Phụ nữ Nghệ An triển khai các “trụ cột”, đưa nghị quyết vào cuộc sống

Phụ nữ Nghệ An chiếm 49,14% lực lượng lao động trong xã hội. Tổng số hội viên gần 47,7 vạn, thuộc nhiều thành phần nông dân, công nhân, công chức, viên chức, lao động; cán bộ, chiến sỹ đơn vị lực lượng vũ trang.

Cán bộ Hội LHPN tỉnh và huyện Thanh Chương trao quà cho trẻ được nhận con nuôi.
Cán bộ Hội LHPN tỉnh và huyện Thanh Chương trao quà cho trẻ được nhận con nuôi.

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng: Chiếm lực lượng lao động lớn, đặc biệt ý thức, ý chí vươn lên trong chị em phụ nữ ngày càng được khẳng định trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là nguồn lực quan trọng, nếu biết cách tập hợp, phát huy tinh thần cống hiến, sáng tạo của phụ nữ. Từ nhận thức đó, trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội và triển khai Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX, Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI; Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, xác định rõ các khâu đột phá và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gắn thay đổi tư duy, cách làm, thực hiện đúng phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”.

Chăm lo phụ nữ, trẻ em nghèo là một “trụ cột” quan trọng trong công tác hội. Tuỳ thực tiễn, ở mỗi cấp hội lựa chọn việc làm, mô hình thiết thực, đóng góp cho mục tiêu an sinh xã hội chung của tỉnh. Mô hình mang tính phổ biến tại các địa phương là “biến rác thải thành con giống, thành việc có ích” thông qua việc thu gom phế liệu gây quỹ mua con giống, thẻ bảo hiểm, sổ tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo. Tích cực kết nối, kêu gọi các nguồn xã hội hoá hỗ trợ xây dựng “mái ấm tình thương”, nhất là kết nối qua fanpage, facebook, zalo, tạo nguồn lực hỗ trợ các gia đình có người bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn bất ngờ. Nhiều mô hình được phát động trong cán bộ hội, hội viên để có thêm nguồn lực cho phụ nữ, trẻ em yếu thế, như mô hình “15+1” – 5 hội viên giúp 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo; “Thực hành tiết kiệm”; “Tương thân tương ái”; “Ống tiền tiết kiệm”; “Hũ gạo tiết kiệm”… Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được các cấp hội hưởng ứng tích cực, thiết thực, như hỗ trợ các vật dụng sinh hoạt, vật nuôi cho phụ nữ các xã biên giới…

Cán bộ hội thường xuyên tìm hiểu đời sống, sản xuất của hội viên và hỗ trợ nhau làm kinh tế.
Cán bộ hội thường xuyên tìm hiểu đời sống, sản xuất của hội viên và hỗ trợ nhau làm kinh tế.

Ngoài ra, ở mỗi đơn vị cũng có những sáng tạo, cách làm hay: Hội LHPN huyện Thanh Chương tổ chức “Gian hàng O đồng” huy động vật dụng từ người có mà không sử dụng, đưa đến cho người cần dùng; phụ nữ Quỳnh Lưu duy trì chương trình “Bát cháo tình thương” hàng tuần; phụ nữ Công an tỉnh và các huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Quỳ Hợp… triển khai mô hình “Mẹ đỡ đầu”, “Đảm nhận con nuôi” nhằm hỗ trợ trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tới trường.

Một “trụ cột” nữa được các cấp hội trăn trở, đổi mới và tích cực triển khai, đó là hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Ở huyện Quỳnh Lưu, theo chia sẻ của bà Trần Thị Hà – Chủ tịch Hội LHPN huyện, hoạt động đồng hành, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua thành lập các tổ, nhóm tiết kiệm; xây dựng mô hình “Ban Chấp hành + 1” từ huyện đến cơ sở, nghĩa là phụ cấp hàng tháng của Ban Chấp hành được dành cho hội viên vay không lãi phát triển kinh tế. Hội chủ trì chỉ đạo, hỗ trợ thành lập 13 tổ hợp tác sản xuất, gắn kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn; đứng ra tín chấp ngân hàng, Quỹ TYM, hỗ trợ phụ nữ vay vốn với tổng dư nợ hơn 270 tỷ đồng với hơn 10.000 lượt hội viên, phụ nữ vay. Hoạt động khởi nghiệp, từ năm 2020 đến nay, huyện hội đã hỗ trợ cho 80 ý tưởng khởi nghiệp được hiện thực hóa; hỗ trợ thành lập mới 3 hợp tác xã, 1 câu lạc bộ doanh nhân nữ.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu thăm hỏi, tìm hiểu đời sống, sản xuất của hội viên.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu thăm hỏi, tìm hiểu đời sống, sản xuất của hội viên.

Nhiệm vụ trọng tâm của Hội Phụ nữ Thanh Chương là hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển vật nuôi hàng hóa, xóa đói – giảm nghèo. Theo đó, ngoài tuyên truyền, vận động, trang bị kiến thức chăn nuôi cho hội viên, phụ nữ; Huyện hội trực tiếp chỉ đạo xây dựng 9 mô hình chăn nuôi gà thả vườn từ 500 con trở lên, nâng tổng số mô hình chăn nuôi gà do tổ chức hội triển khai đến thời điểm này là 141 mô hình, góp phần lan toả thương hiệu tập thể “Gà Thanh Chương”. Hội cũng hỗ trợ triển khai mô hình phụ nữ khởi nghiệp chăn nuôi bò thịt từ 5 con trở lên tại các cơ sở hội với tổng 161 mô hình. Bên cạnh đó, các cấp hội cũng huy động từ nhiều nguồn lực, trao tặng con giống cho hội viên, phụ nữ nghèo, yếu thế phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2021 đến nay, huyện hội đã trao 69 con lợn giống; 1 con bò; 6 con dê; 11.500 con gà.

Trên phạm vi toàn tỉnh, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế tập thể, luỹ kế đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 97 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 15 hợp tác xã, 82 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ. Các cấp hội cũng tích cực triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Kết quả năm 2021 đã vận động, hỗ trợ 715 ý tưởng tham gia các cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương và tỉnh; trong đó đã hỗ trợ cho 478 ý tưởng được hiện thực hóa. Công tác đào tạo nghề, phối hợp, giới thiệu đào tạo nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm được các cấp Hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hội quan tâm làm tốt. Từ những hoạt động hỗ trợ trên, năm 2021 toàn tỉnh đã có 11.684 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được hội giúp đỡ, trong đó có 663 hộ thoát nghèo.

Cán bộ hội các cấp quan tâm, hỗ trợ nhiều mô hình kinh tế của chị em.
Cán bộ hội các cấp quan tâm, hỗ trợ nhiều mô hình kinh tế của chị em.

Hoạt động hội các cấp cũng lựa chọn nội dung “vừa sức” tham gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là tuyên truyền, thay đổi nhận thức và hành vi, giữ gìn vệ sinh môi trường qua các phong trào “5 không, 3 sạch”, “Cộng đồng an toàn”, “Hộ liền kề nhà sạch, vườn đẹp”, “Chi hội 5 không , 3 sạch”; “Sạch nhà, sạch bếp, sạch môi trường”, ”Phân loại rác thải tại nguồn”, “Phụ nữ tự quản đoạn đường nông thôn xanh, sạch, đẹp”, “con đường hoa, cây xanh”…

Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh  trồng cây tại mô hình Nhóm hộ liền kề Nhà sạch vườn đẹp - mô hình do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo ở xã Quang Thành, Yên Thành.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trồng cây tại mô hình Nhóm hộ liền kề Nhà sạch vườn đẹp - mô hình do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo ở xã Quang Thành, Yên Thành.

Một số địa phương chủ động phối hợp các trường học phát động chương trình “Đường đến trường không rác” bằng việc đặt thùng rác từ sản phẩm tái chế trên tuyến đường đến trường, thực hiện phòng chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon… Trong năm 2021, triển khai thực hiện Chỉ thị 45/TTg ngày 31/12/2020 của Thủ Tướng Chính phủ, các cấp Hội thực hiện chỉ tiêu “Mỗi Phụ nữ 1 cây xanh”, “Mỗi cơ sở Hội 01 công trình cây xanh”; đến nay, toàn tỉnh đã có 1.561 công trình cây xanh với 20.650 cây xanh các loại và còn lan toả phong trào trồng cây xanh tại hộ gia đình cán bộ, hội viên…

Song song các “trụ cột” nêu trên, hoạt động xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; nâng cao vai trò tổ chức Hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; nâng cao chất lượng công tác cán bộ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em… cũng được các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Liên quan đến công tác phát triển đảng viên, chỉ tính trong năm 2021, Hội đã bồi dưỡng, giới thiệu 1.048 hội viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng và đã kết nạp 475 đảng viên. Cũng trong năm 2021, các cấp hội đã giám sát, phản biện 95 chính sách và 569 văn bản dự thảo do cấp uỷ, chính quyền các cấp ban hành.

Với nhiều hoạt động đa dạng, sáng tạo, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp quyết tâm đưa Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX và Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp vào cuộc sống.
Với nhiều hoạt động đa dạng, sáng tạo, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp quyết tâm đưa Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX và Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp vào cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Các cấp hội đang tiếp tục triển khai, đưa Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX và Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp vào cuộc sống với các nội dung, hoạt động trọng tâm: hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội; tổ chức các hoạt động đồng hành xây dựng chi hội, tổ phụ nữ vững mạnh. Để thực hiện có hiệu quả các nội dung trên, Hội LHPN tỉnh cũng đang đặt ra yêu cầu các cấp Hội, cán bộ và hội viên nâng cao ý thức trách nhiệm để nhanh chóng đưa Nghị quyết “ăn sâu, bám rễ” vào cuộc sống, góp phần cùng với Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc