Phòng cúm cho đàn gia cầm để phục vụ nhu cầu dịp tết Nguyên đán

(Baonghean.vn) - Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm tại các địa phương đã và đang tích cực tái đàn, tăng đàn.

Sau khi xuất bán lứa gà thứ 2 trong năm, gia đình anh Phạm Hồng Vinh (xóm 9, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc) lại tiếp tục vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng để thả nuôi hơn 7.000 gà thịt phục vụ cho thị trường dịp tết Nguyên đán sắp tới. Với kinh nghiệm chăn nuôi sau 7 năm, để có sản phẩm xuất bán trong dịp tết, ngay từ tháng 10, gia đình anh Vinh đã mua gà giống về thả. Đặc biệt, đây là thời điểm chuyển mùa, nhiều loại cúm mùa phát sinh nên trước khi thả nuôi, anh Vinh đã phải gia cố lại chuồng trại, che bạt xung quanh, khi nhiệt độ xuống quá thấp còn phải đốt than để sưởi ấm cho đàn gà.  

Anh Vinh cho biết: Gà giống trước khi thả nuôi đều được kiểm tra sức khỏe, tiêm vắc-xin để phòng tránh dịch bệnh. Đồng thời, gia đình anh cũng đã đào hố sát trùng tại khu nuôi, rắc vôi bột để phòng chống dịch bệnh xung quanh khu vực trại nuôi. Cũng theo anh Vinh trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng đều tăng giá, nên giá gà cũng cao hơn khoảng 20% so với ngày thường. Vì thế nếu chăm sóc tốt thì lứa gà tết sẽ cho thu nhập cao. 

Các hộ chăn nuôi tiến hành tiêm, nhỏ vắc xin cho gia cầm để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Tiến Đông
Các hộ chăn nuôi tiến hành tiêm, nhỏ vắc xin cho gia cầm để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Tiến Đông

Toàn xã Nghi Trường hiện có 21 trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm, tập trung tại 4/5 xóm, với tổng đàn mỗi lứa nuôi lên đến hơn 130.000 con. Trước những nguy cơ về dịch cúm trên đàn gia cầm, chính quyền địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường chăn nuôi, nhằm tránh để xảy ra dịch, gây thiệt hại lớn về kinh tế. 

Tại Diễn Châu, trong năm 2021, tổng đàn gia cầm của toàn huyện đạt 1.318.286 con. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở Diễn Trung với 217.643 con, Diễn Trường 104.698 con. Ông Trần Văn Dung – Chủ tịch UBND xã Diễn Trung cho biết: Hiện tại toàn xã có 100 trang trại nuôi gà, quy mô nuôi mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa từ 8.000-30.000 con/trại, tập trung tại các xóm: 4, 5, 6, 7, 8. Trong năm nay, sau khi xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm trên địa bàn xóm 4, xóm 5, xã đã lập chốt phong tỏa các khu vực xảy ra dịch, đồng thời tiến hành tiêu hủy đàn gà bị dịch và chỉ đạo các hộ chăn nuôi tăng cường công tác tiêu trùng khử độc nhằm không để dịch lây lan. Sau khi bỏ qua 1 lứa nuôi và khử trùng chuồng trại thì mới khuyến khích người dân thả nuôi trở lại.

Thời điểm này, nhiều trang trại đang tích cực tăng đàn, tái đàn để phục vụ cho nhu cầu của thị trường trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Ảnh: Tiến Đông
Thời điểm này, nhiều trang trại đang tích cực tăng đàn, tái đàn để phục vụ cho nhu cầu của thị trường trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Ảnh: Tiến Đông
Năm 2021, ở xã Diễn Trung (Diễn Châu) đã xuất hiện 1 ổ dịch Cúm gia cầm khiến cho số gia cầm ốm, chết buộc tiêu hủy khoảng 1.600 con. Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu cho thị trường vào dịp tết sắp tới, các địa phương trong toàn huyện Diễn Châu cũng đang tập trung tái đàn, chủ động đối phó với dịch bệnh, nhất là các loại dịch cúm như H5N1, H5N8…
Để phục vụ cho thị trường tết, hiện nay, hầu hết các hộ chăn nuôi đã thả lứa gà mới, tích cực chăm sóc, phòng trừ bệnh. Trước khi thả nuôi, các hộ dân tích cực tiêm, nhỏ các loại vắc xin phòng cúm cho đàn gia cầm, vào trời rét thì tăng cường ủ ấm.
Theo nhiều chuyên gia, thời điểm này dịch bệnh dễ phát triển, vì thế trước khi thả nuôi lứa mới, các hộ dân cần phải tiến hành tiêm phòng đầy đủ. Ảnh: Tiến Đông
Theo nhiều chuyên gia, thời điểm này dịch bệnh dễ phát triển, vì thế trước khi thả nuôi lứa mới, các hộ dân cần phải tiến hành tiêm phòng đầy đủ. Ảnh: Tiến Đông
Ông Ngô Đức Quỳnh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Nghệ An cho biết: Thời điểm này thời tiết thường không thuận lợi, thường xảy ra rét đậm, rét hại, là điều kiện lý tưởng để dịch bệnh lây lan. Vì vậy, để việc tái đàn, tăng đàn được thuận lợi, đem lại giá trị kinh tế cao thì các địa phương trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Cùng với đó, cần phân công cán bộ phụ trách, phối hợp với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; hoàn thành kế hoạch tiêm phòng vắc xin; hướng dẫn người chăn nuôi tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Khuyến cáo người dân không tái đàn, tăng đàn ồ ạt mà giữ ở mức độ phù hợp với quy mô chuồng trại; tăng cường cập nhật thông tin về tình hình thị trường các sản phẩm chăn nuôi trong và ngoài tỉnh để chủ động trong việc tăng, giảm số lượng, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả cao. 

Năm 2021 tổng đàn gia cầm toàn tỉnh đạt 29 triệu con, tăng 4,13% so với năm 2020. Hiện tại có 482 trang trại gia cầm chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn, tập trung nhiều ở các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu…

Lứa gà mới đang được người dân tích cực chăm song để phục vụ cho thị trường trong dịp Tết. Ảnh: Tiến Đông
Lứa gà mới đang được người dân tích cực chăm song để phục vụ cho thị trường trong dịp Tết. Ảnh: Tiến Đông 

Ông Quỳnh cũng khuyến cáo: Trước khi nuôi lứa mới, các hộ dân cũng cần phải lựa chọn các địa chỉ cung cấp giống có uy tín, cần áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tạo ra các sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tin mới