Quả ngọt, quả thối

QUẢ NGỌT, QUẢ THỐI

Người lớn chúng ta vẫn thường tự cho mình quyền can thiệp cuộc sống của con cái với lý do nhân danh tình yêu thương. Vấn đề ở chỗ, người lớn không phải lúc nào cũng đúng và những sai lầm của người lớn thường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn sai lầm của trẻ con nhiều lắm.

Gần đây nhất là vụ việc hàng loạt sinh viên của các trường đại học tốp đầu bị đuổi học vì phát hiện điểm thi đại học được nâng vô tội vạ. Có em điểm gốc chỉ lẹt đẹt 0, 1, 2… được nâng lên nghiễm nhiên ngồi vào ghế thủ khoa, á khoa; thậm chí có em còn hồn nhiên lên báo chia sẻ bí quyết ôn thi đại học, kể cũng lạ đời. Nhưng lạ đời hơn là bố mẹ của các em một mực khẳng định hoàn toàn không hề hay biết việc con mình “được” (hay “bị”?) nâng điểm. Có người còn phân bua “Chắc họ nghĩ làm thế là giúp mình, nhưng hóa ra là hại mình”. Chính ra, tôi thấy câu này đúng phết. Nhất là khi áp dụng vào nhiều tình huống bố mẹ “giúp” con cái.

Chẳng phải nói đâu xa, ngay như tôi đây thời còn bé đi thi vẽ ở trường cũng “được” (hay “bị”?) bố tôi giúp chứ đâu. Chẳng là trước ngày thi, bố tôi “tình cờ” nằm mơ thấy đề thi là “vẽ chuyến đi du lịch mùa hè của gia đình em” và bảo tôi vẽ thử. Thần kỳ làm sao, hôm tôi đi thi, người ta ra đề đúng như bố tôi “mơ”. Thế là tôi trúng tủ. Khỏi nói, đợt ấy tôi được giải cao và được đi thi cấp thành phố. Ra khỏi phòng thi, tôi hớn hở khoe: “Bố ơi, người ta ra đúng cái đề bố nằm mơ đấy!”. Bố tôi hốt hoảng ra hiệu cho tôi im lặng rồi vội vàng chở tôi về nhà. Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình hồi ấy ngây thơ quá, chứ làm gì có chuyện mơ mộng gì ở đây. Nghĩ thì cũng thấy xấu hổ, nhưng không giận bố vì nghĩ chắc bố cũng chỉ muốn tốt cho mình thôi.

Nhưng chắc gì những điều “tốt đẹp” mà bố mẹ muốn dành cho con cái đã thực sự tốt đẹp như họ nghĩ? Và chắc gì cách làm của họ đã tốt đẹp? Tôi có một người bạn bỏ học đại học ở năm thứ hai. Nó bươn chải kiếm tiền từ sớm rồi bị cuốn vào guồng quay làm việc, kiếm tiền. Đến khi nó nhìn lại thì đã quá muộn để đuổi kịp bạn bè, đành bỏ ngang việc học để đi làm luôn. Ấy thế mà nhà nó cũng đâu có khó khăn túng bấn gì. Bố mẹ nó thậm chí còn mua nhà, mua đất cho hai anh em nó, chỉ chờ tốt nghiệp đại học là xin cho vào làm ở một ngân hàng. Tương lai rộng mở, đường đời thẳng thớm cứ thế mà bước. Nhưng rồi anh nó dính vào cờ bạc, lô đề. Tiền bạc, của cải trong nhà cứ thế đội nón ra đi theo mỗi lần thằng con trai cả về “báo” nhà khi thì đôi ba, khi thì chục tỷ. Ròng rã mười năm trời, từ một gia đình khá giả, bây giờ trong nhà chẳng còn gì đáng giá. Ngay đến ngôi nhà bố mẹ nó đang ở cũng đang phải cắm ngân hàng vay tiền trả nợ cho con. Hai ông bà già cặm cụi trả lãi hàng tháng bằng mấy đồng lương hưu còm chả thấm để nuôi thằng con “hút máu”.

Bạn tôi bảo, nó vừa thương vừa giận bố mẹ vì suy cho cùng, nếu bố mẹ không dung túng, chứa chấp thì anh nó lấy đâu ra tiền mà chơi bời suốt mười năm ròng rã. Tôi im lặng không nói gì vì không muốn xát thêm muối vào nỗi khổ tâm của nó. Vả chăng tôi cũng chẳng có tư cách gì trong câu chuyện của gia đình nhà người ta để lên lớp dạy đời. Nhưng có khi nào, bố mẹ bạn tôi đã thương con sai cách, như rất nhiều ông bố bà mẹ khác? Hay sâu xa hơn thì, chắc gì đó đã thực sự là yêu thương? Nhiều người vẫn nhắm mắt cho qua những sai lầm của con vì không muốn làm rùm beng, không muốn bị thiên hạ chê cười, không muốn mang tiếng không biết dạy con, không muốn ảnh hưởng đến công danh sự nghiệp. Nhiều người coi con cái như là mảnh ghép cho bức chân dung đẹp đẽ của mình để người đời nhìn vào ngưỡng mộ. Nhưng đằng sau bức tranh ấy, có khi lại là một sự thật đang thối nát dần mòn.

Ghét cay ghét đắng cái trò lừa người dối mình, tôi từng tuyên bố với bố mẹ tôi rằng, sau này khi có con, nếu có ai hỏi con tôi học giỏi không, tôi sẽ nói là “Cháu nó học dốt nhất lớp”. Ừ thì, có thể cũng không cần cực đoan đến mức đó, nhưng tôi thực sự tò mò muốn biết phản ứng của mọi người sẽ thế nào? Tôi đoán chắc người ta sẽ phải chống chế bằng cách tìm ra một ưu điểm gì đó của con tôi để khen bằng được, dù con tôi có vô tích sự nhất trần đời đi chăng nữa. Đãi bôi mà. Chúng ta vẫn cho những câu khen ngợi sáo rỗng là những lời nói dối vô hại, mà không hề biết rằng đó mới thực sự là những lời dối trá độc hại nhất trên đời. Nó khiến con người ta sống trong một ảo tưởng đẹp đẽ về bản thân và về cách mà mình được xã hội nhìn nhận.

Và đó là cái cách mà nhiều ông bố bà mẹ đang nuôi dạy con cái mình. Đắp lên chúng những chiếc mặt nạ hào nhoáng. Nuôi lớn chúng bằng những lời dối trá. Tiêm nhiễm vào đầu chúng ảo tưởng và dạy cho chúng thủ đoạn để che đậy bản chất của mình. Trời, sao chúng ta lại đối xử với con cái mình như vậy, chỉ bằng lý do nhân danh tình yêu và những điều tốt đẹp? Thứ tình thương lệch lạc đó chỉ có thể lý giải bằng hai khả năng. Một là chúng ta quá độc ác. Hai là chúng ta quá ngu dốt. Cả hai đều tệ, nhưng có lẽ cái thứ hai vẫn đỡ hơn.

Dưới một góc nhìn nào đó, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái cũng như một mối quan hệ nhân – quả. Ở đó, cách giáo dục và cách sống của bố mẹ sẽ là nhân, còn đứa con là quả. Bạn muốn thu hoạch được gì, quả ngọt hay quả thối?