Phụ huynh, học sinh Nghệ An vất vả vì học trực tuyến

(Baonghean.vn) - Từ hôm nay 6/4, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã bắt đầu dạy học trực tuyến chương trình chính khóa cho học sinh. Tuy nhiên, vì lượng người truy cập đông, nên nhiều tiết học bị gián đoạn gây khó khăn cho cả học sinh, phụ huynh và cả giáo viên, kể cả ở vùng thuận lợi như thành phố Vinh.

Đường truyền chưa ổn định

Việc dạy học trực tuyến đối với giáo viên và học sinh của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng không phải mới, bởi lợi thế của trường là học sinh THPT, các em đa phần sử dụng CNTT thành thạo. Bên cạnh đó, học sinh đều đã có máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh.

Với những ưu thế trên, sáng hôm nay 6/4 - Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã chính thức dạy học chính khóa với thời lượng 3 tiết/buổi. Theo thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng nhà trường thì: Trường đã giảm số tiết từ 4,5 tiết xuống còn 3 tiết/buổi bởi hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn về tinh giảm chương trình và nhà trường chỉ dạy những tiết trong chương trình chính, còn lại giáo viên sẽ hướng dẫn các em tự học.

Một lớp học trực tuyến của học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật. Ảnh: PV
Một lớp học trực tuyến của học sinh THPT trên địa bàn TP Vinh. Ảnh: PV

Bên cạnh đó, nhà trường phải giảm số tiết bởi việc dạy học trực tuyến khó có thể chủ động khi còn phụ thuộc vào đường truyền. Trong trường hợp mạng không thuận lợi thì thời gian chuyển tiết phải kéo dài hơn và cần có thêm thời gian để giáo viên làm quen với lớp...

Ngày đầu tiên dạy học chính khóa, hiệu trưởng nhà trường cũng đã dự giờ trực tuyến 42/42 lớp và nhận thấy việc học khá nghiêm túc. Tuy nhiên, đường truyền dạy học trực tuyến theo hướng dẫn của Sở có nhiều lúc bị gián đoạn, nhất là tiết 2 khiến việc học của học sinh bị ảnh hưởng.

Trường THCS Cửa Nam ngày hôm nay cũng chính thức dạy học trực tuyến. Cô giáo Trịnh Thị Hải cũng cho biết: Do dạy học trực tuyến nên thời khóa biểu đã phải điều chỉnh lại xuống 3 tiết/buổi và nhà trường sẽ học liên tục từ thứ 2 đến thứ 6. Hiện, đa phần học sinh trong lớp đã có các thiết bị để học và số còn lại thì phụ huynh cũng đang cố gắng trang bị  để học sinh theo học.

Giáo viên huyện Nam Đàn tập huấn hình thức dạy học trực tuyến. Ảnh: PV
Giáo viên huyện Nam Đàn tập huấn hình thức dạy học trực tuyến. Ảnh: PV

Khó khăn hiện nay là đường truyền bởi trong buổi sáng nay nhiều tiết học bị gián đoạn do đường truyền không ổn định. Cô giáo Trịnh Thị Hải - Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Việc dạy học trực tuyến khiến giáo viên phải vất vả gấp 3 lần bình thường vì tất cả các bài học phải soạn theo giáo án điện tử. Riêng những giáo viên dạy các môn tự nhiên thì rất khó khăn vì phải đồ họa nhiều hình ảnh. Trong khi đó việc quản lý học sinh cũng không thuận lợi như học trực tiếp, nhất là việc giám sát học sinh làm bài tập ở nhà.

Để dạy học trực tuyến thuận lợi, đường truyền là quan trọng nhất vì không phải học sinh của một trường, một tỉnh mà cả nước cùng truy cập vào một hệ thống.

Thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng

"Chạy đua" với dạy học trực tuyến 

Sáng nay, 8h chị Nguyễn Huệ (phường Lê Mao) bất ngờ nhận được thông báo của cô giáo về việc tổ chức học trực tuyến cho con qua mạng và thời gian học bắt đầu từ 8h30 phút sáng.

Do đường truyền còn hạn chế nên một số tiết học trực tuyến có thể bị gián đoạn. Ảnh: PV.
Do đường truyền còn hạn chế nên một số tiết học trực tuyến có thể bị gián đoạn. Ảnh: PV.

Dù đây là thời gian chị đang phải đi làm nhưng vì lo lắng con bị mất bài học nên chị cũng cố gắng truy cập vào website của nhà trường theo hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, dù đã rất kiên trì sau 2 tiếng nhưng câu trả lời của chị sau mỗi lần truy cập vẫn là “không thể truy cập vào trang web này”. Nhiều phụ huynh khác cũng có câu trả lời tương tự.

Liên quan đến việc dạy học trực tuyến, một giáo viên cũng đã khảo sát ý kiến của nhiều phụ huynh thông qua mạng xã hội và có rất nhiều ý kiến băn khoăn, nhất là với đối tượng học sinh tiểu học.  Chị Thanh Thủy (phường Hà Huy Tập) cho biết: Cháu đầu của tôi học lớp 11 nên cháu khá thành thạo nhưng với cháu thứ 2 (lớp 7) thì học bập bõm, mạng bạn vào được bạn không.

Bên cạnh đó, thời khóa biểu thay đổi liên tục nên các cháu không thể nhớ hết và nhiều môn đến nay cháu vẫn chưa học được. Đó là chưa kể, một lần vào là một pass, một phòng khác nhau nên rất bất tiện và nếu phụ huynh không thông thạo về công nghệ thông tin thì rất khó để hỗ trợ các con.

Một số ý kiến của phụ huynh trên các diễn đàn về việc dạy học trực tuyến ở bậc tiểu học. Ảnh: PV
Một số ý kiến của phụ huynh trên các diễn đàn về việc dạy học trực tuyến ở bậc tiểu học. Ảnh: PV

Hiện, các ý kiến cũng cho rằng, việc dạy học trực tuyến hiện nay với một số bậc học, đặc biệt là bậc tiểu học đang có bất cập với những lý do chính, đó là  ảnh hưởng thị giác của trẻ (nếu các cháu học qua điện thoại hoặc học liên tục trên máy tính), trẻ chưa chủ động được việc sử dụng máy, thời gian dạy học chưa phù hợp với thời gian của phụ huynh để có điều kiện hỗ trợ), khó quản lý khi lớp học quá đông, việc tương tác hạn chế nên học sinh dễ nhàm chán, nhiều nơi điều kiện phụ huynh chưa đảm bảo để mua sắm trang thiết bị...

Chia sẻ thêm về điều này, cô giáo Bùi Thị Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi - thành phố Vinh cho biết: Trong thời điểm hiện nay việc thay đổi cách học từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến đòi hỏi giáo viên, học sinh và phụ huynh phải cùng nỗ lực, cố gắng.

Tuy nhiên, với điều kiện ở trường chúng tôi và với lứa tuổi học sinh tiểu học thì hiện chúng tôi chỉ mới dạy thử nghiệm ở một số tiết ôn tập. Còn để dạy đại trà với các tiết học chính khóa thì cần nhiều yếu tố về cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền ổn định và cần phải có sự vào cuộc, hỗ trợ của các gia đình và điều này thực sự khó khăn.

Liên quan đến dạy học trực tuyến, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục trung học - Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo  đã có văn bản hướng dẫn chi tiết và các nhà trường cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn để tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp về nội dung, thời lượng, điều kiện nhà trường, điều kiện gia đình học sinh. Bên cạnh đó, việc dạy học phải thực chất, hiệu quả, tránh quá tải và không gây áp lực cho phụ huynh, học sinh.

Tin mới