'Phụ nữ hãy mạnh dạn, tự tin gây dựng ý tưởng khởi nghiệp'

(Baonghean.vn) - Nhân dịp chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), chúng tôi có cuộc trò chuyện với chị Bùi Thị Hiền Lương - Hội viên Hội LHPN phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) về ý tưởng khởi nghiệp táo bạo, nhân văn của chị.

P.V: Xin chào chị Hiền Lương, dự án “Nâng cao giá trị con cá trích - hướng tới xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm chả cá trích Quỳnh Phương” của chị là 1 trong 2 dự án phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh được lọt vào cấp Trung ương, chị có bất ngờ về điều này không?

Chị Bùi Thị Hiền Lương: Vâng, rất bất ngờ, vì không nghĩ cái tên dự án khiêm nhường thế lại được ban giám khảo để ý. Chắc là do cách nêu ý tưởng và tính khả thi của ý tưởng. Thực tình, để hình thành và vận hành nó, bước đầu, chúng tôi cũng đã trải qua nhiều gian nan thử thách, trải qua nhiều bận thất bại. Thế nên, bao giờ tôi cũng muốn nói với anh em trong tổ dự án của mình rằng: “Chúng ta phải làm bằng được”.

Ảnh: Quang An
Cá trích Nghệ An nổi tiếng tươi ngon, giàu dinh dưỡng. Ảnh: Quang An

PV: Chị có thể cho biết ý tưởng của dự án bắt đầu từ đâu?

Chị Bùi Thị Hiền Lương: Thực ra dự án này chúng tôi đã ấp ủ từ rất lâu, trước hết là sự trăn trở cho đầu ra của con cá trích, vì thực tế cá trích là loài cá rất giàu chất dinh dưỡng nhưng rất khó tiêu thụ, vì cá về ồ ạt nhưng cũng ồ ạt ế ẩm vì nó chỉ nướng hoặc kho nhạt ăn trong bữa.

Thứ nữa cái điệp khúc được mùa rớt giá luôn đồng hành với người dân miệt biển chúng tôi mỗi mùa cá trích về. Vì khi ngư dân nặng mẻ lưới trích thì cả chợ tràn ngập loại cá này, nhưng sức tiêu thụ thấp, và con cá rớt giá thê thảm, cái nghèo nơi miệt biển lại hoàn nghèo. Nhìn cảnh chợ ế cá mà lòng tôi lại chùng xuống. Trong khi đó, nhiều vùng miền lại chưa được tiếp cận với nguồn thực phẩm chất lượng và an toàn này. Ý nghĩ trong đầu chợt đến, phải làm gì để cá trích không bị ế, để người thưởng thức nó dễ dàng mà sản phẩm đến tay người dùng vẫn đảm bảo chất lượng. Thế là chúng tôi bắt tay vào xây dựng ý tưởng mang cá trích đến với du khách muôn phương và tìm đầu ra cho con cá trích.

PV: Và ý tưởng táo bạo đã đến vì những điều trăn trở này?

Chị Bùi Thị Hiền Lương: Đúng thế, vốn dĩ chúng tôi đã có cơ sở sản xuất chế biến hải sản tại địa phương, thế nên việc hiện thực hóa sản phẩm chả cá trích tôi nghĩ khó nhưng sẽ làm được. Thế là chúng tôi bắt tay nghiên cứu về quy trình sản xuất chả cá, quy mô sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.

 

Ban đầu là phải nghiên cứu kỹ các thị trường khó tính như châu Âu, các nước tiên tiến, nơi con cá trích đã lên ngôi. Ví như sản phẩm cá trích muối Thụy Điển, cá trích ép trứng Nhật Bản... Ở các thị trường này họ có sản phẩm từ cá trích rất ấn tượng và với một công nghệ hết sức hiện đại, và người tiêu dùng ở đó họ đón nhận sản phẩm rất tốt. Còn trong nước hiện chưa có nơi nào sản xuất được các chế phẩm từ con cá trích mà giữ được hương vị và chất dinh dưỡng thơm ngon của nó. Chính điều này đã thôi thúc chúng tôi phải nghiên cứu kỹ, đưa ra những bước đi chuẩn xác, chắc chắn và có tính bền vững.

Chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu quá trình sinh trưởng của con cá trích, giá trị dinh dưỡng sau khi chế biến và công nghệ chế biến tối ưu và cuối cùng đó là tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Tuy hướng đi đã rõ nhưng từng công đoạn chúng tôi đều gặp ít nhiều sự khó khăn trắc trở, ví như việc nghiên cứu để làm sao có sản phẩm đầu vào tốt nhất trong năm, để cho ra đời sản phẩm tốt nhất chuẩn vị và đạt độ dinh dưỡng cao nhất. Trên thực tế con cá trích chỉ đạt độ ngon nhất vào đầu Đông cho đến mùa Xuân, vì thế chúng tôi phải chuẩn bị khâu bảo quản, vừa đạt được độ dinh dưỡng của chế phẩm cá trích, vừa không dùng chất bảo quản ngoài hạn mức, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Thế nên, việc mua máy bảo quản tiên tiến lại phải được đặt ra. Vấn đề tài chính lúc này thực sự khiến chúng tôi cảm thấy khó khăn, chùn bước.

Tiếp theo là các khâu quảng bá để người tiêu dùng biết đến sản phẩm này, vậy là chúng tôi lên kế hoạch mời các chuyên gia về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm để tư vấn, đồng thời kiểm tra giám sát các quy trình sản xuất cá trích thương phẩm của chúng tôi.

Và cuối cùng để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng là cả một chặng đường gian nan, vì đa số người ta hay mua cá tươi sống hoặc các chế phẩm từ các con cá khác, ít người để ý đến chế phẩm từ cá trích. Thế nên việc khó này chúng tôi mất khá nhiều thời gian, trải qua nhiều cung đoạn thử thách.

Nghĩ lại chúng tôi thấy mình vô cùng may mắn vì đã gặp được nhiều người thương yêu và tận tâm với mình.

PV: Vậy có phải chính tâm huyết vượt khó và tính khả thi của sản phẩm mà ý tưởng này được Trung ương Hội chấm điểm cao?

Chị Bùi Thị Hiền Lương: Tôi nghĩ đó chính là thành quả đạt được của sự tâm huyết và ý chí quyết tâm không phải của riêng tôi.

Được mùa các trích. Ảnh: Thanh Thủy
Được mùa các trích. Ảnh: Thanh Thủy

Tại các vòng thi cấp tỉnh, cấp vùng, tôi đã thuyết trình rằng: “Tôi về làm dâu ở miệt biển Quỳnh Phương khi chỉ mới 19 tuổi, đến nay đã gần 20 năm, cũng chừng đó thời gian tôi gắn bó với những an nguy của ngư dân. Tôi cũng đã gắn bó với con cá trích từ những ngày đó và thấm được nỗi vất vả của ngư dân, thấm được rằng con cá đã nuôi chúng tôi trong khó khăn như thế nào. Với vùng quê nghèo ven biển không biết tự bao giờ con cá trích đã gắn liền với bữa ăn đạm bạc hàng ngày của gia đình. Có những tháng ngày nhà tôi chỉ ăn mỗi cá trích, ròng rã suốt từ mùa Đông sang mùa Xuân, ấy là khi cá thì được mùa nhưng không biết bán cho ai. Ngặt nỗi dù có cá để ăn không lo thiếu dinh dưỡng nhưng con nhỏ lại không ăn được vì chúng quá nhiều xương. Và bắt đầu từ nguồn cơn đó, chúng tôi muốn tạo ra một sản phẩm từ cá trích để mang nó đến từng bữa ăn của mỗi gia đình. Và khi tôi đã bắt tay vào việc nâng tầm con cá trích thì tôi sẽ làm được bằng ý chí và những bước đi tâm huyết có sự chung sức của cả gia đình nhà chồng”.

Nghe như vậy nhiều vị giám khảo hỏi tôi rằng, tôi đã làm thế nào để có thể mang sản phẩm đến được với khách hàng và làm thế nào để duy trì được chuỗi sản xuất khi chế phẩm này mới chỉ tiếp cận thị trường một cách dè dặt.

Tôi trả lời rằng, tôi đã trang bị hẳn công nghệ rút xương, công nghệ sàng sẩy và đánh nhuyễn cá của châu Âu, những máy móc hiện đại bậc nhất này đã giúp sản phẩm giữ được dinh dưỡng và độ thơm ngon của con cá; sản phẩm của chúng tôi đảm bảo đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, nói không với chất bảo quản. Hiện nay, khi sản phẩm này ra thị trường có thể giúp được các chị em trong xã có việc làm, tăng thu nhập với mức thu nhập ổn định từ 4 đến 10 triệu đồng/tháng.

PV: Và vì thế con đường “chả cá trích” của chị sẽ mở ra tương lai mới cho cá trích kể cả khi không lọt vào top những ý tưởng khởi nghiệp ưu tú của Trung ương Hội LHPN Việt Nam?

Chị Bùi Thị Hiền Lương: Phải nói rằng tôi mang dự án này đi thi không chỉ để quảng bá, cuộc thi còn là nơi để tôi được nói tiếng lòng của mình, nói lên sự quyết tâm và tâm huyết của mình với dự án mà mình, gia đình đã dày công gây dựng và những bước đi đầy chông gai, thử thách. Tôi cũng muốn gửi một thông điệp tới các chị em rằng: Hãy mạnh dạn có một ý tưởng khởi nghiệp và hãy dành sự tâm huyết của mình để biến nó thành những sản phẩm giá trị cho cộng đồng.

Phụ nữ có thể không có sức mạnh như đàn ông, nhưng họ có sự khéo léo, kiên trì và niềm tin rất lớn khi họ dành cả thanh xuân của mình cho điều mà họ nung nấu, phôi thai. Vì thế, chỉ số thành công cho những ý tưởng ban đầu sẽ rất cao nếu họ được tiếp thêm sức mạnh từ gia đình, họ có được sự hậu thuẫn từ những hậu phương vững chắc là chồng và gia đình chồng.

PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Tin mới