Phòng chống tha hóa quyền lực: Bỏ qua những sai phạm nhỏ sẽ dẫn tới sai phạm lớn

Theo ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong quá trình quản lý cán bộ, đôi khi sai phạm lúc đầu nhỏ nên bỏ qua; chỉ nhìn thấy mặt tốt, không đánh giá đúng mặt yếu kém...

Những năm qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có những chuyển biến cả về nhận thức và hành động vì sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống mà trượt dài trong sự tha hóa quyền lực. Vì vậy, phòng chống sự tha hóa quyền lực trong giai đoạn hiện nay là giải pháp cấp thiết nhằm hiện thực hóa một trong những giải pháp đột phá mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực, quan liêu, đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Tại kỳ họp thứ 12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải xem xét, thi hành quyết định kỷ luật một số đảng viên là lãnh đạo cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nguyên nhân phần lớn là do đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, buông lỏng quản lý, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát. Theo phân tích của các chuyên gia, những vụ việc sai phạm của cán bộ, đảng viên trong đó có những cán bộ đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cho thấy, căn bệnh suy thoái, tha hóa quyền lực trong một số cán bộ, đảng viên vẫn còn những diễn biến phức tạp. Trong khi đó, việc phát hiện và phòng chống suy thoái, tha hóa quyền lực từ ngay trong nội bộ, tổ chức, cơ sở đảng chưa được quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả.

TS. Đặng Quang Định, Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Tạp chí Thi đua khen thưởng)
TS. Đặng Quang Định - Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Tạp chí Thi đua khen thưởng

Tiến sĩ Đặng Quang Định - Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, nó như một căn bệnh quái ác, ai đã bị nhiễm, sẽ bị làm cho xói mòn tư tưởng, xa rời lập trường chính trị, xa rời quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng.

Còn theo ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong quá trình quản lý cán bộ, đôi khi sai phạm lúc đầu nhỏ nên bỏ qua; chỉ nhìn thấy mặt tốt, không đánh giá đúng mặt yếu kém. Tôi cho rằng đây là biểu hiện của suy thoái về đạo đức, phẩm chất, ý thức chính trị, không có sự giáo dục lẫn nhau trong nội bộ, tính chiến đấu, tính đảng kém.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tình trạng tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân trực tiếp và căn bản là việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ có chức quyền, những cán bộ, đảng viên này sử dụng quyền lực công để thực hiện mưu đồ, lợi ích tư, trong khi công tác kiểm tra, giám sát quyền lực chưa được tốt để họ ngày càng lún sâu vào tha hóa quyền lực, sử dụng quyền lực để mưu lợi cá nhân.

Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an chỉ rõ: “Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tha hóa chính là do cán bộ không rèn luyện, không giữ được mình, không giữ được phẩm chất, tự biến mình thành kẻ trục lợi trong quá trình sử dụng công quyền”.

Bản chất của sự tha hóa quyền lực là sự xa rời những quy định, chế định căn cốt trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Vì vậy, để ngăn chặn sự tha hóa quyền lực, trước hết phải đề cao vai trò nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, nhất là người đứng đầu. Và điều quan trọng là phải tăng cường việc kiểm tra, giám sát đối với những người đứng đầu. Nếu công tác này được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, sẽ kịp thời phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện tha hóa quyền lực của người có chức có quyền.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nêu quan điểm: “Kiểm soát quyền lực là phải kiểm soát từ những người có quyền lực thấp, dưới cơ sở, địa phương, cho đến những cấp cao hơn. Kiểm soát bằng cách thông qua kỷ luật đảng và hệ thống pháp luật, bằng chế độ chính sách minh bạch về hưởng thụ của cán bộ, đảng viên các cấp; Kiểm soát quyền lực bằng hệ thống tổ chức đảng, hệ thống tổ chức được phân công nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát”.

Thực tế đã chứng minh, quyền lực càng cao, càng tuyệt đối thì nguy cơ tha hóa càng lớn nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Sự tha hóa quyền lực dù lớn hay nhỏ đều gây tác hại cho xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng cầm quyền và sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, phòng chống sự tha hóa quyền lực là một trong những nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay./.

Tin mới