Putin thị sát cuộc tập trận Vostok; Một bang ở Mỹ buộc doanh nghiệp phải có giám đốc nữ

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra với nhiều sự kiện như: Tổng thống Putin thị sát cuộc tập trận lớn nhất lịch sử Nga; Sơ tán hàng nghìn người do rò rỉ khí đốt tại miền Trung Mexico; Malaysia gia hạn làm việc cho công nhân nước ngoài có thâm niên 10 năm; Thủ tướng Tây Ban Nha phủ nhận đạo văn trong luận án tiến sĩ...

Tổng thống Putin thị sát cuộc tập trận lớn nhất lịch sử Nga

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Putin tại thao trường Tsugol. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/9 đã đích thân ra thao trường theo dõi trực tiếp quân đội Nga và Trung Quốc diễu binh tại Siberia. Buổi diễu binh này nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận Vostok 2018 lớn nhất trong 4 thập niên qua tại Nga.

Tại thao trường Tsugol, Tổng thống Putin lên tiếng đánh giá cao màn thể hiện của các binh sĩ qua cuộc tập trận Vostok 2018, vốn mở màn từ ngày 11/9. Tổng thống Putin cũng khẳng định rằng việc thể hiện sức mạnh quân sự không nhắm trực tiếp đến bất cứ quốc gia nào và Nga luôn hướng đến “quan hệ đối tác mang tính xây dựng”.

Sơ tán hàng nghìn người do rò rỉ khí đốt tại miền Trung Mexico

Putin thị sát cuộc tập trận Vostok; Một bang ở Mỹ buộc doanh nghiệp phải có giám đốc nữ ảnh 2
Nhân viên cứu hỏa làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ rò rỉ khí đốt tại Puebla, Mexico ngày 12/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 12/9, một vụ rò rỉ khí đốt đã xảy ra tại thành phố Puebla thuộc bang cùng tên, miền Trung Mexico khiến khoảng 2.500 người phải đi sơ tán. Vụ rò rỉ bắt đầu vào lúc 4 giờ (giờ địa phương) tại tuyến đường ống dẫn thuộc sở hữu của Công ty dầu mỏ nhà nước Petroleos Mexicanos (Pemex).

Vụ rò rỉ khiến các cơ sở kinh doanh và trường học phải đóng cửa tại 10 vùng lân cận sau khi cơ quan bảo vệ dân sự bang Puebla ra lệnh sơ tán. Giới chức đã cắt điện trong khu vực và hạn chế các phương tiện xe cộ đi lại trong khi Pemex đang nỗ lực bịt chỗ rò rỉ. Khoảng 1.500 lính cứu hỏa, nhân viên cứu trợ và cảnh sát đã tham gia hoạt động này.

Anh sẽ không trả tiền đền bù cho Liên minh châu Âu sau Brexit

Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh Dominic Raab. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh Dominic Raab. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh Dominic Raab cảnh báo nước Anh sẽ không thanh toán khoản tài chính như đã cam kết với Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit, chỉ việc Anh rời EU, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận "ly hôn".

Trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 13/9, Bộ trưởng Raab cho biết trong khuôn khổ thỏa thuận rời EU, London từng nhất trí sẽ trả số tiền đền bù 39 tỷ bảng Anh (khoảng 51 tỷ USD). Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về thỏa thuận mở rộng vẫn đang đình trệ, gây nhiều quan ngại về khả năng Anh vẫn sẽ rời EU vào tháng 3/2019 dù có đạt được thỏa thuận hay không. Hệ quả là chính phủ của Thủ tướng Theresa May sẽ không thanh toán số tiền như cam kết.

Bộ trưởng Raab nhấn mạnh "đây không phải lời đe dọa mà là tuyên bố thực sự" theo đúng nội dung kế hoạch khi Anh không đạt thỏa thuận với EU.

Malaysia gia hạn làm việc cho công nhân nước ngoài có thâm niên 10 năm

Putin thị sát cuộc tập trận Vostok; Một bang ở Mỹ buộc doanh nghiệp phải có giám đốc nữ ảnh 4

Bắt giữ công nhân nhập cư bất hợp pháp tại công trường xây dựng ở cảng Dickson, Malaysia ngày 11/7/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 13/9, Bộ trưởng Nhân lực Malaysia M. Kulasegaran cho biết các công nhân nước ngoài có thẻ Cư trú-Làm việc Tạm thời (PLKS) trong 10 năm, hay nói cách khác là các công nhân nước ngoài làm việc hợp pháp tại Malaysia được 10 năm, sẽ được phép tiếp tục ở lại và làm việc tại đây trong thời gian tối đa 3 năm. Các công nhân nói trên phải tiến hành gia hạn thẻ của mình hàng năm trong thời gian gia hạn. Tuy nhiên, họ không được phép xin nhập cảnh cư trú lâu dài hoặc xin nhập tịch Malaysia.

Malaysia là quốc gia tiếp nhận lao động nước ngoài lớn tại khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Malaysia, số lượng công nhân nước ngoài đang làm việc hợp pháp tại nước này vào khoảng hơn 1,8 triệu người.

Thủ tướng Tây Ban Nha phủ nhận đạo văn trong luận án tiến sĩ

Chú thích ảnh
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại cuộc họp báo ở Madrid. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã phủ nhận thông tin cho rằng ông đạo văn trong luận án tiến sĩ của mình. Vụ việc diễn ra đúng 2 ngày sau khi Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carmen Monton từ chức sau khi bị cáo buộc gian lận bằng cấp.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 13/9, ông Sanchez nhấn mạnh những thông tin xuất hiện trên truyền thông cho rằng có sự đạo văn trong luận án tiến sỹ của ông hoàn toàn sai trái. Ông cho biết ông sẽ có hành động pháp lý bảo vệ danh dự và uy tín nếu những thông tin công bố trên truyền thông không được đính chính.

Theo nhật báo ABC ở Tây Ban Nha, ông Sanchez có hành vi gian lận trong luận án tiến sĩ năm 2012 của ông viết về vấn đề đổi mới trong ngoại giao kinh tế Tây Ban Nha. Báo điện tử Ok Diario cũng đưa ra cáo buộc cho rằng ông đạo văn.

Đức đạt được thỏa thuận trao trả người nhập cư với Italy

Putin thị sát cuộc tập trận Vostok; Một bang ở Mỹ buộc doanh nghiệp phải có giám đốc nữ ảnh 6
Người tị nạn chờ làm thủ tục đăng ký tại Passau, miền Nam Đức. Nguồn: AFP/TTXVN

Ngày 13/9, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer thông báo Berlin đã đạt được thỏa thuận với Rome về trao trả người nhập cư nếu những người này nộp đơn xin tị nạn ở Italy. Ông hy vọng thỏa thuận này sẽ được ký kết trong thời gian sớm nhất.  Bộ trưởng Seehofer cho hay ông và người đồng cấp phía Italy sẽ cùng ký vào thỏa thuận này trong vài ngày tới.

Trước đó, hồi tháng Tám, Đức cũng đã đạt được thỏa thuận tương tự với Hy Lạp và Tây Ban Nha. Theo thỏa thuận này, những người di cư sang Đức qua đường biên giới với Áo mà trước đó đã nộp đơn xin tị nạn ở Hy Lạp và Tây Ban Nha có thể sẽ bị gửi trả về hai nước này trong vòng 48 giờ đồng hồ.

Hiện chính quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chịu sức ép giảm số người nhập cư mới đến nước này sau khi Berlin vẫn chưa giải quyết xong đơn xin tị nạn từ năm 2015-2016 lên con số kỷ lục là 1 triệu người.

Cựu Tổng thống El Salvador lĩnh án 10 năm tù vì rửa tiền 300 triệu USD

cuu tong thong el salvador linh an 10 nam tu vi rua tien 300 trieu usd hinh 1

Cựu Tổng thống El Salvador Antonio Saca. Ảnh: Reuters

Một tòa án El Salvador ngày 12/9 kết án cựu Tổng thống Antonio Saca 10 năm tù sau khi ông nhận tội tham nhũng và rửa tiền công quỹ. Ông Antonio Saca, 53 tuổi, đã nhận tội trong cáo trạng đối với ông từ tháng trước. Tại thời điểm đó, luật sư của ông Saca cho biết, ông đã nhận tội để đổi lấy việc được giảm án tù.

Trong thời gian bị xét xử, các công tố việc cho biết, cựu Tổng thống Saca đã chiếm đoạt quỹ công cho cá nhân ông và những người khác, bao gồm việc lấy hơn 7 triệu USD về cho đảng chính trị cũ của ông, Liên minh Cộng hòa Dân tộc cánh hữu (ARENA). Ông Saca phải lĩnh án 5 năm cho tội rửa tiền và 5 năm vì tội tham nhũng. Cựu Tổng thống El Salvador cũng bị buộc phải trả lại 260 triệu USD cho nhà nước.

Tòa án này cũng kết án 6 cựu quan chức khác trong chính phủ của ông Saca với các mức án từ 3 năm đến 16 năm tù vì tội tham gia vào đường dây tham nhũng.

California buộc doanh nghiệp phải có giám đốc nữ

Nghị viện bang California (Mỹ) thông qua dự luật yêu cầu tất cả các công ty đặt trụ sở chính ở bang này phải có ít nhất một giám đốc nữ trước cuối năm 2019, theo tờ The Washington Post. Đến năm 2021, doanh nghiệp nào có từ 6 giám đốc trở lên thì nữ giới phải chiếm 50%. Đạo luật mới đang chờ Thống đốc Jerry Brown ký ban hành nhưng bị nhiều nhóm doanh nghiệp phản đối và một số tập đoàn lớn cảnh báo sẽ kiện lên tòa án hiến pháp.

Sau khi đạo luật được chính thức ban hành, California sẽ trở thành bang đầu tiên của Mỹ bắt buộc công ty phải có giám đốc nữ. Trong khi đó, luật này ngày càng trở nên phổ biến ở châu Âu, với những quốc gia như Pháp và Na Uy yêu cầu các doanh nghiệp phải có 30 - 40% số giám đốc là nữ.

Tin mới