Putin - Trump gặp nhau ngày 1-12; Italy thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra nhiều tin tức nổi bật như: Xác nhận hai tổng thống Nga và Mỹ gặp nhau ngày 1/12; Italy thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư cứng rắn; Thổ Nhĩ Kỳ muốn hòa giải cho Nga và Ukraine; Khách tham quan có thể tự do qua lại hai miền Triều Tiên từ tháng 12; Philippines lần đầu bỏ tù cảnh sát chống ma túy vì bắn chết người...

Xác nhận hai tổng thống Nga và Mỹ gặp nhau ngày 1/12

Xác nhận hai tổng thống Nga và Mỹ gặp nhau ngày 1-12 - Ảnh 1.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tặng Tổng thống Mỹ Donald Trump quả bóng kỷ niệm World Cup tại buổi họp báo chung ở Helsinki, Phần Lan ngày 16-7 vừa qua - Ảnh: AFP

Điện Kremlin cho biết tổng thống Nga và tổng thống Mỹ dự kiến sẽ gặp nhau vào lúc 14h30 ngày 1-12 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina. Đây là thông tin được Hãng tin Reuters của Anh công bố, dẫn một tài liệu của Điện Kremlin ngày 29/11.

Trong khi đó, theo Hãng tin AFP, ông Yuri Ushakov - cố vấn về chính sách đối ngoại của Điện Kremlin - giải thích với các nhà báo: "Cả hai bên đều có nhu cầu giống nhau về cuộc gặp này" nhằm giải tỏa lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump về việc hủy bỏ cuộc gặp để phản ứng với tình trạng căng thẳng trên biển Đen. "Đó sẽ là cuộc gặp gồm hai phần: một cuộc gặp riêng giữa hai lãnh đạo và một cuộc với các thành viên chủ chốt của phái đoàn hai nước", ông Ushakov xác nhận.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn hòa giải cho Nga và Ukraine

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. Ảnh: AP.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. Ảnh:AP.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò trung gian để giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine sau vụ Moskva bắt ba tàu chiến của Kiev. "Chúng tôi có thể đảm nhận vai trò hòa giải và chúng tôi đã thảo luận đề xuất này với cả hai bên", ông Erdogan ngày 29/11 phát biểu với báo chí tại sân bay quốc tế Istanbul trước khi lên đường tới Argentina dự hội nghị thượng đỉnh G20, theo AFP.

Tuyên bố trên được Erdogan đưa ra sau cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Erdogan cũng đã trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga được tăng cường từ giữa năm 2016 sau khi cả hai nước đều bất đồng với phương Tây trong nhiều vấn đề. Ankara đang phối hợp chặt chẽ với Moskva trong cuộc xung đột Syria cũng như thúc đẩy việc mua các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga. Tuy nhiên, Erdogan cũng luôn tìm cách nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ truyền thống với Ukraine.

Khách tham quan có thể tự do qua lại hai miền Triều Tiên từ tháng 12

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Giao thông Hàn Quốc Kim Jeong-ryeol (trái) và người đồng cấp Triều Tiên Kim Yun-hyok (phải) tại cuộc thảo luận về hợp tác đường sắt liên Triều tại làng đình chiến Panmunjom ngày 26/6. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ hoàn tất việc phá hủy hoàn toàn mỗi bên 10 trạm gác tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) vào ngày 30/11. Dự kiến, bắt đầu từ tháng 12 tới, khách tham quan sẽ có thể tự do qua lại hai miền Triều Tiên phía trong Khu vực an ninh chung (JSA), làng đình chiến Panmunjom.

Nội dung trên được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo thông báo trong buổi họp báo thường kỳ ngày 29/11. Đây là những trạm gác mà Seoul và Bình Nhưỡng nhất trí rút thí điểm khỏi DMZ. Phát ngôn viên Choi cho biết hiện tại, hai miền tiếp tục thảo luận quy trình kiểm chứng lẫn nhau từ nay tới cuối năm về việc phá hủy các trạm gác. Ngoài ra, công tác gỡ mìn tại khu vực đồi Hwasalmori thuộc địa phận huyện Cheorwon, tỉnh Gangwon, cũng sắp sửa được hoàn tất, chuẩn bị cho việc khai quật chung hài cốt các binh sĩ của hai miền hy sinh trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Philippines lần đầu bỏ tù cảnh sát chống ma túy vì bắn chết người

Ba sĩ quan cảnh sát Philippines bị kết án vì sát hại thiếu niên 17 tuổi, từ trái qua: Arnel Oares, Jerwin Cruz, Jeremias Pereda. Ảnh: BBC.

Ba sĩ quan cảnh sát Philippines bị kết án vì sát hại thiếu niên 17 tuổi, từ trái qua: Arnel Oares, Jerwin Cruz, Jeremias Pereda. Ảnh: BBC

Ba cảnh sát bị tòa án quận Caloocan, Philippines ngày 29/11 kết án 49 năm tù vì bắn chết thiếu niên 17 tuổi Kian Loyd delos Santo tại khu vực ngoại ô phía tây bắc thủ đô Manila vào tháng 8/2017, theo Reuters. "Hành vi bắn không cần hỏi không thể diễn ra trong một xã hội văn minh. Kẻ giết người và hành vi giết người không bao giờ được coi là chức năng của lực lượng thực thi pháp luật. Không thể đánh đổi mạng sống con người cho trật tự xã hội theo cách đó", thẩm phán Roldolfo Azucena ra phán quyết.

Camera an ninh ghi lại cảnh ba sĩ quan mặc thường phục đưa một thiếu niên có ngoại hình giống Santos vào một con hẻm phía tây bắc Manila. Thi thể Santos được phát hiện tại con hẻm này với khẩu súng ở tay trái. Các sĩ quan cảnh sát cho biết họ nổ súng để tự vệ nhưng gia đình nạn nhân bác bỏ lời giải thích.

Trụ sở Ngân hàng lớn nhất nước Đức bị điều tra rửa tiền

ho so panama: tru so ngan hang lon nhat nuoc duc bi dieu tra rua tien hinh 1

Trụ sở Deutsche Bank tại Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà điều tra Đức ngày 29/11 đã đột kích trụ sở chính của Ngân hàng Đức (Deutsche Bank) ở thành phố Frankfurt để điều tra về hoạt động rửa tiền. Theo cáo buộc của nhà chức trách Đức, 2 nhân viên của ngân hàng này đã giúp đỡ khách hàng của họ rửa tiền thu được từ các hoạt động phạm tội. Không chỉ trụ sở chính, các chi nhánh của Ngân hàng Đức cũng đang bị lục soát, với sự tham gia của nhiều cảnh sát và quan chức Đức.

Các nhà điều tra đang tìm kiếm thông tin xem liệu các nhân viên của Ngân hàng Đức có phải đã giúp khách hàng của họ thiết lập những tài khoản quốc tế để chuyển tiền thu được từ các hoạt động tội phạm hay không.

Italy thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư cứng rắn

Người di cư và tị nạn tại Nantes, Pháp ngày 23/7. Nguồn: AFP/TTXVN
Người di cư và tị nạn tại Nantes, Pháp ngày 23/7. Nguồn: AFP/TTXVN

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của phe đối lập, ngày 29/11, Hạ viện Italy đã thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư cứng rắn, do Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini đệ trình. Hạ viện đã thông qua sắc lệnh, vốn tạo thuận lợi hơn cho việc trục xuất người di cư và hạn chế cấp giấy phép cư trú, với 396 phiếu thuận và 99 phiếu chống. Trước đó, hôm 7/11, Thượng viện Italy cũng đã "bật đèn xanh" cho sắc lệnh gây tranh cãi này.

Sắc lệnh trên sẽ nới lỏng các quy định về trục xuất người nhập cư, cho phép tước quyền công dân Italy của người nhập cư nếu bị buộc tội khủng bố. Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng bãi bỏ việc cấp giấy phép cư trú vì lý do nhân đạo, thay thế bằng các giấy phép cư trú theo diện "bảo vệ đặc biệt" hay "thảm họa tự nhiên ở quê hương."

Brazil hủy kế hoạch đăng cai COP 25

brazil huy ke hoach dang cai cop 25 hinh 1

Tổng thống đắc cử Jair Bolsonaro. Ảnh: Veja

Theo yêu cầu của Tổng thống đắc cử Jair Bolsonaro, Chính phủ Brazil mới đây tuyên bố sẽ hủy kế hoạch đăng cai tổ chức Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP25) dự kiến vào tháng 11/2019. Trước đó, trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Brazil nêu rõ, nước này buộc phải đưa ra quyết định sau khi cân nhắc những khó khăn về tài chính nếu tổ chức sự kiện này.

Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Brazil hôm 28/10 vừa qua, ông Bolsonaro trong suốt chiến dịch tranh cửa của mình cam kết giải quyết tình trạng khan hiếm năng lượng kéo dài tại nước này thông qua việc phát triển lĩnh vực hạt nhân và xây dựng đập thủy điện mới tại khu vực Amazon. Là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, đây được xem như một trong những lá chắn tự nhiên tốt nhất chống lại biến đổi khí hậu.

Mỹ cho phép lưu hành loại thuốc mới điều trị ung thư máu

Putin - Trump gặp nhau ngày 1-12; Italy thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư ảnh 8

Nguồn: UFMC

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 28/11 đã cho phép lưu hành loại thuốc mới, mang tên Xospata, để điều trị cho những người trưởng thành mắc hoặc tái phát bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML) - một dạng ung thư máu nguy hiểm nhất. Theo FDA, thuốc Xospata nhằm trực tiếp vào gene FLT3 và là loại thuốc đầu tiên được phê duyệt, có thể sử dụng độc lập trong việc điều trị những bệnh nhân mắc AML có đột biến gene FLT3, vốn bị tái phát bệnh hoặc không đáp ứng với điều trị giai đoạn đầu.

AML là loại ung thư tiến triển nhanh, đẩy lùi các tế bào thông thường có trong tủy xương và mạch máu, kéo theo việc sụt giảm một lượng lớn tế bào máu thông thường, khiến người bệnh thường xuyên phải truyền máu. Thống kê cho thấy khoảng 25-30% bệnh nhân mắc AML bị đột biến gene FLT3, khiến người bệnh có nguy cơ tái phát cao. 

Tin mới