Phụ nữ quê lúa và cuốn 'Nhật ký thăm hộ'

(Baonghean) - Theo mô hình “Nhật ký thăm hộ”, mỗi tháng mỗi cán bộ các cấp phải thăm ít nhất 5 hộ hội viên. Đến nay, các cấp hội của Hội Phụ nữ Yên Thành đã thăm 1.634 hội viên, dự sinh hoạt 496 chi hội...

Lưu giữ để thấu hiểu  

Theo chân Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhân Thành Phan Thị Thúy, chúng tôi đến thăm gia đình chị Đinh Thị Thủy ở xóm Thọ Vĩnh. Trong căn nhà nhỏ ngăn nắp, thoáng mát, nhấp nhẹ ngụm trà xanh, những câu chuyện về phương cách phát triển kinh tế hay phong trào thi đua của phụ nữ trở nên rôm rả, có cả những câu chuyện được gắn kết từ cái nghĩa, cái tình khiến cho sợi dây đoàn kết càng được thắt chặt hơn.

Việc đến thăm hỏi từng gia đình hội viên đã trở thành thói quen, nếp sinh hoạt, làm việc của cán bộ hội phụ nữ. Ảnh: Mỹ Nga
Việc đến thăm hỏi từng gia đình hội viên đã trở thành thói quen, nếp sinh hoạt, làm việc của cán bộ hội phụ nữ. Ảnh: Mỹ Nga

Đối với những cán bộ hội phụ nữ như chị Phan Thị Thúy, việc đến thăm hỏi từng gia đình hội viên đã trở thành thói quen, nếp sinh hoạt, làm việc của chị. Chị Thúy chia sẻ, sau mỗi lần đi thăm hộ hội dân, chị đều ghi chép đầy đủ vào cuốn nhật ký. Điều này vừa để tự bản thân tổng hợp, nắm bắt, theo dõi tình hình cơ sở, vừa phản ánh kịp thời những vấn đề bức thiết cho hội cấp trên. “Với cách tiếp cận thân tình này, cán bộ hội thấu hiểu hơn cuộc sống và những khó khăn của hội viên, tạo tình cảm, trách nhiệm với mọi người” - chị Thúy cho biết.

Theo mô hình “Nhật ký thăm hộ”, mỗi tháng mỗi cán bộ các cấp phải thăm ít nhất 5 hộ hội viên. Đến nay, các cấp hội của Hội Phụ nữ Yên Thành đã thăm 1.634 hội viên, dự sinh hoạt 496 chi hội, 24 câu lạc bộ; hỗ trợ 18 phụ nữ hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ, tư vấn cho 3 nạn nhân bị bạo hành, xâm hại; hỗ trợ 12 nạn nhân có nguy cơ bị xâm hại; hòa giải thành công 9 cặp vợ chồng rút đơn ly hôn. 100% chi hội sinh hoạt chuyên đề mà báo cáo viên trực tiếp là cán bộ hội.
Hàng tháng mỗi cán bộ hội phải đi thăm tối thiểu 5 hộ hội viên và ghi chép đầy đủ trong nhật ký thăm hộ. Ảnh: Mỹ Nga
Hàng tháng, mỗi cán bộ hội phải đi thăm tối thiểu 5 hộ hội viên và ghi chép đầy đủ trong nhật ký thăm hộ. Ảnh: Mỹ Nga

“Nhật ký thăm hộ” đã trở thành việc làm thường xuyên đối với các cấp hội phụ nữ tại huyện Yên Thành trong thời gian qua, làm thay đổi tư tưởng, tác phong làm việc và nâng cao trách nhiệm cho cán bộ hội. Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Thành Nguyễn Thị Hòa bộc bạch: “Nếu như trước đây, cán bộ hội ngại tiếp xúc với hội viên, nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của chị em chưa được quan tâm giải quyết; việc nắm bắt thông tin chưa chính xác và phản ánh không đầy đủ; triển khai phong trào và hoạt động hội còn rập khuôn và thụ động theo lối; chưa mạnh dạn trong công tác tham mưu, thiếu trách nhiệm với hội viên, nhất là những hội viên yếu thế. Thì nay, thông qua “Nhật ký thăm hộ”, những tồn tại đó đã được soi chiếu, khắc phục”.

Cũng từ đó, các phong trào và hoạt động hội được triển khai đến từng hội viên, đặc biệt tạo mối quan hệ và niềm tin cho hội viên phụ nữ và người dân, sẵn sàng chia sẻ và kết nối để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết những vấn đề bế tắc trong cuộc sống.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Thành - Nguyễn Thị Hòa

Góp phần tạo nên những đổi thay 

Từ việc cải tiến lề lối, phương pháp làm việc khoa học, sát thực tế theo mô hình “Nhật ký thăm hộ”, nhiều phong trào, hoạt động của Hội LHPN huyện Yên Thành được lựa chọn triển khai có trọng tâm, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hội Phụ nữ đảm nhận trực tiếp thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, các cấp hội xây dựng phong trào điển hình “Vườn đẹp, nhà sạch”, đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo nên những đột phá trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

"Mô hình “Vườn đẹp, nhà sạch” thực hiện rất hiệu quả, gia đình được hưởng lợi, góp phần vào làm đẹp cảnh quan làng quê”.

Chị Nguyễn Thị Thảo - xóm Bắc Tháp, xã Vĩnh Thành

Không khó để bắt gặp những ngôi nhà với khung cảnh thoáng đãng, sạch sẽ, ngăn nắp và gọn gàng đầy ấn tượng tại các xã như Nhân Thành, Vĩnh Thành, Quang Thành, Bắc Thành… Tại xóm Bắc Tháp, xã Vĩnh Thành, con đường dẫn vào nhà chị Nguyễn Thị Thảo được phủ kín 2 hàng rào xanh. Chị Thảo hồ hởi giới thiệu với chúng tôi khoảng vườn trước cửa xanh mướt các loại cây rau, cây trái.

Trước đây cỏ mọc um tùm, nhưng nhờ bàn tay của chị, khu vườn đã có nhiều loại rau, các loại cây ăn quả trĩu cành, mùa nào rau nấy; thùng rác được đặt ngay cạnh lối ra vào, nhà cửa sạch sẽ, tinh tươm. Chị Thảo chia sẻ: “Làm vườn đẹp không khó nhưng phải siêng năng, chịu khó. Vườn là tài sản quý giá nhất, không chỉ giúp gia đình tự cung cấp, có thêm thu nhập, mà còn xua tan mệt mỏi, thấy yêu đời, yêu cuộc sống hơn. Mô hình “Vườn đẹp, nhà sạch” do Hội LHPN phát động thực hiện rất hiệu quả, gia đình được hưởng lợi, góp phần vào làm đẹp cảnh quan làng quê”.

Phong trào
Phong trào "Vườn đẹp, nhà sạch" được hội viên và người dân ủng hộ. Ảnh: Mỹ Nga

Các hộ tham gia mô hình đều tổ chức trồng các tuyến đường hoa, bờ rào xanh, tạo khung cảnh xanh - sạch - đẹp; thực hiện thiết kế, cải tạo lại vườn tạp; bố trí lại khu chăn nuôi hợp lý, chỉnh trang nhà cửa gọn gàng, khoa học, tiện dụng, phân loại rác tại hộ gia đình. Mô hình “vườn đẹp, nhà sạch” từng bước hình thành nhờ sự thay đổi từ những điều nhỏ nhất và có sức lan tỏa lớn.

Hoạt động nhân đạo, từ thiện “Chia sẻ cùng phụ nữ nghèo” được hưởng ứng bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực.

Hướng hoạt động về cơ sở, quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, các phong trào khác cũng được đẩy mạnh thực hiện. Hoạt động nhân đạo, từ thiện “Chia sẻ cùng phụ nữ nghèo” được hưởng ứng bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực như nuôi lợn nhựa, số tiền và gạo tiết kiệm được sẽ được đem giúp đỡ cho hội viên phụ nữ nghèo, tàn tật, đơn thân, gặp hoạn nạn, khó khăn; hay như số tiền thu được từ mô hình “biến rác thải thành con giống, túi rác văn minh” sẽ giúp đỡ hội viên mua con giống, vươn lên phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, phối hợp với các trường trung cấp nghề, doanh nghiệp tổ chức lớp đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu cho lao động nữ đi xuất khẩu lao động. Hàng năm, tổ chức 6-7 cuộc đối thoại với hội viên về những chính sách và quyền của phụ nữ.

Những cây hoa trên các đoạn đường kiểu mẫu thường xuyên được chăm sóc. Ảnh: Mỹ Nga
Những cây hoa trên các đoạn đường kiểu mẫu thường xuyên được chăm sóc. Ảnh: Mỹ Nga

Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Thành Nguyễn Thị Hòa cho biết, trong thời gian tới, Hội tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện; lựa chọn việc cụ thể, có lộ trình, ưu tiến các nhiệm vụ, tiêu chí mang tính thời sự, phù hợp từng nhóm đối tương. Đặc biệt, đẩy mạnh đổi mới bằng cách thi đua sôi nổi, với mong muốn những hoạt động, phong trào thi đua của Hội không chỉ góp phần phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội, mà các cấp hội sẽ trở thành cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội LHPN Yên Thành đã gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua, đóng góp lớn trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Yên Thành có 34/38 xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM năm 2019. Hội LHPN huyện được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào xây dựng NTM gia đoạn 2015 - 2018, Hội LHPN tỉnh tôn vinh đơn vị tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 05.

Tin mới