Qatar rời OPEC: Hệ quả từ sự chi phối của Saudi Arabia và Nga

Iran cho rằng việc Qatar quyết định rời khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy sự thất vọng của những nhà sản xuất nhỏ đối với vai trò chi phối của Saudi Arabia và Nga.
Ảnh minh họa Getty Images
Ảnh minh họa Getty Images

Ngày 3/12, Iran cho rằng việc Qatar quyết định rời khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy sự thất vọng của những nhà sản xuất nhỏ đối với vai trò chi phối của Saudi Arabia và Nga trong việc quyết định cắt giảm sản lượng nhằm giúp “kiểm soát” giá dầu.

Đề cập đến tuyên bố của Doha đưa ra trước đó cùng ngày, Đại diện của Iran tại OPEC, ông Hossein Kazempour Ardebili cho biết: “Đây là việc rất đáng tiếc và chúng tôi hiểu sự thất vọng của họ”. 

Theo ông Ardebili, quyết định của Qatar phản ánh sự giận dữ đang gia tăng của các nhà sản xuất dầu trước điều mà ông mô tả là cách tiếp cận đơn phương của Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC (JMMC) vốn do Saudi Arabia và Nga dẫn dắt trong việc ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu.

Truyền thông nhà nước Iran dẫn phát biểu của ông Ardebili cho hay: “Có nhiều thành viên OPEC khác đã bày tỏ thất vọng rằng JMMC quyết định về sản lượng dầu một cách đơn phương và không có được sự đồng thuận trước của OPEC”.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi tuyên bố quốc gia vùng Vịnh này sẽ rút khỏi OPEC vào tháng 1 tới để tập trung vào sản xuất khí đốt. Qatar, một thành viên của OPEC, đã đưa ra quyết định trên trong bối cảnh giá dầu mỏ trên thị trường thế giới trong những ngày qua đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 14 tháng qua.

Tin mới