Prayuth Chan-ocha - từ 'Thủ tướng đảo chính' tới 'Thủ tướng dân bầu'

(Baonghean) - Sau tranh luận căng thẳng kéo dài tới hơn 12 giờ đồng hồ giữa các nghị sĩ, Quốc hội Thái Lan đã bỏ phiếu lựa chọn Thủ tướng cho nhiệm kỳ mới. Với số phiếu áp đảo so với đối thủ, Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha trở thành Thủ tướng dân bầu đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014.
Ông Prayuth Chan-ocha trở thành Thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo của Thái Lan. Ảnh: BBC
Ông Prayuth Chan-ocha trở thành Thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo của Thái Lan. Ảnh: BBC
Giá trị của sự ổn định

Cuộc bỏ phiếu đêm 5/6 tại Quốc hội Thái Lan nhằm chọn lựa giữa hai ứng cử viên gồm Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha của liên minh do đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharath) lãnh đạo và ông Thanathorn Juangroongruangkit thuộc liên minh do đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) lãnh đạo.

Theo quy định, ai giành được 376 phiếu trong tổng số 750 phiếu của cả Thượng viện và Hạ viện sẽ giành chiến thắng. Ông Prayuth đã giành tới 500 phiếu ủng hộ so với 244 phiếu của đối thủ (3 nghị sĩ không bỏ phiếu và 3 phiếu trắng), trở thành Thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo của Thái Lan một cách đầy thuyết phục.

Chiến thắng của Thủ tướng đương nhiệm không quá bất ngờ, bởi trong 750 phiếu đã có 250 phiếu của các thượng nghị sĩ đều do Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia - cơ quan do ông Prayuth làm chủ tịch bầu ra. Nhưng theo giới phân tích, chiến thắng này còn thể hiện một yếu tố quan trọng hơn, đó là niềm tin dành cho một nhân vật có khả năng đem lại sự ổn định cho đất nước Thái Lan vốn đã trải qua hơn một thập niên đầy biến động và bất ổn chính trị.

Không chỉ các nghị sĩ tham gia cuộc bỏ phiếu, mà các cử tri Thái Lan cũng dành cho ông Prayuth sự tín nhiệm với những gì mà ông đã thể hiện. Theo khảo sát mà Viện Phát triển Hành chính Quốc gia Thái Lan thực hiện trước thềm cuộc bầu cử, hơn 77% người tham gia khảo sát cho rằng ông Prayut làm việc vì nhân dân và đất nước, 78% cho rằng ông đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng.

Sinh ngày 21/3/1954 tại Nakhon Ratchasima, Đông Bắc Thái Lan, ông Prayuth Chan-ocha là một thân tín của Hoàng gia và là nhân vật thượng lưu quyền lực ở Bangkok. Trước khi trở thành Thủ tướng sau cuộc đảo chính lật đổ bà Yingluck Shinawatra hồi năm 2014, cuộc đời của ông gắn với binh nghiệp với sự khởi đầu tại Học viện Quân sự Hoàng gia Chulachomklao.

Tốc độ tăng trưởng GDP năm vừa qua đạt 4% so với mức 0,8% năm 2014, xuất khẩu đạt mức cao nhất trong 7 năm, khách du lịch đến Thái Lan đạt mức kỷ lục hơn 35 triệu lượt khách. Các dự án cơ sở hạ tầng như Hành lang kinh tế phương Đông với tổng vốn đầu tư 45 tỷ USD, các dự án cảng, đường sắt, nhà máy ở phía Đông Nam Bangkok đã được triển khai nhằm tạo động lực mới cho nền kinh tế.

Khi lên nắm quyền vào năm 2014, ông được đánh giá là đã mang những phẩm chất của một quân nhân vào phong cách lãnh đạo đất nước. Nhưng đó là điều mà đất nước Thái Lan rất cần ở thời điểm đó để có thể lập lại ổn định. Nhìn vào hình ảnh Thái Lan hiện giờ, có thể thấy rõ giá trị của sự ổn định mà ông Prayuth đã mang lại.

Có thể nói dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, Thái Lan đã vượt qua nhiều trở ngại để đạt sự ổn định cả về kinh tế và an ninh, làm nền tảng cho sự phát triển trong tương lai. Đó là lúc ông Prayuth quyết định cần phải chuyển đổi từ một chính phủ quân sự sang chính phủ dân sự, và cá nhân ông nếu tiếp tục giữ vị trí Thủ tướng Thái Lan cũng sẽ là một “chính khách” chứ không phải một “quân nhân”. 

 Tôi không còn là quân nhân nữa. Tôi chỉ là một chính khách từng đi lính.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha

Không có “kỳ trăng mật”

Các nghị sĩ Thái Lan trong phiên bỏ phiếu đêm 5/6. Ảnh: AP
Các nghị sĩ Thái Lan trong phiên bỏ phiếu đêm 5/6. Ảnh: AP
“Chính khách cựu quân nhân” Prayuth Chan-ocha sẽ giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ mới của Thái Lan, đồng thời liên minh do đảng Palang Pracharath dẫn đần sẽ thành lập chính phủ dân sự thay thế chính quyền quân sự. Giới phân tích cho rằng, chính phủ mới sẽ không có “kỳ trăng mật” khi phải giải quyết những vấn đề gai góc của đất nước dưới hình thức một liên minh lỏng lẻo gồm 7 chính đảng, không chiếm đa số tuyệt đối tại Hạ viện, vì thế sẽ không thuận lợi trong việc thông qua các chương trình, kế hoạch chung.

Nhiệm vụ khó khăn đầu tiên của ông là duy trì sự ổn định trong bối cảnh một số đảng đối lập đã sẵn sàng thách thức chính quyền mới. Cho đến nay, danh sách các đảng tham gia liên minh này đã có Pheu Thai của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đảng Hướng tới tương lai, đảng Pheu Chart, đảng Prachachart, đảng Seri Ruam Thái và đảng Quyền lực Nhân dân Thái Lan.

Nhiều người lo ngại chính trường Thái Lan sẽ đối mặt với sự chia rẽ và chỉ cần có những tính toán sai lầm, đất nước có thể bị đẩy vào tình cảnh hỗn loạn. Đó cũng là điều mà Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã lường trước khi kêu gọi đoàn kết dân tộc sau cuộc bầu cử phức tạp vừa qua.

Ông Prayuth Chan-ocha muốn chuyển từ “quân nhân” thành “chính khách”. Ảnh: DW
Ông Prayuth Chan-ocha muốn chuyển từ “quân nhân” thành “chính khách”. Ảnh: DW

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng sẽ là một thách thức với ông Prayuth Chan-ocha. Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội của Thái Lan mới đây đã dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ giảm xuống còn 3,6% so với mức dự báo trước đó là 4%, chủ yếu do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu của Thái Lan trong những tháng đầu năm giảm 2,5% và dự báo tăng trưởng xuất khẩu cũng giảm từ 4,4% xuống còn 2,2% trong năm nay. Vì vậy, chính phủ mới sẽ phải tìm cách hồi phục nền kinh tế bằng kích thích tăng trưởng nội địa khi không thể trông chờ vào xuất khẩu.

Khôi phục nền kinh tế đang gặp nhiều bất ổn, hàn gắn những chia rẽ chính trị trong nội bộ đất nước là những khó khăn trước mắt của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, và đó cũng sẽ là cách để khẳng định uy tín với người dân Thái Lan với tư cách một “thủ tướng dân sự” thay vì một “thủ tướng quân nhân” như ông hằng mong muốn.

Tin mới