ nhà máy, khu công nghiệp trở về quê, nguy cơ dịch COVID-19 lây lan rộng lớn hơn bao giờ hết.

Yêu cầu phát triển trong giai đoàn này đặt ra là các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp phải tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 để sản xuất hiệu quả. PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Phó Chỉ huy Trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ: Nghị quyết 128 đã tạo điều kiện tối đa cho nhà máy, doanh nghiệp hoạt động, phát triển. Tuy nhiên các nhà máy, doanh nghiệp cần ý thức rõ việc kiểm soát dịch một cách thích ứng, linh hoạt nhưng cần phải an toàn, hiệu quả; đảm bảo hài hòa lợi ích của đơn vị và cộng đồng, sức khỏe lâu dài của cán bộ công nhân viên và người dân.

Công ty CP may Minh Anh tại KCN Bắc Vinh đã tiến hành test nhanh Covid-19 cho toàn bộ hơn 3.000 cán bộ, công nhân lao động ngay trong đêm phát hiện ca FO. Ảnh tư liệu: Tiến Đông
Công ty CP may Minh Anh tại KCN Bắc Vinh đã tiến hành test nhanh Covid-19 cho toàn bộ hơn 3.000 cán bộ, công nhân lao động ngay trong đêm phát hiện ca FO. Ảnh tư liệu: Tiến Đông

Để phòng, chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả, không để đứt gãy trong sản xuất, các nhà máy doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, cần phối hợp cùng chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng tập trung rà soát lại phương án, kịch bản phòng chống dịch của đơn vị, tránh bị lúng túng khi các tình huống dịch phát sinh, đảm bảo thích ứng tình hình mới.

Để sản xuất an toàn, bản thân các nhà máy, doanh nghiệp cần quan tâm đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho cán bộ, công nhân viên. Thực hiện tốt việc truyền thông cho cán bộ, công nhân viên tránh tâm lý hoang mang, có ý thức chấp hành các yêu cầu phòng chống dịch tại đơn vị và cộng đồng… Khi dịch phát sinh tại đơn vị, cần sớm cùng cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương triển khai phòng chống, khống chế dịch hiệu quả./.

Tin mới