Phùng Chí Kiên - người chiến sĩ cách mạng chân chính, nhà quân sự song toàn

(Baonghean.vn) - Khép lại cuộc đời ở tuổi 40, trải qua 16 năm xông pha hoạt động cách mạng (từ 1925 – 1941) với nhiều bí danh và tên gọi khác nhau, đồng chí Phùng Chí Kiên đã nêu tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng chân chính, nhà quân sự song toàn.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nhắc đến đồng chí Phùng Chí Kiên đã từng khẳng định “Phùng Chí Kiên là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của quân đội ta. Trọn một đời đi theo Đảng, theo Bác Hồ tham gia cách mạng và kháng chiến. Phùng Chí Kiên là một Đảng viên rất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí là một người được rèn luyện trưởng thành từ chiến sĩ trở nên một vị tướng có tài của quân đội ta”.

Từ tấm gương yêu nước trở thành người cộng sản

Phùng Chí Kiên - người chiến sĩ cách mạng chân chính, nhà quân sự song toàn ảnh 1
Đồng chí Phùng Chí Kiên. Ảnh: Tư liệu

Những ngày này, Khu Di tích liệt sỹ cách mạng Phùng Chí Kiên ở xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu tấp nập đón du khách thập phương đến tưởng nhớ tri ân.

Xuất thân trong một gia đình thuần nông, nhưng từ nhỏ Phùng Chí Kiên (tên khai sinh là Nguyễn Vĩ) đã bộc lộ tư chất thông minh, ham học hỏi nên được gia đình cho theo học chữ nho và học Quốc ngữ hết bậc sơ học. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tròn 14 tuổi, Phùng chí Kiên đã rời quê vào làm công nhân cho nhà máy xe lửa Trường Thi, rồi về làm cho một thương nhân Hoa kiều ở ga Yên Lý, một ga nhỏ trên tuyến đường sắt xuyên Việt. Tại đây, Phùng Chí Kiên đã được gặp gỡ, giao lưu với những người yêu nước có chí hướng như Nguyễn Hữu Lập, Nguyễn Năng Tựu… Những thanh niên tri thức này đã dìu dắt, giác ngộ Phùng Chí Kiên tham gia vào nhóm đọc sách và quyên góp ủng hộ những người xuất dương tìm đường cứu nước.

Cũng chính những năm tháng này, qua mỗi trang sách báo, Phùng Chí Kiên đã thấy, đã thấm được nỗi thống khổ của nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và luôn trăn trở phải làm sao để cứu nước, cứu dân thoát khỏi cảnh lầm than. Lòng yêu nước và sự trăn trở đó đã thúc giục người thanh niên yêu nước Phùng Chí Kiên bước vào hoạt động cách mạng với cả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đó là thời điểm tháng 10/1926, Phùng Chí Kiên bí mật cùng với một số thanh niên yêu nước rời quê hương sang Quảng Châu (Trung Quốc), bắt liên lạc với những người đồng hương như Lê Huy Doãn (tức Lê Hồng Phong), Phạm Thành Tích (tức Hồng Thái) và tham gia lớp huấn luyện chính trị do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc  tổ chức và được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đây chính là bước ngoặt quan trọng, chuyến đi đầy mạo hiểm của người thanh niên yêu nước Phùng Chí Kiên đã đưa ông chính thức thành người tuyên truyền, cổ động, tổ chức cho khuynh hướng chính trị mới, tiến bộ ở Việt Nam – khuynh hướng vô sản và trở thành một trong những học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Người cách mạng kiên trung

Lòng nhiệt huyết với cách mạng cùng với tư chất thông minh và tư duy về quân sự nên Phùng Chí Kiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhóm cố vấn quân sự Liên Xô chọn vào đào tạo tại trường Quân sự Hoàng Phố với cái tên Mạnh Văn Liễu. Năm 1927, Trường Quân sự Hoàng Phố bị đóng cửa do Tưởng Giới Thạch phản bội, đồng chí cùng với các học viên tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng giai đoạn này, với cương vị được giao là Liên trưởng, đồng chí đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, kiên cường chỉ huy đơn vị chiến đấu anh dũng, bẻ gãy nhiều cuộc tiến công của quân Tưởng, bảo vệ khu Xô Viết.

Tháng 12/1930, Phùng Chí Kiên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu cùng một số người khác sang Moscow theo học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Moscow. Tuy nhiên, trên đường đi, đồng chí đã bị bắt giam. Bị hành xử tàn bạo, tra tấn nơi giam cầm, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Tháng 4/1932 ra tù, đồng chí tìm đường trở lại Moscow để học với bí danh Kan, mang số hiệu sinh viên 5690. Sau một thời gian ngắn hoàn thành xuất sắc chương trình học tập, tháng 3/1934,  trở về Phương Đông, nơi còn nhiều công việc khó khăn, hiểm nguy đang chờ sự cống hiến của đồng chí. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (tháng 3/1935), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử làm Ủy viên Thường vụ, phụ trách Ban Hải ngoại của Đảng ở nước ngoài và công tác huấn luyện cán bộ của Đảng.

Khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu. Ảnh: Hồ Hà
Khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu. Ảnh: Hồ Hà

Tháng 8/1936, đồng chí được cử về Sài Gòn cùng Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Tuy nhiên, một năm sau, theo yêu cầu của Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên trở lại Trung Quốc tiếp tục tham gia chỉ đạo công tác Đảng ở ngoài nước. Đầu năm 1940, Chi bộ Ban Chỉ huy ở nước ngoài được thành lập, Phùng Chí Kiên là một trong số đảng viên đầu tiên của chi bộ này. Đầu năm 1941, Phùng Chí Kiên cùng một số đồng chí khác tháp tùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, Cao Bằng tham gia huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh đầu tiên của cả nước. Trong thời gian ở Cao Bằng, đồng chí đã tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, vận động quần chúng, tổ chức nhiều lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ địa phương, góp phần phát triển các tổ chức Việt Minh ở Cao Bằng. Đồng chí còn tham gia nghiên cứu và soạn thảo các nguyên tắc về xây dựng tổ chức vũ trang, đồng thời tổ chức nhiều lớp huấn luyện quân sự cho các địa phương ở Cao Bằng.

Chỉ sau ba tháng, phong trào Việt Minh đã phát triển rộng khắp với hơn 2.000 hội viên.  Kinh nghiệm và kết quả xây dựng thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng là cơ sở thực tiễn để Đảng ta hoàn chỉnh chuyển hướng chiến lược và sách lược cách mạng, vạch ra đường lối, phương pháp giành chính quyền. Những thành công trong việc khôi phục tổ chức, phát triển, hoàn thiện đường lối chiến lược, sách lược của Đảng cũng như xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam có sự cống hiến, đóng góp không nhỏ của đồng chí Phùng Chí Kiên. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5/1941), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, phụ trách công tác quân sự của Đảng, Tổng Chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai, Chỉ huy trưởng Trung đội Cứu quốc Quân 1 - một trong những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự chỉ huy của Phùng Chí Kiên, Đội Cứu quốc quân 1 đã kiên cường bám trụ trong dân, nhanh chóng phát triển, làm chỗ dựa tin cậy cho phong trào cách mạng.

Lo sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng, trung tuần tháng 7/1941, thực dân Pháp đã huy động 4.000 quân, đủ các sắc lính cùng bọn cường hào phản động địa phương, tổ chức 3 mũi tiến công, thi hành chính sách thâm độc “tát nước bắt cá”. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, để bảo tồn lực lượng, Ban chỉ huy Cứu quốc quân quyết định chia làm hai cánh rút khỏi căn cứ Bắc Sơn lên Cao Bằng. Phùng Chí Kiên cùng với Lương Văn Tri chỉ huy một cánh rút khỏi Khuổi Nọi lên Na Rì (Bắc Kạn), sau đó tìm đường rút lên Cao Bằng. Ngày 19/8/1941, khi cánh quân của ông đến Pò Kép thì bị địch phục kích. Phùng Chí Kiên đã chỉ huy chiến đấu quả cảm, kiên cường đánh trả, tiêu diệt được một số sinh lực địch, mở “đường máu” tìm mọi cách thoát vây. Tuy nhiên, các ngả đường đều bị địch phong tỏa. Vòng vây khép chặt dần. Ngày 21/8/1941, khi cánh quân của ông đến làng Khau Pàn, xã Đức Vân (Ngân Sơn) thì bị địch phục kích, tổn thất nặng nề. Đồng chí Lương Văn Trí bị thương rồi bị địch bắt. Mặc dù bị thương nặng nhưng đồng chí Phùng Chí Kiên vẫn giữ chặt khẩu súng bắn chặn địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Khi bắn hết viên đạn cuối cùng, đồng chí đã sa vào tay giặc.

Dâng hương tại Khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên. Ảnh: Hồ Hà
Dâng hương tại Khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên. Ảnh: Hồ Hà

Ngày 22/8/1941, giặc đã chặt đầu đồng chí rồi đem treo đầu cầu Ngân Sơn để hòng uy hiếp tinh thần cán bộ, nhân dân địa phương. Phùng Chí Kiên ngã xuống ở tuổi 40, độ tuổi đang tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo cống hiến cho cách mạng. Ông đi vào cõi vĩnh hằng một cách thản nhiên, điềm tĩnh với lời hô “Chúng tôi là người yêu nước đi đánh Pháp, đuổi Nhật để giải phóng đồng bào. Chúng ta là người Việt Nam, cần phải đoàn kết chống kẻ thù chung”. Sự hy sinh anh dũng của ông là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam.

Tiếc thương và đau xót, điếu văn “Gương hy sinh, tiếc nhớ anh Phùng” của Tổng Bí thư Trường Chinh đăng trên Báo Cờ Giải phóng số 2 ngày 26/8/1943 thêm một lần nữa cho chúng ta hiểu thêm về con người đồng chí Phùng Chí Kiên “Thôi Thế là một đời chiến sĩ tài ba, lỗi lạc đã bỏ mình nơi ngàn cây dặm cỏ… nỗi tiếc thương cho các đồng chí. Anh Phùng đã khuất. Nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông, cây cỏ…”. Ghi nhận công lao của đồng chí, ngày 23/9/1947, tại căn cứ địa Việt Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong hàm cấp Tướng đầu tiên trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam...

Tin mới