Phụ nữ Nghệ An đồng hành, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương

Về xã Xuân Lâm (Nam Đàn), ấn tượng nhất đối với chúng tôi là khung cảnh làng quê xanh – sạch – đẹp; những mảnh vườn trong từng ngôi nhà dân được bài trí quy củ, đẹp mắt.

Vườn đẹp của phụ nữ xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vườn đẹp của phụ nữ xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.

Vườn nhà bà Trương Thị Yến, ở xóm 7 được thiết kế theo từng ô, luống chuyên canh, gồm cây ăn quả như mít, bưởi, cam, ổi; các luống rau cải, rau cúc, xà lách, su hào, bắp cải xanh mướt, thẳng tắp… Bà Yến cho biết, trước đây hơn 700 m2 đất vườn này chỉ là vườn tạp, nay gia đình bà quy hoạch lại, đầu tư bài bản, vừa đẹp nhà, đẹp làng, vừa có giá trị kinh tế cao. Cây ăn quả mới trồng 1 – 2 năm chưa cho thu nhập, còn rau xanh thì mùa nào thức nấy, ngày nào cũng có rau đưa ra chợ bán, ngày vài chục, vài trăm nghìn đồng, bà thấy rất vui.

Ngoài nhà bà Yến, phong trào cải tạo, làm vườn đẹp được nhiều hộ ở xóm 7 và cả xã Xuân Lâm hưởng ứng. Chị Trần Thị Huyền – Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Lâm cho biết, trên cơ sở triển khai xây dựng mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch”, mô hình “Cụm dân cư liền kề nhà sạch, vườn đẹp, ngõ nở hoa”, Hội Phụ nữ xã và từng chi hội tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ triển khai nhiều nội dung, trong đó có xây dựng nhà sạch, vườn đẹp; xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh, đường cờ; hỗ trợ gia đình phụ nữ nghèo về kiến thức, kinh phí, con giống để phát triển kinh tế, từ đó góp phần giảm 11 hộ nghèo trong vòng 3 năm (2021-2023).

Cán bộ Hội LHPN huyện Nghĩa Đàn trao hỗ trợ mô hình sinh kế cho phụ nữ xã Nghĩa Khánh.
Cán bộ Hội LHPN huyện Nghĩa Đàn trao hỗ trợ mô hình sinh kế cho phụ nữ xã Nghĩa Khánh.

Thời gian qua, huyện Nam Đàn tập trung xây dựng trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, vì thế hoạt động của hội phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện cũng đã bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm này để triển khai.

Chị Phạm Thị Hải – Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Đàn cho biết: Hình ảnh người phụ nữ, thay vì sau công việc xã hội, đồng áng là bếp núc, gia đình, con cái, nay đã tích cực tham gia vào các hoạt động dân ca, dân vũ, bóng chuyền hơi, bóng đá nữ, yoga…; góp phần nâng cao thể chất, tinh thần người phụ nữ và thúc đẩy phong trào văn hóa, thể thao ở khu dân cư. Hoạt động Hội và vai trò của phụ nữ tham gia tích cực thông qua đăng ký thực hiện nhiều công trình, phần việc cụ thể trong xây dựng nông thôn mới. Riêng năm 2023, ngoài vận động cán bộ, hội viên đóng góp tiền và công sức xây dựng 52 công trình đường cờ, đường hoa, hàng cây ơn Bác, xây dựng cụm tuyên truyền cổ động; các cấp Hội cũng đã tích cực vận động, hỗ trợ 42 gia đình phụ nữ vươn lên thoát nghèo, cận nghèo; giúp đỡ 165 hộ đạt tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”.

Phong trào làm nông thôn mới đẹp của chị em phụ nữ các địa phương Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Quỳnh Lưu.
Phong trào làm nông thôn mới đẹp của chị em phụ nữ các địa phương Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Quỳnh Lưu.

Hoạt động Hội và phong trào phụ nữ ở huyện Nghĩa Đàn cũng bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương để triển khai. Trọng tâm là gắn tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ Hội và hội viên phụ nữ về xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch”; thực hiện các công trình, phần việc như hỗ trợ làm nhà ở cho hội viên nghèo, làm đường cờ, đường hoa, đường cây xanh, hỗ trợ hội viên xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; duy trì “Ngày Chủ nhật xanh”… Các cấp Hội phụ nữ ở huyện Nghĩa Đàn cũng tích cực hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, như hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng và các loại quỹ, hỗ trợ học nghề, vốn vay, hỗ trợ con giống, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật. Riêng trong lĩnh vực giảm nghèo, trong năm 2023 đã có 51 hộ thoát nghèo, cận nghèo.

Với Hội Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu, hoạt động trọng tâm là hỗ trợ kiến thức, khai thác nguồn vốn vay cho hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, gắn với các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, trẻ em mồ côi, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Đến nay, các cấp Hội đã kết nối các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu 271 cháu mồ côi trên địa bàn, với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng.

Công trình đường cờ do Hội LHPN xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn đảm nhận.
Công trình đường cờ do Hội LHPN xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn đảm nhận.

Tổ chức Hội và phụ nữ huyện Quỳnh Lưu cũng tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới với nhiều hoạt động phong phú, như vận động hội viên, phụ nữ hiến đất mở đường, mở rộng khuôn viên nhà văn hóa; đảm nhận trồng cây bóng mát, hàng rào xanh, đường cờ; xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch”, “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch”, “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, “Tổ phụ nữ tự quản môi trường”, “Ngôi nhà xanh”, “Đổi rác lấy đồ dùng học tập”, “Đổi rác lấy cây xanh”; duy trì các phong trào “Thứ Bảy sạch, Chủ nhật xanh”, “Môi trường của mẹ – Hạnh phúc của con”, “Biến phế liệu thành yêu thương”…

Hội Phụ nữ là tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị. Bởi vậy, bên cạnh chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ, thời gian qua, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, năng động, sáng tạo, chủ động, linh hoạt, tập trung hướng về cơ sở, đưa công tác hội và phong trào phụ nữ thực chất, hiệu quả, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh và từng địa phương.

Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn xây dựng đường cờ. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn xây dựng đường cờ. Ảnh: Mai Hoa

Nổi bật và trọng tâm nhất là các cấp Hội phụ nữ tập trung hỗ trợ hội viên nâng cao kiến thức, năng lực, phát huy nội lực để phụ nữ tự lo cho chính mình, tự giải quyết các vấn đề liên quan thông qua các hoạt động truyền thông, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, chi hội… Bên cạnh hỗ trợ phụ nữ nghèo, đơn thân, khuyết tật, yếu thế tự tin vươn lên, các cấp Hội chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ hội, hỗ trợ nữ chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh, quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác; góp phần xây dựng những nhân tố dẫn dắt, tiên phong, lan tỏa, thúc đẩy phong trào và công tác phụ nữ. Thông qua các hoạt động hỗ trợ của tổ chức Hội, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo ở mỗi địa phương và toàn tỉnh. Số hộ phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo trong năm 2023 là 1.132 hộ.

Cùng với chăm lo hỗ trợ “Xây dựng người phụ nữ Nghệ An thời đại mới: Có kiến thức, đạo đức, sức khỏe và khát vọng vươn lên, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và Tổ quốc”, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, tham gia giải quyết hiệu quả những vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em, như bình đẳng giới, phòng, chống mua, bán người, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Trong năm 2023, Hội LHPN tỉnh và các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức giám sát 8 chính sách pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em; bạo lực gia đình; chế độ trợ cấp xã hội cho hộ nghèo, hộ chính sách, bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em; chế độ ăn cho trẻ bán trú tại trường mầm non…

Các cấp Hội tổ chức phản biện gần 750 văn bản liên quan đến chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội; trong đó, có Dự thảo Luật Đất đai, Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chức danh và chế độ cho người hoạt động không chuyên trách xã, khối, xóm, thôn, bản. Trong năm 2023, các cấp Hội tích cực tạo nguồn, giới thiệu cho Đảng kết nạp 1.084 đảng viên.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh tham quan gian hàng sản phẩm hàng hoá do phụ nữ sản xuất. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh tham quan gian hàng sản phẩm hàng hoá do phụ nữ sản xuất. Ảnh: Mai Hoa

Để tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội và phụ nữ trong đời sống xã hội, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Quỳnh Hoa cho rằng, bên cạnh nỗ lực đổi mới, sáng tạo của chính tổ chức Hội, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc tạo cơ chế chính sách để Hội LHPN tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ, từ đó phát huy vai trò của chị em trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương.