Phòng, chống tham nhũng: ‘Chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu’

Thực tế ở Nghệ An thời gian gần đây, có không ít cán bộ, đảng viên đã bị khởi tố, bắt tạm giam, ra tòa lĩnh án hoặc chịu các hình thức kỷ luật về Đảng và chính quyền do liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, thực hiện bồi thường GPMB hoặc cấp giấy chứng nhận QSD đất.

Mới đây nhất, ngày 21/4/2022, Công an huyện Diễn Châu bắt giữ đối tượng Tạ Xuân Ngọc (SN 1982), trú tại xã Minh Châu, huyện Diễn Châu – là công chức tư pháp – hộ tịch UBND xã Minh Châu về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; thu giữ 10 triệu đồng và các tài liệu liên quan đến việc làm hồ sơ cấp Giấy CNQSD đất. Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của Ngọc, cơ quan chức năng thu giữ 108 giấy CNQSD đất; 20 triệu đồng cùng nhiều tài liệu, chứng cứ khác. Đấu tranh mở rộng chuyên án, ngày 29/4/2022, Công an huyện Diễn Châu tiếp tục bắt Cao Thị Thanh Thuận (SN 1989) – công chức địa chính xã Minh Châu về hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Ngay sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Diễn Châu đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với 2 đối tượng này.

Cơ quan chức năng khám xét nơi làm việc của Lê Minh Tâm - công chức địa chính xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu); Cơ quan chức năng đọc lệnh khám xét nơi làm việc của bị can Phạm Thị Thanh Thủy - công chức địa chính xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu); Cơ quan chức năng khám xét phòng làm việc của Nguyễn Văn Hà - công chức địa chính xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu); Khám xét nơi làm việc của Nguyễn Hồng Đức - nguyên cán bộ địa chính xã Nghi Phong (Nghi Lộc). Ảnh: Thuỳ Anh - Công an - Tư liệu
Cơ quan chức năng khám xét nơi làm việc của Lê Minh Tâm - công chức địa chính xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu); Cơ quan chức năng đọc lệnh khám xét nơi làm việc của bị can Phạm Thị Thanh Thủy - công chức địa chính xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu); Cơ quan chức năng khám xét phòng làm việc của Nguyễn Văn Hà - công chức địa chính xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu); Khám xét nơi làm việc của Nguyễn Hồng Đức - nguyên cán bộ địa chính xã Nghi Phong (Nghi Lộc). Ảnh: Thuỳ Anh - Công an - Tư liệu

Tại huyện Quỳnh Lưu, thời gian qua, giao dịch bất động sản trên địa bàn diễn ra tương đối sôi nổi, một số nơi giá đất tăng cao bất thường. Lợi dụng việc được phân công phụ trách công tác quản lý về giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, 3 cán bộ địa chính gồm Lê Minh Tâm, công chức địa chính xã Quỳnh Lâm, Phạm Thị Thanh Thủy, công chức địa chính xã Quỳnh Hồng, Nguyễn Văn Hà, công chức địa chính xã Quỳnh Yên đã dùng nhiều mánh lới, cố tình gây khó dễ cho người dân để buộc họ phải “bôi trơn” để làm nhanh mỗi hồ sơ xin cấp bìa đỏ với giá từ 10 – 30 triệu đồng. Có trường hợp anh T.V.H. trú tại xóm 9, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu mất đến 78 triệu đồng vẫn chưa có sổ đỏ. Trong 3/2022, Công an huyện Quỳnh Lưu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng về cùng tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, tại một số địa phương khác, cũng đã xảy ra các vụ việc nguyên cán bộ lãnh đạo chủ chốt bị xử lý do liên quan đến bán đất trái thẩm quyền như ở Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái (Tân Kỳ), Mỹ Thành, Phúc Thành (Yên Thành)… Hay các sai phạm trong lập hồ sơ, bồi thường GPMB các dự án như vụ việc nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong (Nghi Lộc) Nguyễn Đình Hải và một số cán bộ bị khởi tố trong quá trình thực hiện công tác GPMB Đại lộ 72m nối Vinh – Cửa Lò đi qua địa bàn. Vụ việc sai phạm trong bồi thường GPMB Dự án công trình kênh tiêu thoát nước Nghi Kim – Nghi Vạn (giai đoạn 1), khiến Võ Biên Thùy – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Vinh; Trần Lê Ngọc Tú – nguyên cán bộ địa chính xã Hưng Đông và Nguyễn Xuân Thọ – nguyên Chủ tịch UBND xã Hưng Đông bị khởi tố.

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Mai Hoa
Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Bên cạnh nguyên nhân xuất phát sự thiếu nhất quán trong chính sách quản lý đất đai; giữa Luật Đất đai và các luật liên quan; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai chưa thường xuyên; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai chưa đủ mạnh; công tác quản lý đất đai của các cấp chính quyền còn sơ hở, lỏng lẻo, việc sử dụng đất đai có nơi còn lãng phí… tạo kẽ hở cho các hành vi tham nhũng, trục lợi, còn có nguyên nhân từ sự thiếu tu dưỡng, sự “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của một số cán bộ, công chức. Đáng chú ý ở một số vụ việc, có sự tham gia của nhiều cán bộ như một “ê-kíp”. Điển hình như sai phạm xảy ra ở BQL Rừng phòng hộ Yên Thành, để được tăng thêm tiền hỗ trợ, bồi thường tài sản trên đất không phải hoạch toán trong sổ kế toán, Phan Tiến Sỹ – nguyên Trưởng BQL Rừng phòng hộ Yên Thành đã chỉ đạo cấp dưới lập khống 4 hồ sơ để nhận bồi thường sai quy định hơn 5 tỷ đồng. Liên quan đến vụ án này, có 10 bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong đó, có 2 bị cáo nguyên là Trưởng, Phó phòng TN&MT huyện Yên Thành.

Những vụ việc trên không chỉ là bài học đắt giá về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên đất đai, công sản mà còn là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, giáo dục, kiểm soát cán bộ, công chức.

Qua công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn cho thấy những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai là “ngọn nguồn” của nhiều vụ khiếu nại, tranh chấp kéo dài, (chiếm 70 – 80% các vụ khiếu kiện hàng năm). Trong năm 2021, riêng Sở TN&MT đã tiếp nhận 338 đơn thư, trong đó có 102 đơn thư khiếu nại nội dung về đất đai (chiếm 25%) tổng số đơn thư; 30 đơn tố cáo về nội dung đất đai (chiếm 3% tổng số đơn thư); 234 đơn kiến nghị về đất đai và môi trường (chiếm 63% tổng số đơn thư); 13 đơn tranh chấp đất đai (chiếm 3% tổng số đơn thư). Nội dung tập trung vào vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cấp GCN quyền sử dụng đất và tranh chấp đất đai. Phát sinh đơn thư là do công tác quản lý Nhà nước về đất đai (đặc biệt là ở cấp xã) còn nhiều sai sót; chậm được xử lý. Việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ, có lúc chưa đảm bảo công bằng (nhất là trong thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng…) dẫn đến có nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Cán bộ Phòng Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi công tác quản lý đất đai. Ảnh tư liệu: Thanh Lê
Cán bộ Phòng Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi công tác quản lý đất đai. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Ví như ở huyện Quỳnh Lưu, trong năm 2021, có 157/185 vụ việc đơn thư thuộc thẩm quyền cấp huyện liên quan đến đất đai, chiếm 84,9% (tranh chấp, lấn chiếm đất đai, bồi thường GPMB, cấp Giấy chứng nhận QSD đất..), số vụ việc liên quan đến đất đai thuộc thẩm quyền cấp xã chiếm 66,2%. Qua công tác thanh tra đã kiến nghị xử lý vi phạm sử dụng đất đai với 1.272m² đất. Ông Hồ Anh Thắng – Chánh Thanh tra huyện Quỳnh Lưu cho biết: Công tác quản lý đất đai ở cấp xã hiện tồn tại nhiều vấn đề. Trong năm 2021, UBND huyện đã ban hành quyết định thanh tra công tác quản lý đất đai, môi trường, khoáng sản tại một số xã đều phát hiện sai phạm.

Ví như tại xã Quỳnh Thạch, qua thanh tra, huyện đã ban hành kết luận chỉ rõ một số khuyết điểm, tồn tại như: Tổ chức thực hiện 5 công trình, dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt với tổng diện tích 18.286m² đất trồng lúa; quản lý quy hoạch sử dụng đất chưa tốt, để xảy ra nhiều vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng quy hoạch, kế hoạch (nhất là đối với đất trồng lúa, quỹ đất công ích 5%. UBND huyện Quỳnh Lưu yêu cầu UBND xã Quỳnh Thạch khắc phục những tồn tại, hạn chế. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp sử dụng đất sai mục đích quy hoạch sử dụng đất. Thanh lý chấm dứt hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền 9.800m² tại khu vực đền Cửa Ông và các hộ gia đình, cá nhân thầu khoán đất 5% không qua đấu giá, sử dụng đất không đúng mục đích, hết thời hạn thuê khoán; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, đặc biệt tại khu vực núi Động Nậy, xóm 9, xóm 10…

Đề cập đến những bất cập trong chính sách đất đai, lãnh đạo huyện Nghi Lộc cho hay, thời gian qua có nhiều nội dung đơn thư liên quan đến đất đai do lịch sử để lại khó giải quyết, nhiều chính sách về đất đai, đặc biệt là quy định về điều kiện công nhận lại hạn mức đất ở, bồi thường GPMB có nhiều thay đổi chưa phù hợp với thực tiễn và lòng dân nên cũng phát sinh nhiều kiến nghị, phản ánh. Chẳng hạn nhiều trường hợp khi lập hồ sơ công nhận hạn mức đất ở, xã lấy ý kiến khu dân cư thì người được lấy ý kiến xác nhận ở trước năm 1980 nhưng sau khi có mâu thuẫn, phát sinh đơn thì người được xác minh lại cho rằng, thửa đất đó sử dụng sau năm 1980. Để xác định tính chính xác của nguồn gốc thửa đất trước hay sau năm 1980 là rất khó vì hồ sơ đất đai trước khi thực hiện Nghị định 61/CP tại nhiều xã lưu không đầy đủ, không chính xác. Trong năm 2021, huyện Nghi Lộc đã thu hồi 4 Giấy chứng nhận QSD đất do kê khai, cấp sai quy định.

Đoàn khảo sát thực tế công tác quy hoạch trên địa bàn thị xã Thái Hòa. Ảnh tư liệu: Mai Hoa
Đoàn khảo sát thực tế công tác quy hoạch trên địa bàn thị xã Thái Hòa. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Như: Tiến độ lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 – 2030 nhìn chung còn chậm. Việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, đất đai, rừng, nguồn nước, hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa các ngành và địa phương trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhìn chung còn chưa chặt chẽ, nhất là giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, giữa quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Vẫn còn tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch chưa được phát hiện và xử lý kịp thời; chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích khác chưa được tính toán kỹ lưỡng. Tương tự, kết luận giám sát thực hiện chính sách – pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2016 cũng chỉ rõ: “Tỷ lệ thực hiện các dự án trong danh mục đã có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không cao; kế hoạch sử dụng đất chưa xác định nhu cầu sử dụng đất phù hợp với tiến độ thực hiện các công trình, dự án. Việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai đạt tỷ lệ thấp…”.

Từ thực tế trên thấy rằng, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường, khoáng sản nhằm hạn chế các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp cơ sở. Đẩy mạnh thanh, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh đó, kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê, nhưng không đúng đối tượng, không sử dụng hoặc sử dụng, không hiệu quả, sai mục đích…

Cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ liên quan đến sai phạm trong GPMB Đường 72m ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc); Công an huyện Anh Sơn điều tra vụ án ở xã Khai Sơn. Ảnh: H.N - Công an cung cấp
Cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ liên quan đến sai phạm trong GPMB Đường 72m ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc); Công an huyện Anh Sơn điều tra vụ án ở xã Khai Sơn. Ảnh: H.N - Công an cung cấp

(Còn nữa)